Thương mại Anh-Việt Nam còn nhiều dư địa

  • 16/03/2022 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam. Kim ngạch song phương Việt Nam - Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ đôla Mỹ, tăng trưởng 17,24%. Song dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Anh còn rất lớn bởi hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh chiếm chưa đến 1%.

 

Xuất khẩu sang Anh chiếm chưa đến 1%

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và vương Quốc Anh (UKVFTA) được ký chính thức vào ngày 29/12/2020, áp dụng tạm thời từ ngày 1/1/2021 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2021. Theo đó, 65% thuế quan đã được xóa bỏ đối với thương mại Việt Nam - Anh. Trong 6 năm đầu tiên sau khi UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,2% số dòng thuế liên quan đến hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Việt Nam cam kết xóa bỏ 48,5% thuế quan, phù hợp với các nước EU khác trong khuôn khổ Hiệp định thương mại Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA). Thuế suất đối với thương mại hàng hóa song phương giữa Anh và Việt Nam tiếp tục được áp dụng như được lặp lại từ EVFTA.

Sau 1 năm áp dụng Hiệp định UKVFTA, kim ngạch song phương Việt Nam - Anh trong năm 2021 đạt 6,61 tỷ đôla Mỹ, tăng trưởng 17,24%. Anh là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực châu Âu và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam. Trong đó, các ngành xuất khẩu thế mạnh từ Việt Nam sang Anh chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu như sắt thép, cao su, rau quả... Còn Việt Nam là đối tác thương mại hàng đầu của Anh tại ASEAN và đứng thứ 26 trong số đối tác xuất  khẩu của Anh trên thế giới.

Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh mới được thực thi trong thời gian ngắn nhưng thương mại song phương giữa 2 quốc gia đã có những kết quả tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 bên đều tăng ở 2 con số, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng 16,4%, ngược lại xuất khẩu của Anh sang Việt Nam tăng 23,6% so với thời gian trước khi có Hiệp định. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đều tăng trưởng tốt. Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lần lượt là các mặt hàng: sắt thép tăng 1269%); cao su tăng 67,08%; rau quả tăng 66,89%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm 56,51%; hạt tiêu 49,07%...

Theo ông Lương Hoàng Thái, nếu so với các nước trong khu vực, tiềm năng phát triển hợp tác thương mại, đầu tư ở mức cao hơn nhiều. Bởi, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Anh mới chỉ chiếm 0,88% trong tổng nhập khẩu vào Anh, và ngược lại, hàng hóa xuất khẩu của Anh cũng chiếm phần nhỏ trong lượng nhập khẩu của Việt Nam. Như vậy, dư địa hợp tác phát triển giữa hai bên trong thời gian tới còn rất lớn.

Cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: Hiệp định UKVFTA được kỳ vọng giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hiện đại, minh bạch và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Nhận định thành công sau một năm thực thi hiệp định, ông Khánh cho rằng, năm 2021 là năm “vạn sự khởi đầu nan” cho UKVFTA. Thời điểm hiệp định chính thức có hiệu lực cũng cũng là lúc cả hai bên phải đối mặt với diễn biến phức tạp của Covid-19. Số ca nhiễm tăng cao ở cả hai nước đã gây ra những hệ luỵ không tránh khỏi về nguồn nhân lực, những gián đoạn không nhỏ đến chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại khác.

Dù khởi đầu trong bối cảnh khó khăn như vậy, song trao đổi thương mại 2 chiều vẫn tăng trưởng hơn 17% so với năm 2020. Mức tăng trưởng này đã giúp kim ngạch thương mại song phương quay lại mức năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch). “Số liệu này cho thấy, hiệp định UKVFTA thực sự là con đường cao tốc hai chiều giúp thúc đẩy quan hệ 2 bên theo hướng ngày càng cân bằng hơn”, Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm hội nhập của VCCI cũng cho rằng, điểm tích cực mà UKVFTA mang lại, rõ rệt nhất là hàng hóa giữa hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có tính bổ sung cho nhau. Đơn cử, Việt Nam rất cần dược phẩm thì Anh là thế mạnh, trong khi xuất khẩu dệt may - một mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam cũng được các khách hàng của Anh đón nhận tích cực. Tuy nhiên, Anh là thị trường khó tính, do vậy các cơ quan xúc tiến thương mại cần có giải pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kết nối với bạn hàng, đặc biệt là nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn của Anh…

Để tận dụng được lợi thế từ hiệp định UKVFTA, các chuyên gia khuyến cáo, hiệp định UKVFTA đã tạo nên những lực đẩy mới giúp doanh nghiệp Việt Nam có ưu thế cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, một năm chưa phải là thời gian đủ dài để sản phẩm Việt Nam lấn át sản phẩm của các nước khác. Vì vậy doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn như Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, Aldi, Strada, Westmill… Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận