Công nghiệp thực phẩm sẽ rơi vào tay doanh nghiệp ngoại?

  • 20/04/2023 23:47:54
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Tăng trưởng 52%/năm, ngành công nghiệp thực phẩm ở Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng. Nhưng theo các chuyên gia, ngành này chưa thực sự phát triển.

 

Thị trường đầy tiềm năng

Với dân số trăm triệu người, trong đó tỷ lệ dân số dưới 35 tuổi chiếm khoảng 50%. Ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng là thị trường có sức hấp dẫn đặc biệt cho các DN, nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm, thực hiện các cơ hội phát triển thị trường, mở rộng kinh doanh.

Phát biểu tại buổi “Tọa đàm chính sách trong lĩnh vực Công nghiệp Thực phẩm”, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng mạnh và tiềm năng nhờ vào thu nhập cùng xu hướng tiêu dùng của người dân Việt Nam ngày càng cải thiện, thị trường từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.

Số lượng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong ngành công nghiệp thực phẩm hiện đạt khoảng 5083 doanh nghiệp, tăng 83,8% so với năm 2019, đây là con số tích cực sau thời gian dài hai năm chống chọi với đại dịch covid-19. Trong vòng 5 năm qua, lượng tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam tăng trung bình lần lượt 9,68% và 6,66%, trong các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, ngành rau củ và trái cây chế biến chiếm 24,7% tăng trưởng doanh thu của ngành, lợi nhuận ngành này tăng trưởng gần 205%. Các loại trái cây chủ lực và thu hút khách hàng gồm xoài, chuối, thanh long, cam, dứa.

ảnh Internet

Đặc biệt, công nghiệp thực phẩm là một trong các ngành công nghiệp chủ lực được chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển từ nay đến 2025, và tầm nhìn đến 2035, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội bao gồm tạo thêm công ăn việc làm (năm 2022 số lượng lao động trong ngành công nghiệp thực phẩm là 319 nghìn người), thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu hàng hóa và nâng cao thu nhập cho người lao động, định hướng ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến, góp phần xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Theo khảo sát của công ty UBM Asia, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm ở Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây lên tới 52%/năm. Trong đó, riêng ngành hàng đồ uống đạt mức tăng trưởng cao nhất: 150%. Điều này thể hiện, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Thua ngay trên sân nhà

Mặc dù được đánh giá là ngành có nhiều tiềm năng nhưng theo các chuyên gia, ngành này tại Việt Nam hiện nay chưa thực sự phát triển. Nguyên nhân khiến ngành này chưa phát triển là do máy móc, dây chuyền công nghệ chưa phát triển. Nguồn kinh phí đầu tư không đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của ngành. Chưa tận dụng được các thế mạnh của nguồn nguyên liệu thực phẩm trong nước. Khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên xảy ra thiên tai. Do tâm lý e ngại và định kiến khi tham gia ngành nên chưa có được đội ngũ nhân sự thực sự chất lượng.

Ảnh:Internet

Bà Phạm Thị Đào - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 12.043 cơ sở chế biến nông sản; trong đó, có 205 doanh nghiệp, hợp tác xã; 11.838 hộ cá thể tham gia hoạt động chế biến nông sản.

Tuy nhiên, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu hiện nay là hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ chiếm 98% cơ sở sản xuất, sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chế biến ít, nên chưa tạo động lực mạnh mẽ để phát triển chế biến, chưa hình thành rộng khắp sản xuất -  chế biến – tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nên sản xuất thiếu ổn định và hiệu quả thấp. Mặt khác, nguồn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến chưa chủ động, còn thiếu và không ổn định, trên địa bàn chỉ cung cấp được từ 30-35% nguyên liệu cho chế biến (rau, củ, quả, thịt đông lạnh xuất khẩu), có hoạt động chế biến phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoài tỉnh và nhập khẩu (chế biến thức ăn chăn nuôi)…

Ngoài ra, doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, nhiều cơ sở thiếu vốn đầu tư tái sản xuất mở rộng, việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn.

Đại diện một doanh nghiệp cho rằng, công nghiệp thực phẩm trong đó có phụ gia thực phẩm chính là một lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Dù được đánh giá là hấp dẫn nhưng so với các nước trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines Việt Nam đang thua về lĩnh vực này.Thậm chí thị phần trên sân nhà cũng bị doanh nghiệp ngoại chiếm lĩnh. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), hàng năm doanh nghiệp này phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng để nhập khẩu các loại phụ gia phục vụ sản xuất. Vì công ty không tìm được nhà cung ứng nào ở thị trường nội địa. Nếu có thì cũng là các đại lý nhập khẩu và phân phối lại với số lượng cung cấp rất hạn chế.

Ảnh: TTXVN

Đồng quan điểm này, bà Phan Thị Phương Thanh, Giám đốc Marketing của Puratos Grand-Place Vietnam từng chia sẻ với báo chí, nhận thấy thị trường thực phẩm ngày càng tăng trưởng mà lĩnh vực phụ gia còn rất nhiều tiềm năng nên công ty đã quyết định tham gia. Với sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ về công tác nghiên cứu nên Puratos Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp cho các doanh nghiệp sản xuất bánh mỳ, kem và các nhà hàng trong việc sản xuất và bảo quản sản phẩm của họ. Điều khá bất ngờ là khi tham gia vào thị trường cung ứng phụ gia này, công ty hầu như không có đối thủ cạnh tranh.

Như vậy, có thể khẳng định tiềm năng của công nghiệp thực phẩm còn rất lớn, nhưng hiện thị trường này đang bị thua ngay trên sân nhà. Nếu không khai thác tốt, thị trường này sẽ rơi vào tay doanh nghiệp ngoại.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận