Thuốc nào trị bệnh 'thừa tiền, khát vốn'

  • 10/11/2023 12:00:00
  • Tuấn Quang
  • Kinh tế
  • 0

Thị trường lại xuất hiện một nghịch lý khi các ngân hàng thì thừa tiền, còn doanh nghiệp khát vốn nhưng không mặn mà, không dám vay vốn.

 

Những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất nhiều doanh nghiệp than phiền đói vốn, khát vốn. Sự việc đến mức đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải lên tiếng yêu cầu các ngân hàng xem xét nới lỏng việc cấp vốn cho các doanh nghiệp. Sau đó mặt bằng lãi suất bình quân của những khoản vay mới đã giảm khoảng 2 - 2,2%/năm. Thế nhưng nhưng thị trường lại xuất hiện một nghịch lý khi các ngân hàng thì thừa tiền, còn doanh nghiệp khát vốn nhưng không mặn mà, không dám vay vốn. 

Thị trường co hẹp, doanh nghiệp gặp khó                

Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường thế giới có những tác động bất lợi với nền kinh tế nước ta thì với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn vượt 10%/năm khiến nhiều doanh nghiệp không dám vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ông Trần Hưng Phước, Giám đốc Công ty TNHH lương thực Phước Hưng, thổ lộ: Việc đầu tư, sản xuất kinh doanh đều phải nghe ngóng thị trường. Giữa năm 2023, khi giá nguyên liệu đi xuống, doanh nghiệp mới lên kế hoạch mở rộng nhà máy. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ đợi năm sau để vay vốn thực hiện kế hoạch này. Ông Phước bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại hỗ trợ vay trung và dài hạn, với lãi suất ưu đãi từ 7-8%/năm để đầu tư máy móc.

Một nữ giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc tại tỉnh Nam Định xin giấu tên chia sẻ, vào thời kỳ hoàng kim, doanh nghiệp của chị có lúc tuyển đến hàng nghìn lao động. Tuy nhiên sau đại dịch Covid-19, những biến động của thị trường thế giới mà doanh nghiệp của chị đã phải thu hẹp sản xuất, đơn hàng xuất khẩu suy giảm rõ rệt, công ty phải cho công nhân nghỉ việc. “Doanh nghiệp vẫn khát vốn, vẫn có nhu cầu đầu tư sản xuất nhưng chúng tôi phải theo dõi thị trường. Trước mắt một mặt bằng sản xuất cho thuê, mặt bằng một phân xưởng khác thì đã chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác…”, vị nữ giám đốc tâm sự.

Hệ thống ngân hàng đang thừa tiền, tăng trưởng tín dụng chậm.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1%; hàng dệt may giảm 12,5%; giày dép các loại giảm 20,2%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9%.

Nhận định thêm về sự suy giảm từ các thị trường chủ lực, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh phân tích, về thị trường xuất khẩu thì đơn hàng chúng ta chưa có tín hiệu tốt hơn. Vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10 thì doanh nghiệp đã có đơn hàng của cả năm 2023, nhưng đến thời điểm hiện nay thì một số doanh nghiệp có đơn hàng năm 2023 thì rất là ít, chưa nhiều. Những năm trước, doanh nghiệp còn có đơn hàng của năm nay gối đầu cho năm sau, nhưng hiện nay doanh nghiệp chưa có đơn hàng gối đầu như vậy.

Nêu ra thực trạng ngân hàng hiện thừa tiền nhưng doanh nghiệp vẫn khát vốn, tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 1/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp song phải thừa nhận một thực tế là hiện ngân hàng và doanh nghiệp vẫn chưa đến được cùng một đích.

Cũng trong sáng ngày 1/11, tại diễn đàn Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận hệ thống ngân hàng thừa tiền, tín dụng tăng chậm. Cập nhật đến ngày 25/10, dư nợ tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm ngoái. Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như xúc tiến thương mại tăng đơn hàng xuất khẩu, tăng cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi thì sẽ tiếp cận được tín dụng. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản và đã nhận diện được khoảng 70% các nguyên nhân dẫn đến khó khăn, đó là những vấn đề pháp lý. Sau khi vấn đề khó khăn về pháp lý được tháo gỡ thì chắc chắn tăng trưởng tín dụng cũng tăng theo.

Khơi thông thị trường, tập trung tín dụng lĩnh vực ưu tiên

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, cho rằng, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng của ngân hàng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

PGS-TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, vấn đề đối với doanh nghiệp hiện nay đó là vấn đề thị trường. Vì vậy cần phải mở được các thị trường cho doanh nghiệp, bởi khi thị trường tắc thì không lĩnh vực nào thông được. Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường, phải có những giải pháp khác thường. Đồng thời trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng tình với quan điểm của PGS-TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích, trong bối cảnh thị trường vàng, bất động sản, chứng khoán, trái phiếu… còn rủi ro thì người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng hưởng lãi suất có lẽ là kênh an toàn nhất. Trong tháng 10, dù lãi suất đã giảm sâu nhưng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng lên, ở chiều ngược lại lượng tiền ra - lượng tiền cho vay thấp, sự chênh lệch này khiến các ngân hàng thừa tiền.

Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nền kinh tế của chúng ta đang ở trong tình trạng trì trệ, các doanh nghiệp bán hàng và xuất khẩu hàng bị suy giảm. Trong bối cảnh hiện nay khi “ngoại thương ấm thì nội thương mới ấm”, tức là khi bức tranh kinh tế thế giới sáng sủa thì kinh tế vĩ mô mới ấm lên, các thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán,…cũng ấm lên, tiền sẽ chảy vào những thị trường này. Bởi vậy, bên cạnh việc đẩy tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên tạo tác động lan tỏa thì chúng ta cũng cần tăng cường công tác theo dõi, dự báo để có giải pháp tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, khơi thông các thị trường. “Vấn đề chính thức là cần vực dậy nền kinh tế và vực dậy sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp, lúc bấy giờ doanh nghiệp mới có thể vay vốn và mới có khả năng trả nợ…”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Bên cạnh đó chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện nay chúng ta có quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn nên tác dụng không nhiều đối với doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Vì vậy, quỹ bảo lãnh tín dụng cần phải có vốn điều lệ lên đến hàng nghìn tỷ đồng để có thể bảo lãnh cho các ngân hàng mạnh tay đẩy vốn cho nền kinh tế cho doanh nghiệp. Về vấn đề này đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân đề xuất, nếu được Quốc hội cho phép thì Chính phủ cần mở rộng bảo lãnh tín dụng, bảo lãnh cho ngân hàng, giảm các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp.

Cũng bàn về vấn đề tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế, chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Cùng với đó là cần rút ngắn độ trễ chính sách, để chính sách tác động nhanh hơn, hiệu quả hơn. Theo đó, với chính sách tiền tệ, ngoài việc cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng; cần tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay; đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Không hạ chuẩn điều kiện cho vay.

Với chính sách tài khóa, cần đẩy nhanh hơn tiến độ hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất, giảm 2% thuế GTGT; sớm xem xét giảm tỷ lệ đóng BHXH cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội (mới có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững); nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa và các quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV tại các địa phương...

TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cần chú trọng các động lực tăng trưởng; tiếp tục thực hiện phối hợp chính sách hiệu quả, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, bất động sản…

Cùng với đó là cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình doanh nghiệp, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc đã và đang được chỉ ra. TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng được thông qua bằng việc khai thác tốt hơn các FTAs đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh, thủ tục hành chính, nhất là bộ máy thực thi công vụ.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận