Sản xuất trong nước ứng phó với khủng hoảng phân bón

  • 07/04/2022 10:44:35
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Xung đột Nga - Ukraine khiến ngành phân bón toàn cầu rơi vào khủng hoảng, giá lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm qua. Phân bón trong nước cũng bị ảnh hưởng về nguồn cung và giá, gây khó khăn cho sản xuất trong nước.

Nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn

Theo Cục Bảo vệ thực vật, sau những ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, như thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng, lại thêm tác động mạnh từ căng thẳng Nga - Ukraine khiến thị trường phân bón thế giới suy giảm nguồn cung và tăng giá.

Hàng năm, Việt Nam sử dụng trung bình trên 10 triệu tấn phân bón sản xuất công nghiệp. Trong đó, nhập khẩu từ Nga khoảng 130.000 - 380.000 tấn, chiếm khoảng 3 - 9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, tương ứng 5 - 11,9% về giá trị. Riêng lượng phân kali nhập từ Nga khoảng từ 68.000 - 200.000 tấn/năm, chiếm từ 7,2 - 18,6% so với tổng lượng nhập khẩu loại phân bón này.

Năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga là trên 320.000 tấn, chiếm 6,27% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu; trong đó, nhập khẩu nhiều nhất là kali với trên 195.000 tấn, chiếm hơn 15% tổng lượng kali nhập khẩu.

Trong 2 tháng đầu năm nay, riêng lượng phân bón nhập khẩu từ Nga trên 73.800 tấn, trị giá trên 40 triệu USD, chiếm trên 10% về khối lượng và gần 12% về giá trị so với tổng lượng phân bón nhập khẩu. Nhập khẩu phân kali từ Nga chỉ chiếm trên 18% tổng khối lượng kali nhập khẩu, giảm rất mạnh từ tỷ trọng 40% ở những năm trước. Việc nhập khẩu phân bón từ Nga gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với phân kali do cả Nga và Belarus chiếm gần 50% lượng kali cung cấp trên toàn thế giới.

Hiện các nhà cung cấp phân bón ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4/2022. Ngày 3/3, nhà máy urê hạt đục của Brunei đã tuyên bố bất khả kháng để từ chối thực hiện các đơn hàng đã chốt giá rẻ trong tháng 2/2022.

Các chuyên gia thị trường thế giới dự báo, giá urê sẽ sớm lên mức 950 USD/tấn trong tháng 4/2022, thậm chí có thể lên đến 1.000 USD/tấn nếu giá dầu vượt qua 150 USD/thùng, và Urê sẽ lên 1.500 USD/ tấn nếu giá dầu chạm mốc 200 USD/thùng.

Đối với phân bón kali, Belarus và Nga là hai nhà cung cấp lớn nhất thế giới, chiếm đến 40% nguồn cung toàn cầu. Với bức tranh toàn cảnh hiện nay, giá kali sẽ có sự tăng giá phi mã trong thời gian sắp tới, đặc biệt là kali miếng.

Các nhà cung cấp đều khẳng định Kali nhập khẩu về Việt Nam thời gian tới sẽ vắng bóng hàng từ Nga, Belarus và chớp thời cơ, Israel, Canada... đã cảnh báo sẽ sớm đưa ra mức giá 800 - 850 USD/tấn cho hạt bột và 1.000 USD/tấn cho hạt miếng từ nửa sau tháng 6/2022, thậm chí sẽ lên tới 1.200 - 1.300 USD/tấn vào thời điểm cuối năm 2022 đầu năm 2023.

Rabobank - một ngân hàng hàng đầu thế giới, tập trung vào lĩnh vực tài chính nông nghiệp và thực phẩm - vừa đưa ra những kịch bản tác động từ cuộc chiến tranh Nga và Ukraine, cũng như các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga đến thị trường phân bón trong những tháng tới. Rabobank dự đoán giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20 - 40% trong quý 2/2022.

Đối với thị trường trong nước, nửa đầu tháng 3/2022 đã ghi nhận 3 đợt tăng giá liên tiếp từ 300 - 700 đồng/kg (tùy loại). Đơn cử như giá urê Cà Mau, urê Phú Mỹ tăng 200 đồng/kg lên khoảng 18.000 đồng/kg, urê Hà Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg lên 16.000 đồng/kg.

Phân DAP Đình Vũ đang được các đại lý bán với giá 18.800 đồng/kg, DAP Lào Cai 18.500 đồng/kg, phân NPK Phú Mỹ 16.000 đồng/kg, NPK Russian 16-16-16 giá 16.500 đồng/kg...

Tìm kiếm nguồn phân bón thay thế

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết: “Giá phân bón cùng hàng loạt chi phí liên tục tăng cao từ cuối năm 2021, khiến người sản xuất có thể bỏ ruộng vì thua lỗ”.

Để tháo gỡ thiếu hụt nguồn cung phân bón thời điểm này, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các DN chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế, giảm phụ thuộc vào thị trường Nga và Belarus. Nên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ. Sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có như phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt...

Các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cũng cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phát triển sản xuất.

Các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi, ép giá và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân.

Bên cạnh đó, cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên thế giới cũng như khu vực và trong nước. Trên cơ sở cân đối nhu cầu sử dụng, chủ động, kịp thời đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn cung phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, chủ động đánh giá tình hình xuất khẩu, nhập khẩu phân bón để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước.

Bộ NN&PTNN cũng đề nghị Bộ Công Thương rà soát, xem xét, sớm bãi bỏ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP, MAP nhập khẩu phù hợp tình hình thực tiễn hiện nay theo đúng quy định của pháp luật. Bộ Tài chính rà soát, xem xét các chính sách về thuế đối với phân bón. Trước mắt, nghiên cứu xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón urê, DAP và MAP. Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh phân bón tại địa phương phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Bình luận

    Chưa có bình luận