Đổi mới để thu hút FDI thế hệ mới

  • 27/12/2018 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp đáng kể cho kinh tế Việt Nam. Để thu hút FDI thế hệ mới, đã đến lúc cần đổi mới hiệu quả và có chọn lọc.

 

Vốn ngoại tiếp tục chảy vào Việt Nam

Dự thảo Đề án định hướng thu hút FDI mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa công bố khẳng định, giai đoạn tới sẽ tập trung ưu tiên thu hút FDI các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, internet vạn vật (IoT)… Đại diện Bộ KH&ĐT cho biết, thu hút FDI thời gian tới sẽ tập trung các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao. Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác. Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh…Ngoài ra, sẽ tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày... nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Theo Bộ KH&ĐT, khu vực đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, là khu vực phát triển năng động, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Kết quả thu hút và sử dụng FDI 30 năm qua là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của Việt Nam. Cụ thể, tính đến tháng 11/2018, cả nước có khoảng 27.000 dự án của các nhà đầu tư đến từ 128 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký gần 340 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 188,8 tỷ USD. Các dự án FDI có mặt tại tất cả tỉnh, thành phố trong cả nước và tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, chiếm 57% tổng vốn đầu tư.

Hội nghị “Định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới” vừa được Bộ KH&ĐT tổ chức.

Ngoài dòng vốn FDI đầu tư vào cơ sở sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài còn đẩy mạnh hoạt động trên thị trường chứng khoán. Số liệu Cục Đầu tư nước ngoài (KH&ĐT) cho thấy, 11 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thống kê của Ngân hàng nhà nước cũng cho thấy riêng trong quý 1/2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vào gần 650 triệu US$ dưới hình thức đầu tư gián tiếp thông qua mua cổ phần và góp vốn đầu tư tại các doanh nghiệp Việt Nam, tăng gấp năm lần so với cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về lợi thế của Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp FDI cho rằng, Việt Nam đang trên đà cải cách mạnh mẽ và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Việc cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước ngày càng phát triển, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đây là những yếu tố quan trọng tạo tiền đề tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI trong giai đoạn tới.

Ông Tetsu Funayama, Trưởng ban diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn Mitsubishi Việt Nam cho hay, hiện 65% doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến ở Đông Nam Á.  Riêng tập đoàn Mitsubishi Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong năm 2019, tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ, đầu tư cơ sở hạ tầng và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh dự định đầu tư phát triển các bệnh viện trung tâm theo hình thức hợp tác công tư (PPP), Mitsubishi Việt Nam sẽ thành lập một liên doanh với Fast Retailing, công ty cổ phần của Uniqlo, để mở cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại TPHCM vào tháng 10/2019 và tiếp sau đó là Hà Nội, trong đó Mitsubishi Việt Nam sẽ nắm giữ 25% trong liên doanh.

Đổi mới để thu hút FDI

Có thể nói, tại Việt Nam nhiều thứ đã thay đổi nhờ vào dòng vốn FDI. Tuy nhiên, những mặt trái của FDI như chuyển giá, trốn thuế, ô nhiễm môi trường... vẫn đang là vấn đề cần được quan tâm giải quyết dứt điểm. Vì thế, thay vì tiếp tục “trải thảm” để thu hút FDI thì đã đến lúc cần đổi mới cách thu hút FDI một cách hiệu quả và có chọn lọc, đưa ra định hướng để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới và sự cạnh tranh gay gắt của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng: Chúng ta sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng FDI.

Ông Kim Han Yong, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, một trong những rào cản về chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI với Việt Nam là việc thiếu nhân lực và khoa học kỹ thuật. Trong thời gian tới, Việt Nam cần chuẩn hóa những chương trình đào tạo cấp chứng chỉ kỹ thuật cho kỹ sư, người lao động để doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam tin tưởng hơn, không bị lãng phí thời gian và chi phí để đào tào, tuyển chọn người lao động. Đồng thời, các thủ tục hành chính được đơn giản hóa, minh bạch và rõ ràng.

Hội nghị “Định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới” vừa được Bộ KH&ĐT tổ chức.

Trước thực trạng trên, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định quan điểm sẽ thu hút FDI có chọn lọc để mở rộng thị trường, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo vệ môi trường và bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Quan điểm này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết 30 năm thu hút FDI” được tổ chức mới đây. Từ quan điểm đó, có thể thấy, để FDI đóng góp nhiều hơn và hiệu quả hơn vào sự phát triển của Việt Nam trong thời gian, cần phải đổi mới mạnh mẽ, căn bản tư duy về thu hút và sử dụng ĐTNN. Theo đó, phải chọn lọc kỹ, đầu tư bền vững gắn với đổi mới sáng tạo và lan tỏa tri thức, công nghệ là ưu tiên hàng đầu.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Thứ trưởng KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho hay, trong thời gian tới cần hoàn thiện thể chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả FDI. Vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút FDI. Cơ quan chức năng khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Chúng ta sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút FDI. Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng FDI.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận