Quảng Ninh xác định mô hình chuyển đổi số toàn diện

  • 28/04/2022 10:55:38
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Với mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đi đầu trong chuyển đổi số toàn diện, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng môi trường sống hiện đại, văn minh và thông minh cho người dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 

Phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam trao đổi với ông Phạm Văn Thành (ảnh nhỏ), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh để hiểu rõ hơn về cách thức triển khai hiệu quả chương trình hành động này.

Thưa ông, là một trong những tỉnh đi đầu trong việc khai thác cơ hội số, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin ở tất cả các lĩnh vực, hẳn Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”?

Xác định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là động lực, nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức phê duyệt Đề án xây dựng Chính quyền điện tử. Tháng 10/2016, tỉnh đã phê duyệt Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017 - 2020.

Đến tháng 8/2019, tỉnh Quảng Ninh đã chính thức đưa vào vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh, với dữ liệu tích hợp đã giúp người đứng đầu có được một cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh. Đặc biệt, thông qua ứng dụng Smart Quảng Ninh, trung tâm cung cấp nhiều tiện ích, cho phép tăng tính tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chính quyền, kịp thời xử lý kiến nghị của người dân.

Quảng Ninh đã xây dựng 3 bệnh viện thông minh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi. Các bệnh viện, trung tâm y tế đã kết nối liên thông từ tuyến tỉnh đến tuyến Trung ương, nhằm phục vụ cho việc tuyến trên hỗ trợ tuyến dưới chẩn đoán bệnh, tư vấn qua mạng với những trường hợp bệnh phức tạp. Quảng Ninh là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về quản lý sức khỏe toàn dân với 99% dân số trên địa bàn có hồ sơ quản lý sức khỏe.

Những thành tựu đạt được đã đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính quyền điện tử. Các thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến đến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Văn bản điện tử có chữ ký số đã giúp giảm được trung bình hơn 40%, tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 70 tỷ đồng/năm. Đến nay, người dân, doanh nghiệp (DN) ngồi ở nhà cũng có thể thực hiện được các thủ tục hành chính đồng thời theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ.

Với đặc trưng tỉnh miền núi - duyên hải, đa dạng các loại hình phát triển kinh tế, để thực hiện thành công Nghị quyết số 09-NQ/TU về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã triển khai những hoạt động nào?

Tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chuyển đổi số nhằm trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về chuyển đổi số ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Quảng Ninh đã có cách làm bài bản, kế thừa nền tảng đã đạt được, triển khai theo hướng phù hợp với đặc thù của tỉnh. Tập trung đẩy mạnh vào chính quyền số theo hướng đảm bảo kết nối liên thông, xây dựng kho dữ liệu số đảm bảo tái cấu trúc các quy trình thủ tục để sử dụng hoàn toàn giao dịch trên mạng. Đối với kinh tế số tập trung vào kinh tế ngành. Đối với xã hội số tập trung vào y tế, giáo dục. Ngày 30/4 tới đây tỉnh mở sàn giao dịch sản phẩm OCOP.

Lấy người dân, DN là đối tượng trung tâm cần hướng tới, nhận thức về chuyển đổi số trong nhân dân là nhiệm vụ cốt lõi quyết định thành bại, tỉnh đã thành lập Tổ công nghệ cộng đồng tuyên truyền nâng cao nhận thức; đặc biệt, thúc đẩy người dân sử dụng thiết bị số gắn với đào tạo kỹ năng số và xây dựng văn hóa số; xây dựng bộ tiêu chí về văn hóa số của người Quảng Ninh văn minh, lịch sự trên môi trường số; xây dựng và áp dụng cơ chế, chính sách khuyến khích người dân, DN sử dụng, cung cấp các dịch vụ số nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Quảng Ninh lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng trung tâm trong chuyển đổi số.

Quảng Ninh xác định chuyển đổi số toàn diện với ba trụ cột: chính quyền số - kinh tế số - xã hội số. Mục tiêu của Quảng Ninh trong năm 2022 là tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực, trong đó tập trung vào một số lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục, công nghiệp, du lịch, giao thông vận tải và logistics, cửa khẩu số.

Cùng với đó, Quảng Ninh tập trung phát triển nguồn nhân lực, để mỗi cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức phải là lực lượng chủ động, tiên phong sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số; đào tạo, phát triển kỹ năng số trong khu vực tư nhân; khuyến khích các DN chủ động tổ chức các khóa đào tạo lại, đào tạo nâng cao, bồi dưỡng, phổ biến tri thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người đứng đầu các DN và người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; đào tạo kỹ năng số cho người lao động trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá và các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng; thu hút các chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao đến sinh sống và làm việc tại tỉnh.

Ngoài ra, Quảng Ninh còn chú trọng phát triển trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh trên nền tảng điện toán đám mây đảm bảo đồng bộ, hiện đại phục vụ chuyển đổi số theo hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin; phát triển internet công cộng thông minh, chất lượng cao để cung cấp các sản phẩm số, dịch vụ số; phổ cập điện thoại thông minh toàn dân; triển khai nền tảng thanh toán trực tuyến theo hướng mở rộng các đối tác, đa dạng hình thức thanh toán.

Quá trình chuyển đổi số ở Quảng Ninh cũng đối mặt với những thách thức. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung triển khai nhóm giải pháp nào để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới?

Bên cạnh những kết quả tích cực trong quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế. Hiện, tỉnh đang thiếu nhân lực CNTT chất lượng cao, việc ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút, đãi ngộ nhân lực công nghệ thông tin đang vướng mắc vì thiếu các quy định, hướng dẫn của Trung ương. Cơ hội số vẫn chưa được khai thác mạnh mẽ, toàn diện, sâu rộng và hiệu quả. Kinh tế số chỉ chiếm tỷ trọng 3% GRDP của tỉnh. Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông có mặt còn bất cập, DN CNTT và truyền thông mỏng, nhất là thiếu các DN đóng vai trò dẫn dắt, chưa hình thành được ngành công nghiệp CNTT - truyền thông (ICT) và kỹ năng số của một bộ phận cán bộ công chức, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.

Để triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi số toàn diện, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch dự thảo chuyển đổi số toàn diện năm 2022 với những giải pháp cụ thể. Trong đó, tỉnh xác định đẩy mạnh hoạt hộng hợp tác với một số DN viễn thông, CNTT, DN số có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để tham gia xây dựng phát triển hạ tầng CNTT, viễn thông, nguồn nhân lực và các khu công nghệ thông tin nhằm tập trung đáp ứng yêu cầu, định hướng chuyển đổi số toàn diện; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến hỗ trợ đầu tư, ưu tiên thu hút đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các dự án có trình độ công nghệ cao, thân thiện môi trường, nghiên cứu phát triển, cam kết chuyển giao công nghệ, có khả năng lan tỏa, liên kết với các DN trong nước theo chuỗi giá trị.

Mới đây, Quảng Ninh đã ký kết ghi nhớ hợp tác với DN hàng đầu Việt Nam về viễn thông là FPT, Viettel và VNPT triển khai chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ tăng cường hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh; phát triển nền tảng số, ứng dụng số trên các công nghệ mới; khuyến khích các DN đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT, nhất là khu vực miền núi, biên giới, hải đảo; phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên gắn với chuyển đổi số toàn diện ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận