ĐBQH: Cần cơ chế khuyến khích tư nhân tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân

Để thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021 - 2030 xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân KCN, người thu nhập thấp, đòi hỏi cần nguồn lực rất lớn.

 

Tiếp tục thảo luận tại Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023.

Tuy nhiên, ông cũng góp ý về một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân. Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Trần Văn Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân. Bởi công nhân là lực lượng có vị trí vô cùng quan trọng, có những đặc điểm, đặc thù so với các lực lượng lao động khác, nhưng quy định hiện hành chưa có chế định riêng về nhà ở phù hợp với đối tượng này. Hoặc chỉ là những quy định rải rác trong một số văn bản có liên quan và còn có những bất cập như tại điều 49 Luật Nhà ở năm 2014.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang).

Cụ thể, theo điều 49 của Luật Nhà ở 2014, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp là đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Hay tại Nghị định 100 của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội, một trong những điều kiện được hưởng chính sách này là chưa có nhà, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, quy định trên không hợp lý, vì nhiều công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp thuộc đối tượng hộ nghèo, thu nhập thấp. Mặc dù, họ đã có nhà ở quê, sống cùng bố mẹ và anh chị em, nhưng do đi làm ăn xa, điều kiện chỗ ở chật chội, nên rất cần được xem xét hỗ trợ nhà ở.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, cá nhân xây nhà ở cho công nhân thuê.

Đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất để các cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân. Tại thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đã nhấn mạnh mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030 xây dựng 1 triệu nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, người thu nhập thấp. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi cần nguồn lực rất lớn, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, trong đó không chỉ có các doanh nghiệp mà còn huy động cả nguồn lực từ các cá nhân, hộ gia đình.

“Từ thực tiễn ở Bắc Giang, hiện chúng tôi có hơn 5.000 nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp do các hộ gia đình, cá nhân xây dựng, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng cho công nhân thuê. Tuy nhiên, số lượng nhà ở như vậy chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở cho công nhân nên cần tiếp tục khuyến khích các cá nhân xây dựng thêm nhà ở cho công nhân với số lượng khoảng 180.000 nhà ở”, ông Tuấn nói và đề nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tiếp tục cụ thể hoá, triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đã được quy định tại Luật Nhà ở, nhằm khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở cho công nhân thuê. Đồng thời chú trọng triển khai cơ chế vay ưu đãi cho các hộ gia đình đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân.

Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) cũng cho rằng hiện nay lực lượng công nhân lao động nhập cư, làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở chỗ học cho con, do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Ngoài nhà ở, nhóm lao động này còn gặp khó khăn khi thiếu nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông, nhất là thiếu điểm giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.

Đại biểu Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang).

"Từ sau đợt dịch COVID-19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình, giữ gìn truyền thống, nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con. Bên cạnh đó mỗi địa phương chọn những bộ SGK khác nhau, nên khi chuyển trường thì phải mua lại bộ sách khác và quen dần với bộ sách mới, đối với người lao động còn gặp rất nhiều khó khăn", đại biểu nêu.

Từ những thực tế trên, đại biểu Thái Thu Xương kiến nghị, cần quyết tâm và thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách về công tác quy hoạch, đầu tư, các thiết chế phục vụ người lao động và con em của họ tại các đô thị, khu công nghiệp tập trung, như nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo và cơ sở giáo dục phổ thông./.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) trăn trở, nếu như năm 2019 Việt Nam rúng động vì thảm kịch 39 người chết trong container tại Anh, gióng lên hồi chuông về tình trạng mua bán người, nô lệ thời hiện đại, thì trong năm nay hơn 1.000 người lao động được giải cứu trong các casino ở Campuchia. Việc này cho thấy thảm kịch "người rơm" diễn biến ngày càng phức tạp, với những chiêu thức lừa đảo việc nhẹ lương cao người lao động đã dễ dàng bị lừa sang nước ngoài theo con đường bất hợp pháp, bị bán qua các sòng bạc, họ phải bất đắc dĩ trở thành tội phạm có nghề cao, lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng, bị đánh đập, tra tấn, bị bán từ casino này qua casino khác, bị đòi trả tiền chuộc.

Điều đáng buồn là sau khi được giải cứu những cạm bẫy vẫn tiếp tục trực chờ, bài toán việc làm vẫn còn bỏ ngỏ, chỉ mới đây thôi hàng chục lao động lao động có thời vụ tại Hàn Quốc cũng bỏ trốn.

Đại biểu đề nghị cần sớm đánh giá và có các giải pháp cụ thể, đồng thời đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an tiếp tục siết chặt việc quản lý các công ty môi giới đưa người đi lao động ở nước ngoài. Đề nghị Bộ Công an đẩy mạnh hơn hợp tác quốc tế trong việc triệt phá các đường dây môi giới buôn bán người, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường triệt phá các tội phạm lừa đảo qua app mà điển hình là những cuộc gọi mạo danh.

“Không phải ngẫu nhiên mà số người Việt Nam được các lực lượng chức năng giải cứu thời gian qua tăng đột biến, điều này một phần cho thấy nỗ lực quyết liệt của các lực lượng chức năng, nhưng một phần nó thể hiện sự diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng của người lao động khát việc làm, nhất là sau cơn đại dịch. Việc tạo điều kiện giải quyết vấn đề việc làm bền vững cho người lao động không chỉ giải quyết tận gốc vấn đề đưa người Việt Nam đi lao động trái phép mà còn góp phần hạn chế tình trạng mua bán người", đại biểu Tâm nói.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận