Chuyển đổi số thay đổi tương lai của logistics

  • 27/12/2023 08:48:55
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

79,8% số DN được hỏi cho rằng, chuyển đổi số quan trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh, song 92% số ấy không biết làm thế nào để chuyển đổi số.

 

79,8% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng, chuyển đổi số quan trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh, song có đến 72% số ấy không biết bắt đầu từ đâu và 92% không biết làm thế nào để chuyển đổi số.

Cắt giảm được 45% nhân sự

Những đột phá về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ đang thay đổi cách con người tương tác với thế giới và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện tối ưu hóa quy trình, tăng hiệu suất, giảm chi phí. Logistics được coi là xương sống của chuỗi cung ứng, do đó yêu cầu về chuyển đổi số trong ngành logistics cũng không nằm ngoài xu thế chung của toàn bộ nền kinh tế.

Cảng Hải Phòng là một trong những đơn vị logistics tiên phong “mở đường” đổi mới trong điều hành, chuyển đổi số tại khu vực phía Bắc. Chuyển đổi số đã giúp cảng Hải Phòng nâng tỷ lệ khách hàng thực hiện dịch vụ cảng điện tử ePort đạt 91,78%, tỷ lệ khách hàng sử dụng cổng thông minh Smart gate là 94,5%, tương tác với gần 12.500 lái xe, 1.423 doanh nghiệp vận tải sử dụng và bỏ toàn bộ chứng từ giao nhận,...

1.	Tại cảng Hải Phòng, tỷ lệ khách hàng sử dụng cổng thông minh Smart gate là 94,5%.

Tân Cảng Sài Gòn - đơn vị chiếm 90% thị phần sản lượng container tại khu vực TP HCM - được coi là điển hình hàng đầu về ứng dụng các giải pháp công nghệ chuyển đổi số trong khai thác cảng, đã tiết kiệm khoảng 30.000 - 50.000 tờ giấy/ngày, giảm 3.000 - 5.000 xe/ngày ra vào cảng làm thủ tục hành chính, cắt giảm được 45% nhân sự trong khi vẫn duy trì sản lượng như cũ.

Việc ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain, IoT, và big data có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển hàng hóa, giảm thiểu thời gian xếp dỡ, và nâng cao khả năng theo dõi và quản lý hàng hóa. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về chi phí mà còn tăng cường uy tín và hình ảnh của cảng, thu hút đầu tư và tạo nên một môi trường kinh doanh thuận lợi.

Theo khảo sát tại Báo cáo logistics Việt Nam 2023, nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tương đối cao, có đến 79,8% các doanh nghiệp đều cho rằng, chuyển đổi số quan trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Ngoài ra, có đến 72,9% các doanh nghiệp dịch vụ logistics thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến hoạt động chuyển đổi số, coi đây là một trong những trụ cột chính để phát triển doanh nghiệp.

Đánh giá về những lợi ích mà chuyển đổi số trong logictic mang lại, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, chuyển đổi số trong logistics giúp truy xuất nguồn gốc, minh bạch chuỗi cung ứng, có thể dự báo, đánh giá rủi ro, kiểm soát hàng tồn, tối ưu lộ trình.

Chuyển đổi số giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, cắt giảm được nhân sự. Từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có thể nói, chuyển đổi số thay đổi tương lai của ngành logistics.

Rào cản từ nhận thức

Một trong những rào cản khá lớn của quá trình thực hiện chuyển đổi số là chi phí đầu tư và thực hiện cao, chiếm đến 35,5%. Vì thế có đến 26,7% doanh nghiệp cho rằng, chi phí đầu tư cao khiến họ thiếu nguồn lực và sự chủ động trong đầu tư. Phần lớn doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có xu hướng thuê các ứng dụng và công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong vận hành, tác nghiệp kinh doanh. Khoảng 30% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, rủi ro khi triển khai công nghệ và lợi tức đầu tư (ROI) không đảm bảo khi đầu tư vào chuyển đổi số là rào cản khiến cho doanh nghiệp còn chưa mạnh dạn và quyết liệt trong việc thực hiện, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Tài chính đầu tư vào các giải pháp chuyển đổi số toàn diện cũng là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp dịch vụ logistics. Với 62,3% số doanh nghiệp dịch vụ logistics có vốn dưới 3 tỷ đồng, và 31,5% có vốn từ 3 - 50 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có hơn 98,1% doanh nghiệp vừa và nhỏ, 99% số này đang gặp khó khăn về vốn. Chính vì thiếu vốn, nên các doanh nghiệp này cho rằng, chuyển đổi số là cuộc chơi của doanh nghiệp lớn và chỉ ưu tiên đầu tư cho các hình thức tăng trưởng ngắn hạn.

Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết, theo khảo sát tại doanh nghiệp cho thấy, đa số doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội đầu tư nhưng chưa nắm bắt được cơ hội. Nhiều doanh nghiệp nhận thức chuyển đổi số là cần thiết nhưng lực bất tòng tâm về nguồn lực. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chưa biết bắt đầu từ đâu, làm với ai, làm như thế nào? Cụ thể là 69% số doanh nghiệp được hỏi cho biết không biết chọn đối tác nào, 72% không biết bắt đầu từ đâu và có đến 92% không biết làm như thế nào.

Hiện tại trên thị trường, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn như Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như DHL, Fedex… Trong khi đó, phần lớn với 90% các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Đồng quan điểm này bà Nguyễn Thị Hiệp, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel cho hay, hiện nay đa số doanh nghiệp chưa khai thác thông tin hiệu quả để đưa ra chiến lược kinh doanh, chưa có công cụ quản lý, thiếu góc nhìn kết quả kinh doanh, chưa đủ dữ liệu ra quyết định, cập nhật tình hình chậm trễ. Hoạt động điều hành chủ yếu dựa trên kinh nghiệm dẫn đến vận hành không thông suốt, lặp đi lặp lại, tốn thời gian, sai sót do con người, tốn chi phí nhân công.

Mức độ trưởng thành số của doanh nghiệp logistics Việt Nam ở mức thấp. Dữ liệu số phục vụ quản lý và phát triển ngành logistics còn thiếu và chưa được quản lý tập trung. Phần lớn các nghiệp vụ quản lý vẫn thực hiện thủ công, hoặc ứng dụng công nghệ thông tin không đồng bộ.

Cũng theo bà Hiệp, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến dữ liệu và phân tích dữ liệu, không nắm được tầm quan trọng, ứng dụng của dữ liệu vào hoạt động doanh nghiệp, dẫn đến dữ liệu không chính xác và đầy đủ, không logic và đúng định dạng. Dữ liệu được cập nhật thủ công, không có hệ thống theo dõi, cập nhật không thường xuyên. Dữ liệu không được quy hoạch để phục vụ cho việc phân tích hoặc thiếu dữ liệu để phân tích… “Trong khi đó, nếu như dầu mỏ là vàng đen của thời kỳ cách mạng công nghiệp thì dữ liệu là vàng của thời kỳ cách mạng công nghệ”, bà Hiệp nói./.

ThS. Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam:

9 tháng năm 2023, có 5.622 doanh nghiệp vận tải, kho bãi được thành lập mới, chiếm tỷ lệ khiêm tốn với 4,83% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới của toàn quốc. So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới ngành vận tải kho bãi chỉ đạt 102,2%, thấp hơn số liệu chung của toàn bộ nền kinh tế (103,1%). Đặc biệt, các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 54,2% quy mô về vốn so với cùng kỳ năm 2022.

Khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Văn phòng Chính phủ tại thời điểm tháng 5/2023 cũng cho thấy tình hình khó khăn của doanh nghiệp. Tỷ lệ các doanh nghiệp trong ngành logistics tạm ngừng kinh doanh và chờ giải thể lên đến hơn 20%, trong khi đó có đến 38,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát bị giảm mạnh về quy mô.

 

ThS. Nguyễn Hoài Chung, Ban Nghiên cứu Đào tạo, Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh:

ThS. Nguyễn Hoài Chung, Ban Nghiên cứu Đào tạo, Hiệp hội Logistics Thành phố Hồ Chí Minh:  Số doanh nghiệp dịch vụ logistics ở cấp độ 1 còn chiếm tới 17%. Con số này cho thấy còn rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tin học hóa cơ bản, tập trung vào việc sử dụng máy tính để thực hiện các công việc rất cơ bản với các phần mềm ban đầu như MS Office Exel, Word,… và lưu trữ tài liệu dưới dạng file mềm (số hóa).  Chuyển đổi số trong logistics góp phần tối ưu hiệu quả của các hoạt động logistics, từ đó góp phần giảm chi phí logistics nói chung cho toàn bộ nền kinh tế. Đây là mục tiêu trọng yếu của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với Việt Nam khi mà chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao nếu so với các nước như Singapore, Thái Lan.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận