Hóa đơn điện tử đang thay thế hóa đơn giấy

  • 09/06/2022 12:00:00
  • Thu Thùy - Quốc Hưng
  • Kinh tế
  • 0

Mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

 

Bộ Tài chính vừa tổ chức họp báo chuyên đề sơ kết triển khai hóa đơn điện tử. Mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Hóa đơn điện tử - đột phá lớn của ngành Thuế

Theo Bộ Tài chính, việc triển khai hoá đơn điện tử (HĐĐT) sẽ góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, phương thức quản lý, tổ chức thực hiện của cơ quan thuế theo hướng tự động nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, giảm chi phí, tăng năng suất hoạt động của doanh nghiệp (DN), đồng thời cũng góp phần chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho DN, cho xã hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng: “Hệ thống HĐĐT góp phần quan trọng xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho người dân, DN và thúc đẩy tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia”.

Hóa đơn giấy truyền thống sẽ bị thay thế bởi hóa đơn điện tử.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, các cục thuế tiếp nhận và khẩn trương xử lý tờ khai đăng ký sử dụng HĐĐT của DN và hộ kinh doanh; tiếp nhận và cấp mã cơ quan thuế cho HĐĐT của DN thuộc trường hợp sử dụng HĐĐT có mã; tiếp nhận dữ liệu HĐĐT không có mã của cơ quan thuế,... Cơ quan thuế đánh giá việc áp dụng HĐĐT đối với hộ kinh doanh là khó khăn hơn DN. Vì vậy, ngay khi xây dựng lộ trình triển khai, cơ quan thuế đã xác định triển khai cho DN trước, sau đó mới triển khai cho hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai.

Tổng cục Thuế, các cục thuế đã tổ chức tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vướng mắc thông qua hệ thống đường dây nóng, kênh hỗ trợ điện tử, chatbot, đồng thời cũng đã tổ chức công tác quản trị, vận hành hệ thống HĐĐT 24/7 đảm bảo hoạt động ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế.

Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hóa đơn giấy truyền thống

Theo Nghị định 123/2020 quy định về hoá đơn, chứng từ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2022, hoá đơn giấy truyền thống chỉ được sử dụng đến hết ngày 30/6.  Để chuẩn bị cho việc này, Bộ Tài chính đã triển khai áp dụng HĐĐT theo lộ trình 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021; Giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022. Tính đến ngày 24/5/2022, 100% số DN đang hoạt động tại 6 tỉnh, thành phố triển khai giai đoạn 1 đã sử dụng HĐĐT. Giai đoạn 2 có 309.243 DN (tương đương 83,6% tổng số doanh nghiệp) ở 57 tỉnh thành phố còn lại sử dụng HĐĐT. 100% số người nộp thuế là cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã sử dụng HĐĐT.

Trước thực tế hầu hết người dân khi đi mua hàng đều không lấy hóa đơn,  ông Đặng Ngọc Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế - nêu rõ, luật pháp quy định việc mua hàng hóa phải xuất hóa đơn. Hóa đơn là chứng từ dân sự để xác định mặt hàng này là do ai bán, bán bao nhiêu và là căn cứ để xử lý trong trường hợp có tranh chấp về hàng hóa. “Trước hết đây là vấn đề về mặt nhận thức trong toàn xã hội và việc đầu tiên cần thực hiện là phải đẩy mạnh tuyên truyền đến toàn thể nhân dân về việc sử dụng HĐĐT và tầm quan trọng cũng như lợi ích của việc lấy hóa đơn khi mua hàng”, ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.

Bởi vậy, cơ quan thuế đang có những giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy, khuyến khích người tiêu dùng lấy HĐĐT, như tổ chức chương trình “Hóa đơn may mắn”. Với chương trình này, khi Tổng cục Thuế nhận được HĐĐT từ các đơn vị gửi về sẽ tiến hành quay số định kỳ trên toàn quốc… Đặc biệt, tích hợp chức năng của máy tính tiền trong các trung tâm mua sắm lớn hay các nhà hàng, có kết nối với cơ quan thuế để đem lại những thuận tiện cho người tiêu dùng khi mua hàng và lấy hóa đơn. Những chương trình khuyến khích người tiêu dùng lấy HĐĐT cần được triển khai từ cấp cơ sở, phải có sự vào cuộc từ cơ sở, từ các chi cục thuế, cục thuế để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hiệu quả hơn. Cơ quan thuế cũng đã xây dựng những chế tài cụ thể, rõ ràng trong việc xử phạt vi phạm đối với các DN không xuất hóa đơn khi bán hàng.

Theo anh Đỗ Anh Hào, chủ nhà hàng Hào Phương ở Hải Dương, việc sử dụng HĐĐT có nhiều tiện ích: “Đơn cử như giúp người sử dụng hóa đơn, người nhận hóa đơn tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính; giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng, tránh thất thoát, cháy hỏng hóa đơn. Giúp DN đẩy mạnh áp dụng số hóa, cơ quan Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số…”./.

QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ SỬ DỤNG HÓA ĐƠN ĐIỆN TỬ

- DN, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc đối tượng ngừng sử dụng hóa đơn thì đăng ký sử dụng HĐĐT (bao gồm cả đăng ký HĐĐT bán tài sản công, HĐĐT bán hàng dự trữ quốc gia) thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT.

- Trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ thì có thể đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua hai phương thức: Đăng ký qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế hoặc đăng ký qua tổ chức cung cấp dịch vụ HĐĐT được Tổng cục Thuế ủy thác cung cấp dịch vụ HĐĐT có mã của cơ quan thuế không phải trả tiền dịch vụ.

- Trường hợp DN là tổ chức kết nối chuyển dữ liệu HĐĐT theo hình thức gửi trực tiếp đến cơ quan thuế thì đăng ký sử dụng HĐĐT thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận