ĐBSCL đối diện với 11 thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường

Đây sẽ là những thách thức được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu trong báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022.

 

Ngày 1/8, tại Cần Thơ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sẽ tổ chức Lễ công bố báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2022.

Tiếp nối thành công của Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL lần thứ nhất công bố năm năm 2020, đây là lần thứ hai thực hiện và là báo cáo đầy đủ, duy nhất về một vùng kinh tế của cả nước. Báo cáo năm nay có chủ đề “Chuyển đổi mô hình phát triển và quy hoạch tích hợp” tập trung nghiên cứu mô hình chuyển đổi nông nghiệp, đánh giá tác động quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn 2050.

Để thấy rõ hơn Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ:

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ.PV: Báo cáo thường niên là cơ sở dữ liệu, thông tin quan trọng trong việc định hướng, hoạch định chính sách đầu tư phát triển vùng ĐBSCL. Vậy, thưa ông Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2022 sắp được công bố sẽ tập trung vào các vấn đề then chốt nào?

Ông Nguyễn Phương Lam: Báo cáo kinh tế thường niên năm 2022 của ĐBSCL là báo cáo thứ hai chúng tôi thực hiện, năm nay cũng là năm rất đặc biệt cũng vừa qua đại dịch chúng tôi tập trung vào cái nhiệm vụ cốt lõi đó là bám sát cái quy hoạch tích hợp của ĐBSCL trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 để làm cơ sở cho các địa phương có thể nắm rõ những thách thức, những tác động để từ đó xây dựng những quy hoạch chi tiết cho tỉnh của mình. Đồng thời với đó là câu chuyện trong thời gian tới cần phải chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế.

Trong báo cáo năm 2020 của chúng tôi đánh giá rằng ĐBSCL đã tới hạn, tới ngưỡng của phát triển. Do vậy từ quy hoạch này chúng ta sẽ lựa chọn một mô hình phát triển mới thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với cái giai đoạn mới phát triển đặc biệt là cái quy hoạch này.

PV: Sau gần 2 năm ĐBSCL cùng cả nước chống chọi với dịch bệnh, theo các số liệu điều tra và nghiên cứu từ báo cáo kinh tế thường niên lần này, sự nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế của vùng được ghi nhận như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Phương Lam: Đầu tiên, báo cáo chúng tôi tổng hợp và phân tích thấy rằng, vùng ĐBSCL là vùng ảnh hưởng nặng nề nhất trong cái đại dịch vừa qua, trong các tỉnh có hơn một nửa có tăng trưởng âm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của ĐBSCL có mức tăng trưởng âm và thấp hơn bình quân của cả nước và như vậy đây là vấn đề lớn đặt ra cho ĐBSCL nếu như dịch bệnh còn tiếp diễn hoặc có những biến đổi khác thì ĐBSCL vùng dễ bị tổn thương.

Tuy nhiên, một tín hiệu rất là khả quan khi ngành nông nghiệp, một ngành mũi nhọn đã đóng góp trong tăng trưởng trong thời gian vừa qua rất tốt; đặc biệt trong năm đại dịch nhưng tăng trưởng của ngành nông nghiệp vẫn là 3,4%, điều này đã góp phần cho tăng trưởng của vùng bù lại ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ vốn đã bị ảnh hưởng và ảnh hưởng rất là sâu.

Theo đánh giá vùng ĐBSCL đối diện với 11 thách thức về kinh tế, xã hội và môi trường.PV: Vậy thì chúng ta thấy được gì từ con số tăng trưởng của nông nghiệp khu vực, và phải chăng sự phát triển này chỉ toàn màu hồng, thưa ông ?

Ông Nguyễn Phương Lam: Một điều khá thú vị mà chúng tôi phát hiện từ trong quá trình nghiên cứu đó là năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng rất cao và gấp đôi so với các lĩnh vực trong công nghiệp, chế biến cũng như là trong thương mại, dịch vụ.

Tuy nhiên, một điều chúng tôi cũng băn khoăn rằng, nông nghiệp là thế mạnh. Nhưng, trong tỷ trọng GRDP thì tăng trưởng của nông nghiệp vẫn chỉ mới chỉ khoảng 75% so với hai lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ. Do vậy thì dù có năng suất cao nhưng cái tốc độ và tỷ trọng thấp thì cũng khó bù lại. Đây là câu chuyện mà chúng ta sẽ phải bàn sâu trong cái hội thảo phát triển ĐBSCL trong thời gian tới.

PV: Có ý kiến cho rằng khu vực ĐBSCL chưa thực sự tạo dựng được một môi trường kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thưa ông, vậy thì Báo cáo năm nay đánh giá vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Phương Lam: Đây cũng là một điểm chúng tôi chỉ ra rằng môi trường kinh doanh của ĐBSCL vốn được đánh giá là tốt nhất trong 7 vùng kinh tế của cả nước thì nay có dấu hiệu suy giảm. Điều này cho thấy, dù tính năng động của chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục duy trì nhưng sự ảnh hưởng của các vấn đề khác như là sự sáng tạo về chính sách, về những vấn đề đất đai để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đang có dấu hiệu giảm dần. Chính điều này thêm một cái cản trở cho quá trình điều hành tại mỗi địa phương và tạo dựng một cái môi trường kinh doanh tốt hơn.

Ông Nguyễn Phương Lam: Đây cũng là điểm chính của chúng tôi để đưa ra một cái thông điệp tìm kiếm một mô hình phát triển mới, trong đó cần phải đánh giá và nhận định được những thách thức cũng như cơ hội.

Trong báo cáo năm nay chúng tôi chỉ ra được 11 cái thách thức nằm trong 3 nhóm về kinh tế, xã hội và môi trường là chúng ta cần phải đối diện. Và đồng thời với đó chúng ta cần phải phá vỡ 3 cái vòng xoáy về ngân sách, về lao động và về cơ cấu kinh tế. 3 vòng xoáy này nó ràng buộc lẫn nhau và nó sẽ tạo ra một mắt xích. Nếu không có phá vỡ 1 trong 3 cái vòng xoáy này tạo ra những đòn bẩy thì ĐBSCL sẽ khó phát triển trong thời gian tới, nếu như chưa tìm được mô hình phát triển mới.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Thanh Tùng - Phạm Hải/VOV-ĐBSCL

 

Bình luận

    Chưa có bình luận