Giữ 'rừng vàng' không để vàng rơi

  • 18/08/2022 09:23:47
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có 167 khu rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha, trong đó diện tích có rừng là trên 2,1 triệu ha, (còn lại là diện tích mặt nước). Làm gì để rừng nước ta thực sự là 'rừng vàng'?

 

Người giữ “rừng vàng” vẫn nghèo?

Tổng cục Lâm nghiệp được phân cấp giao trực tiếp quản lý 6/34 Vườn quốc gia (VQG) gồm: Ba Vì, Tam Đảo, Cúc Phương, Bạch Mã, Yok Don và Cát Tiên. Hiện 6 VQG này chiếm 26,7% tổng diện tích các VQG trên toàn quốc với nhiều hệ sinh thái rừng quan trọng, đặc trưng cho các hệ sinh thái tự nhiên và lưu giữ, bảo tồn nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú, quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam.

Thời gian qua, công tác quản lý bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học được các vườn xác định là nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả. Lực lượng kiểm lâm tăng cường xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, nhờ đó các vụ vi phạm giảm bình quân 20 - 25%/năm, năm 2021 các VQG xử lý 226 vụ.

Hoạt động cứu hộ, chăm sóc, tái thả động vật rừng được các VQG quan tâm, triển khai thực hiện với tổng số cá thể được chăm sóc, nuôi dưỡng là 3.011 cá thể, trong đó 678 cá thể vào tự nhiên, ở những nơi phù hợp với sinh cảnh sống của chúng.

Hoạt động du lịch tại các VQG ngày một phong phú, đa dạng với nhiều mô hình sáng tạo như VQG Cúc Phương với tour Về nhà, cho du khách trải nghiệm hoạt động tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ, trải nghiệm văn hóa người Mường. VQG York Đôn có tour xem và tìm hiểu về chim, trải nghiệm 1 ngày làm kiểm lâm. VQG Cát Tiên có tour ngắm động vật rừng...

Điều này thúc đẩy doanh thu từ dịch vụ du lịch sinh thái rừng tăng trưởng đều qua các năm. Cụ thể, trong năm 2016, doanh thu từ dịch vụ du lịch sinh thái rừng của 6 vườn đạt 31,6 tỷ đồng. Đến năm 2019 con số này đạt 42,7 tỷ đồng. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ du lịch của các VQG đạt 19,5 tỷ đồng.

                                                     Các vườn quốc gia đừng bao giờ đề xuất việc chuyển rừng cho tổ chức bên ngoài để làm du lịch sinh thái.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng, việc khai thác hiệu quả kinh tế từ các VQG vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Việc bảo tồn và phát triển rừng là 2 vấn đề cần có sự cân bằng bởi lẽ lực lượng kiểm lâm trẻ đang có xu hướng bỏ việc do thu nhập không đảm bảo cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, cho biết sau 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định 141, nguồn thu chủ yếu của Cúc Phương là phí tham quan và kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó, chi phí để phục vụ cho hoạt động thu, nộp thuế và ngân sách chiếm 63% trên tổng thu và số còn lại dùng bổ sung ngân sách chi hoạt động thường xuyên.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trăn trở: “Tại sao chúng ta đang chăm sóc phúc lợi cho động vật trong rừng rất tốt nhưng phúc lợi cho lực lượng giữ rừng lại kém? Điều cần thiết hiện nay là làm thế nào để rừng thực sự là “rừng vàng”, rừng phải nuôi được rừng, giữ được người”.

Mở cửa rừng gắn với quản trị rủi ro

Ông Nguyễn Văn Chính kiến nghị, cần có đánh giá, tổng kết việc thực hiện tự chủ tài chính để các khu rừng đặc dụng chủ động cơ hội mở rộng nguồn thu tại chỗ từ dịch vụ du lịch sinh thái có trách nhiệm, an toàn đối với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên. Đồng thời, đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, nhất là dịch vụ giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tăng trưởng xanh.

Ngoài gói chính sách về phụ cấp và chế độ ưu đãi ngành thì đề nghị Bộ trưởng tiếp tục quan tâm đầu tư đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm giúp cán bộ kiểm lâm, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ nhận diện cơ hội phát triển để yên tâm công tác. Cần nhiều cơ chế đầu tư, đặt hàng để các VQG tổ chức nghiên cứu khoa học, xây dựng định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn, từ đó làm nền tảng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ ngành.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành tư duy quản trị rừng. Bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách mà cần có cách tiếp cận hài hoà, đồng bộ. Cách thức giữ rừng, quản trị rừng, bảo vệ rừng hiệu quả nhất để rừng rộng mở với người dân, với cộng đồng, chào đón tất cả chúng ta cùng trở về, cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên Bộ trưởng lưu ý, kinh tế lâm nghiệp bền vững quyết không đánh đổi tăng trưởng bằng sự suy thoái môi trường, làm mất đi đa dạng sinh học, cân bằng tự nhiên. Mở cửa rừng phải gắn với những quy định cần thiết để phòng ngừa rủi ro cho rừng. Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính mở, tính đa dụng, đa chức năng.

Hiện Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Lâm nghiệp sớm triển khai, xây dựng Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, trong đó sẽ đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các giá trị dịch vụ hệ sinh thái trong môi trường rừng theo hướng đa dụng, đa chức năng để tạo nguồn thu cho các Ban quản lý rừng, cộng đồng địa phương.

Nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định pháp luật về lâm nghiệp, trong đó chú ý đến hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn: “Tôi muốn tham mưu với Bộ NN&PTNT nên có đánh giá, tổng kết rõ ràng về hiệu quả, bởi vì nếu khai thác dịch vụ từ rừng mà không đánh giá được hiệu quả thì hệ lụy sẽ rất phức tạp. Cho thuê môi trường rừng đã phát triển mạnh trong những năm qua nhưng thực tế thì vẫn còn nhiều vướng mắc, nếu làm không khéo, đi tù như chơi. Dứt khoát phải thống nhất một quan điểm, từ nay trở đi, các vườn quốc gia đừng bao giờ đề xuất việc chuyển rừng cho tổ chức bên ngoài để người ta làm du lịch sinh thái nữa, như thế sẽ mất cả chì lẫn chài”.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận