Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 50% - cơ hội cho những tháng cuối năm

9 tháng năm 2023 giải ngân được 51,38% vốn đầu tư công. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đây là con số kỷ lục, bởi chưa năm nào 9 tháng giải ngân quá 50%

 

9 tháng năm 2023 giải ngân được 51,38% vốn đầu tư công. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đây là con số giải ngân kỷ lục, bởi chưa năm nào qua mốc 50%. Số tiền tuyệt đối giải ngân so với năm ngoái nhiều hơn 110 nghìn tỷ đồng.

 

Tăng trưởng vượt mong đợi và giải ngân đầu tư công kỷ lục

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, tăng trưởng quý III đạt 5,33% là "vượt khỏi những mong đợi trước đây, đóng góp vào tăng trưởng 9 tháng là 4,24%". Điểm nhấn cơ bản là nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng tháng sau tốt hơn tháng trước, đóng góp vào tổng thể quý sau tốt hơn quý trước. So với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới thì đây là mức tăng trưởng cao.

Trong bức tranh tăng trưởng chung đó, đầu tư công - một trong 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế - đã thể hiện sự bứt phá ngoạn mục khi 9 tháng giải ngân được 51,38%. Đây là con số chưa năm nào đạt được, trước đây 9 tháng chỉ giải ngân được không quá 50%. Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điểm khác biệt của năm 2023 là dư liệu vốn cực nhiều, vì vậy tỷ lệ giải ngân cao càng có ý nghĩa tích cực và thiết thực, nhờ đó, số tiền tuyệt đối giải ngân so với năm 2022 nhiều hơn 110 nghìn tỷ đồng. Giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng 0,06%.

Còn theo báo cáo của Bộ Tài chính, sau nửa đầu năm giải ngân chậm do còn vướng về chính sách cũng như các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn nguyên vật liệu, đến việc phê duyệt các dự án đầu tư công trọng điểm... Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương tích cực vào cuộc tháo gỡ nên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt cao hơn.

 

Cao tốc Bắc - Nam phía Đông: một công trình sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả
 

 

Vẫn có đơn vị chưa giải ngân được đồng nào

Trong bối cảnh tích cực chung thì vẫn có hơn 30 bộ, ngành và địa phương hết tháng 9 giải ngân vốn đầu tư công dưới 30% kế hoạch. Có đơn vị còn chưa giải ngân được đồng nào, như Kiểm toán Nhà nước, Tổng Công ty Thuốc lá... Đáng chú ý là trong lúc doanh nghiệp và người dân mong đợi những giải pháp hỗ trợ lãi suất để phục hồi sản xuất kinh doanh thì Ngân hàng Nhà nước mới chỉ giải ngân được 388 tỷ đồng trong khoản vốn đầu tư công gần 24.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho ngân hàng thương mại, tương đương 1,62% kế hoạch. Là những cơ quan chịu trách nhiệm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ giải ngân đạt 3,8% và Bộ KH&ĐT 12,2%. Bộ Tài chính lý giải, việc chậm giải ngân này là vốn mới được phân bổ theo kế hoạch. Bên cạnh đó, dự án đầu tư công của Bộ Tài chính liên quan tới hệ thống công nghệ thông tin nên công tác chuẩn bị như đấu thầu tốn nhiều thời gian so với dự án khác. Khối địa phương có tốc độ giải ngân nhanh hơn so với bộ ngành, nhưng vẫn còn Hòa Bình và Cao Bằng giải ngân dưới 30%. Đồng thời, có tới 109 dự án tại 41 địa phương chưa giải ngân đồng nào.

Theo Bộ Tài chính, những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án là: Dự án đang hoàn thiện đủ thủ tục đầu tư để phân bổ vốn vì vậy chưa thể giải ngân kế hoạch năm 2023; Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch năm 2023 nên không phân bổ vốn năm 2023; Địa phương chưa tổ chức đấu giá đất nên chưa có số thu để giải ngân cho dự án; Nguyên vật liệu khan hiếm và giá cả biến động khiến chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục về điều chỉnh dự toán giá hợp đồng; Chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; Một số dự án có thủ tục chuyên ngành hoặc yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong khi các văn bản quy phạm pháp luật quy định chưa đầy đủ.

Đối với các dự án sử dụng vốn ODA lại vướng trong gia hạn Hiệp định dự án ODA; việc thực hiện các thủ tục điều chỉnh, đấu thầu, nghiệm thu, đều phải có thư không phản đối của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian.

Vốn đầu tư công sẽ góp phần quyết định làm thay đổi kinh tế xã hội của địa phương, của khu vực

Đề nghị chuyển vốn cho dự án "sẵn sàng hơn"

Cắt giảm vốn đã bố trí cho dự án đến ngày 30/10 chưa giải ngân chính là đề xuất của Bộ Tài chính khi cả nước vẫn còn 298 dự án ở 57 địa phương giải ngân đạt dưới 10%. Theo Bộ Tài chính, bộ, ngành, địa phương phải đánh giá, kiểm điểm trách nhiệm trong việc giảm kế hoạch vốn, rút kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch 2024 đảm bảo sát với khả năng thực hiện. Không giải ngân được vốn đầu tư công chứng tỏ việc phân bổ vốn đầu tư và năng lực của địa phương có vấn đề. Cùng một quy định chung, vì sao lại có địa phương giải ngân đạt tỷ lệ cao và có nơi chậm giải ngân? Ở một khía cạnh khác, các chuyên gia cho rằng, ở đây có dấu hiệu liên quan đến trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm của người đứng đầu các đơn vị.

Để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, ngày 14/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 235/QĐ-TTg thành lập 5 Tổ công tác do 3 Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng. Các Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Mới đây, tại cuộc họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: tiến độ giải ngân đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân, nhất là về giải phóng mặt bằng, đền bù, quy hoạch…, tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.

Còn trong cuộc họp của Tổ công tác số 2 sau đó ít ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm lại tình hình triển khai các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là kết quả giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã được phân bổ trong năm 2023. Phó Thủ tướng yêu cầu phân loại dự án có thể tăng tốc với các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm, còn những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi thì làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn. "Riêng những dự án chưa giải ngân do nguyên nhân khách quan, chưa bảo đảm tính hiệu quả nhưng vẫn cần thiết thì xem xét phương án sử dụng một phần vốn đã phân bổ để chuẩn bị dự án mới thật tốt để triển khai trong năm tiếp theo", Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý./.

"Để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội giao, các cấp, các ngành cần quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để đẩy mạnh hơn nữa việc giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2023 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao"Công điện số 749/CĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ngày 18/8/2023.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận