Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Cân nhắc tác động tiêu cực

Chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các DN trong chuỗi giá trị theo chiều dọc.

 

Bộ Tài chính mới đây đã có dự thảo Tờ trình báo cáo Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB - sửa đổi). Trong đó đưa ra yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB để giải quyết những bất cập phát sinh, khuyến khích chuyển đổi nhập khẩu, sản xuất, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường, hạn chế tiêu dùng hàng hoá có hại cho sức khoẻ cộng đồng, trẻ em,…Đề xuất này của Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi và đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng DN cũng như dư luận xã hội.

Những tác động tiêu cực…

Tại Hội thảo góp ý xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 5/7, các đại biểu đã thảo luận về nhiều nội dung sửa đổi quan trọng, tác động lớn đến các DN trong chuỗi SXKD. Trong đó, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Bởi thực tế chưa có đủ bằng chứng cũng như cơ sở khoa học thuyết phục để khẳng định, việc áp dụng thuế TTĐB sẽ giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân, phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì (TCBP), trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế và đời sống.

Khẳng định có nhiều nguyên nhân dẫn đến TCBP, PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam nêu rõ, TCBP có nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, người tiêu dùng tiêu thụ các thực phẩm giàu calories, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động làm gia tăng nguy cơ TCBP.

GS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam.“Chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của TCBP với NGK có đường. Đường có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau và NGK có đường không phải là nguồn cung cấp calories nhiều nhất trong các thực phẩm. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào xác định tiêu thụ NGK có đường dễ dàng hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác, dẫn đến mức tiêu thụ đường từ NGK có đường cao hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác”, PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm nêu thực tế và cho rằng, NGK có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất, nếu đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm này, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calo với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác.

Nêu thực tiễn từ một số quốc gia sau một thời gian áp dụng thuế TTĐB lên mặt hàng NGK có đường, ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành - Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN cho biết, tỷ lệ TCBP tại nhiều quốc gia đã không giảm mà còn tăng qua các năm. Cụ thể như Chile, ở giai đoạn 2009-2010, tỉ lệ béo phì ở nam và nữ giới lần lượt là 19,2% và 30,7%. Sau khi áp dụng thuế TTĐB vào năm 2014 đối với nước ngọt, đến giai đoạn 2016-2017, tỉ lệ béo phì ở cả nam và nữ giới Chile đều tăng lần lượt là 30,3% và 38,4%.

Các quốc gia châu Âu như Bỉ áp dụng thuế TTĐB với đồ uồng có đường năm 2016, đến năm 2019, tỉ lệ TCBP ở nam giới là 17,2% và nữ giới là 15,6%, cao hơn so với tỷ lê 13,9% ở nam và 14,2% ở nữ giới theo số liệu của năm 2014.

“Một báo cáo của Ủy ban châu Âu năm 2014 cũng đã chỉ ra, lượng tiêu thụ nước ngọt tại Pháp chỉ giảm 3,3%, trong khi giá sản phẩm đã tăng 5% do thuế. Nhiều tiểu bang của Mỹ sau khi áp dụng thuế đối với nước ngọt có đường, nhiều người dân đã chuyển sang mua đồ uống từ các bang khác, nên chính sách này cũng không có tác dụng trong việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường hoặc giảm tỷ lệ TCPB. Một số nước đã phải từ bỏ công cụ này sau một thời gian áp dụng, vì không có tác động đáng kể đến việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng”, ông Thành nói.

Doanh thu của DN giảm hàng nghìn tỷ đồng

Bày tỏ quan điểm về áp thuế TTĐB đối với NGK có đường, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-NGK (VBA), dẫn chứng số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm. Theo đó, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%.

“Các DN chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác, như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2024. Nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của DN và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ”, ông Việt quan ngại.

Góp ý về dự thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đến không chỉ với ngành NGK, mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.

Bà Thảo dẫn chứng báo cáo được CIEM thực hiện vào các năm 2018-2021, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất NGK thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu thuế chỉ tăng thêm cho ngân sách 2.722,3 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).“Chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các DN trong chuỗi giá trị theo chiều dọc, như các DN bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường,… và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% - 0,085%”, bà Thảo đưa ra các con số cụ thể.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận