Việt Nam cần hướng tới xuất khẩu chính ngạch nhãn nhiều hơn sang Trung Quốc

  • 23/08/2022 03:12:45
  • Bích Thuận-Tuấn Đạt
  • Kinh tế
  • 0

Trung Quốc là một trong những thị trường chủ lực của nhãn Việt Nam. Tuy nhiên, nhãn Việt chủ yếu vẫn xuất sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch.

 

Số liệu năm 2020 cho thấy, kim ngạch xuất khẩu nhãn tươi đạt 28 triệu USD, nhãn sấy khô chế biến đạt 2 triệu USD với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Tuy nhiên, nhãn Việt chủ yếu vẫn xuất sang Trung Quốc theo hình thức tiểu ngạch. Quả nhãn của Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức gì khi thâm nhập vào thị trường khổng lồ này? Phóng viên VOV tại Bắc Kinh đã có cuộc trao đổi với ông Nông Đức Lai - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc về vấn đề này.

PV: Trung Quốc là thị trường lớn của nông sản Việt, trong đó có nhãn. Vậy xin ông cho biết, riêng đối với nhãn, thị trường này có những đặc điểm đáng chú ý nào?

Ông Nông Đức Lai: Theo thống kê, Trung Quốc là quốc gia có lịch sử trồng nhãn lâu đời nhất và nhiều nhất trên thế giới, chiếm hơn 50% tổng diện tích trồng. Mặc dù trong một vài năm trở lại đây, diện tích trồng nhãn tại Trung Quốc có đôi chút biến động do tác động nhiều mặt, nhưng không ảnh hưởng nhiều đến tổng sản lượng cũng như nhu cầu tiêu thụ nhãn tại thị trường này.

Tại Trung Quốc, nhãn được trồng chủ yếu tại khu vực phía Nam và Tây Nam, Quảng Đông là địa phương có diện tích và sản lượng nhãn lớn nhất với diện tích trồng vào khoảng 140.000 ha. Ngoài ra, nhãn còn được trồng tại một số địa phương khác như Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam. Thời gian thu hoạch nhãn tại Trung Quốc thường từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 hàng năm. Giai đoạn 2015 cho đến nay, sản lượng nhãn của Trung Quốc duy trì ở mức xấp xỉ 2 triệu tấn mỗi năm.

Ông Nông Đức Lai, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc trả lời phỏng vấn VOV.Mặc dù là nước có diện tích trồng và sản lượng nhãn lớn nhất trên thế giới, nhưng nước này vẫn nhập khẩu lượng lớn nhãn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa (hàng năm Trung Quốc xuất khẩu nhãn với lượng rất ít hoặc không đáng kể). Điều này cho thấy Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ nhãn đầy tiềm năng. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu nhãn sấy khô, long nhãn tại Trung Quốc cũng rất lớn, bởi đây còn là những sản phẩm thường được dùng trong các bài thuốc Đông y của nước này.

PV: Như ông vừa nói, nhu cầu nhập khẩu nhãn của Trung Quốc là rất lớn. Vậy tình hình xuất khẩu nhãn của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này như thế nào?

Ông Nông Đức Lai: Đến nay, Trung Quốc mới mở cửa thị trường quả nhãn cho 05 nước, bao gồm: Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhập khẩu nhãn chỉ ghi nhận từ Thái Lan và Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu xấp xỉ 470,000 tấn nhãn tươi với trị giá hơn 700 triệu USD.

Theo đánh giá từ thị trường, nhãn Việt Nam có vị ngon, thơm, chủng loại đa dạng và giá cả hợp lý.

Với vị trí địa lý tiếp giáp với Trung Quốc cả về đường bộ và đường biển, chúng ta có lợi thế về vận tải, logistics, đồng thời trong nhiều năm qua quả nhãn của Việt Nam đã có mặt tại thị trường Trung Quốc được người tiêu dùng các địa phương khu vực phía Nam và Tây Nam biết đến.

Những năm qua, việc quy hoạch vùng trồng và am hiểu của người nông dân trồng nhãn cũng như doanh nghiệp Việt Nam về thị trường Trung Quốc ngày một cao. Ngoài ra, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, địa phương trồng nhãn trong việc định hướng, quy hoạch, nâng cao chất lượng quả nhãn và công tác xúc tiến phát triển, mở rộng thị trường… Đây cũng chính là tiền đề để quả nhãn có chất lượng của Việt Nam chuyển hướng xuất khẩu sang chính ngạch nhiều hơn nữa, từ đó có thể thâm nhập sâu và bền vững hơn vào thị trường Trung Quốc.

PV: Theo ông, để khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, chúng ta cần phải làm gì trong thời gian tới?

Ông Nông Đức Lai: Hiện nay, nhu cầu thị trường tiêu thụ nhãn tại Trung Quốc còn rất lớn, đặc biệt là các khu vực có nhu cầu và sức mua lớn đối với các sản phẩm trái cây nhiệt đới như khu vực Đông Bắc, Tây Bắc và miền Trung Trung Quốc.

Tuy nhiên, đến nay, xuất khẩu nhãn của ta sang Trung Quốc hầu hết vẫn theo hình thức tiểu ngạch biên giới, ngoài rủi ro trong mua bán, chúng ta rất khó phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường. Thứ hai, nhãn là loại quả có tính mùa vụ nên xuất khẩu thường dồn vào trong thời điểm nhất định, nếu có sự cố nào đó như đóng cửa khẩu, kiểm soát dịch Covid-19 của nước nhập khẩu như mấy năm qua... sẽ gây ra khó khăn cho xuất khẩu. Thứ ba, xu thế nâng cao tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt đối với nông sản, thực phẩm của Trung Quốc ngày càng khắt khe. Thứ tư, chúng ta đang phải cạnh tranh với nhãn Thái Lan và sản phẩm của chính nước nhập khẩu, đó sẽ là thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung và trái cây nói riêng.

Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất phải thích ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, đồng thời phải nắm bắt được nhu cầu, xu thế của thị trường và quan tâm xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc và gia tăng giá trị xuất khẩu, cần đầu tư vào chế biến sâu, như chế biến nhãn sấy khô, long nhãn, các sản phẩm đồ uống…

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Bích Thuận-Tuấn Đạt/VOV-Bắc Kinh

 

Bình luận

    Chưa có bình luận