Giá lúa gạo lên xuống là bình thường

  • 29/02/2024 12:08:46
  • Vân Hồng
  • Kinh tế
  • 0

Giá lúa gạo của Việt Nam có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, thấp hơn sản phẩm cùng loại của Thái Lan. Tuy vậy, các nhà phân tích thị trường nhận định, nguồn cung bị thắt chặt, nên xu hướng giảm này sẽ không thể kéo dài.

Giá gạo giảm do nhu cầu giảm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thị trường thế giới hạ nhiệt và giá gạo xuất khẩu của các nước đồng loạt giảm. Trong đó gạo 5% tấm của Việt Nam giảm mạnh nhất 19 USD xuống còn 609 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan đang ở mức 611 USD/tấn và Pakistan là 612 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, từ cuối tháng 1/2024 đến nay giá lúa gạo cũng biến động theo chiều hướng giảm khiến nhiều thương lái “bỏ cọc”, nông dân vô cùng lo lắng. Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh An Giang, bình quân giá lúa tươi được các thương lái mua tại ruộng dao động quanh mốc 7.100 - 8.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lúa IR 50404 ở mức 7.100 - 7.300 đồng/kg, giảm 1.100 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 7.200 - 7.400 đồng/kg, giảm 1.200 đồng/kg; Lúa Nhật 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân giá giá gạo xuất khẩu bất ngờ giảm mạnh, một số doanh nghiệp cho rằng, thời điểm hiện tại nhu cầu nhập khẩu gạo của một số nước giảm, cùng với đó đã vào chính vụ thu hoạch năm 2024 nên nguồn cung dồi dào, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng và mong muốn giá giảm sâu hơn.

Giá lúa gạo của Việt Nam những tháng cuối năm 2023 tăng cao là do nhu cầu thế giới tăng, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu trước thời điểm lúa vào vụ thu hoạch. Để giao hàng theo cam kết, các doanh nghiệp phải mua được hàng bằng mọi giá, kể cả khi giá ở mức cao. Ngoài ra, giá gạo Việt Nam cao nên nhiều doanh nghiệp đã chọn các thị trường gạo giá thấp Thái Lan, Pakistan… để nhập khẩu. Do đó gạo Việt Nam khó giao dịch hơn. Và giá lúa gạo giảm theo quy luật cung cầu, không có dấu hiệu bất thường.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, giá gạo năm 2024 tăng giảm phụ thuộc vào 2 yếu tố là chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ và biến đổi khí hậu El Nino. Trong đó, bất kể động thái nào của Ấn Độ về chính sách xuất khẩu lúa gạo sẽ tác động ngay tới thị trường thế giới. Kỳ vọng lượng gạo xuất khẩu sẽ tương đương năm 2023 nhưng giá cả còn phụ thuộc năng lực của các doanh nghiệp trong đàm phán, nắm bắt cơ hội thị trường. Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu năm 2024 gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha lúa, đảm bảo sản lượng trên 43 triệu tấn thóc, đảm bảo đủ an ninh lương thực trong mọi tình huống, hoàn cảnh; đồng thời xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo.

Gia tăng giá trị

Nhiều chuyên gia nhận định, nguồn cung lúa gạo trên thế giới có nguy cơ bị thắt chặt vì thế xu thế giảm của giá gạo sẽ không thể kéo dài. Thậm chí giá sẽ biến động theo chiều tăng trong năm 2024.

Một trong những cơ sở cho nhận định trên đó là, Chính phủ Indonesia vừa có quyết định tăng hạn hạn ngạch nhập khẩu nhập khẩu gạo trong năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn. Quyết định này được đưa ra do nguồn cung từ sản xuất gạo của nước này bị thiếu hụt. Ảnh hưởng từ hiện tượng El Nino trong năm 2023 khiến Indonesia thu hoạch vụ lúa sớm nhất sẽ diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2024 thay vì tháng 3 và tháng 4 hàng năm.

Dự báo ngoài đợt mở thầu thu mua 500.000 tấn gạo ngày 17/1 vừa qua, nước này sẽ phải tiếp tục mở thầu mua thêm gạo. Trong đợt mở thầu đó, các doanh nghiệp của Việt Nam đã thắng thầu cung cấp hơn 300.000 tấn, vì thế lần này các doanh nghiệp cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường Indonesia.

Liên quan đến giá cả lúa gạo, ở một góc nhìn khác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần nhìn ra trên một đơn vị diện tích sẽ tăng bao nhiêu giá trị, chứ đừng nghĩ rằng hạt gạo hôm nay giá bao nhiêu. Ví dụ như ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, nông dân đạt doanh thu từ 500 - 700 triệu đồng/ha, gấp nhiều lần Đồng bằng sông Cửu Long, bởi trên mảnh ruộng đó họ không chỉ trồng lúa mà nuôi con rươi. Hay mô hình lúa tôm Bạc Liêu, mang lại doanh thu hoạch cả lúa và tôm. Đặc biệt, ở Mù Cang Chải nông dân trồng phát triển du lịch trải nghiệm trên chính những cánh đồng lúa. Đó mới là hướng đi bền vững.

“Giá lúa lên đến một mức nào đó cũng sẽ dừng, quan trọng là chừng nào người nông dân biết cách phát triển trên một đơn vị diện tích này có thể trồng thêm cây này, nuôi thêm vật kia”

                                                                                                                                                                                         Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan

 

Bình luận

    Chưa có bình luận