Thị trường vàng cần vận hành đúng quy luật

  • 28/02/2024 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Thị trường vàng trong nước hoạt động 'một mình một chợ' khiến giá vàng miếng SJC chênh lệch với giá thế giới có lúc lên đến 20 triệu đồng/lượng. Điều này dẫn đến những hệ lụy như nhập lậu vàng, trốn thuế tăng, gây thất thu ngân sách... Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi cách quản lý thị trường vàng.

 

Hệ lụy từ chênh lệch giá vàng

Thời gian gần đây, mức chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới có lúc đến 20 triệu đồng/lượng. Các chuyên gia nhận định, mức chênh lệch này khiến nhập lậu vàng, trốn thuế tăng, gây thất thu ngân sách, chưa kể sẽ tác động đến thị trường ngoại tệ “chợ đen”.

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong 2 năm gần đây, các lực lượng chức năng đã phát hiện hàng chục vụ buôn lậu vàng qua biên giới và đấu tranh triệt phá thành công nhiều đường dây quy mô rất lớn, thu giữ hàng chục tấn vàng và nhiều tài sản, tiền USD. Cụ thể như vụ buôn lậu vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc tỉnh Tây Ninh, thu giữ được 198kg vàng, 59 cây vàng, gần 2,9 triệu USD; gần 27 tỉ đồng và các phương tiện, thiết bị; trị giá thu giữ được tương đương gần 250 tỉ đồng. Mở rộng điều tra, tính riêng trong hai tháng 8, 9 năm 2022, các đối tượng đã nhập lậu hơn 4 tấn vàng.

Hay vụ buôn lậu vàng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo tỉnh Quảng Trị do Nguyễn Thị Hóa cầm đầu, đã khởi tố vụ án, khởi tố 20 bị can về tội buôn lậu. Kết quả điều tra ban đầu xác định từ năm 2022 đến nay, các đối tượng đã tổ chức đường dây buôn lậu trên 3 tấn vàng, có tổng trị giá khoảng 5.000 tỉ đồng để bán cho các cửa hàng vàng trong nước thu lời bất chính.

Trước đó là vụ buôn lậu 51 kg vàng liên quan “trùm” buôn lậu Mười Tường cùng đồng phạm tại tỉnh An Giang. Vụ Tây Ninh bắt 3 đối tượng, thu 54 kg vàng thỏi, 2 kg vàng nữ trang, 84 miếng vàng 9999 và 1,2 tỷ đồng tiền mặt,…

Ngoài ra, giá vàng tăng cao, chênh lệch lớn với thị trường thế giới cũng gây ra tâm lý bất ổn với người dân. Đặc biệt, khi chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra được đẩy lên cao thì người dân phải chịu nhiều rủi ro. Bởi chỉ cần mua xong và bán lại ngay lập tức, người mua đã mất vài triệu đồng/lượng.

Tại buổi tọa đàm về thị trường vàng mới đây, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng chênh lệch giá vàng quốc tế với giá vàng trong nước quá lớn như vậy gây ra hậu quả không tốt cho thị trường. Người dân không được hưởng lợi khi phải mua vàng với giá rất cao. Việc để giá vàng chênh lệch khiến buôn lậu vàng gia tăng.

Để thị trường vận hành như nó cần có

Lý giải về sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới, các chuyên gia cho rằng, do thị trường trong nước chưa có sự liên thông với thị trường vàng thế giới, cầu vượt cung, trong khi các doanh nghiệp bị hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu. Bên cạnh đó là tình trạng độc quyền kinh doanh vàng miếng… Nếu có sự kết nối liên thông với thị trường quốc tế thì sẽ tránh được việc giá cả bị thổi phồng, méo mó. Độc quyền dẫn đến thổi giá, và chỉ mang lại lợi ích cho nhóm độc quyền.

Phân tích về nguyên nhân chênh lệch giá vàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, giá vàng miếng SJC tăng cao trong thời gian qua là do độc quyền vàng miếng SJC, nguồn cung khan hiếm, thị trường chỉ có mua đi bán lại vàng SJC cũ. Cầu tăng dù không mạnh, trong khi cung không có thì đương nhiên giá bị đẩy lên cao, chênh lệch lớn với giá thế giới.

Để chấm dứt tình trạng này, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 24 để loại bỏ những bất cập hiện nay. Ngay trước mắt Nhà nước cần cho nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung nhiều hơn thì tự khắc giá vàng sẽ giảm xuống. Còn về giải pháp lâu dài và bền vững thì chúng ta phải xây dựng thị trường vàng theo nguyên tắc kinh tế thị trường. “Cần chấm dứt độc quyền để giá vàng liên thông với thế giới, cho một số cơ sở, đơn vị được phép nhập khẩu vàng rồi kinh doanh vàng trang sức xuất khẩu. Với bàn tay của những người thợ vàng Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thể mang lại lợi nhuận từ xuất khẩu vàng trang sức”, ông Thịnh đề xuất.

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, Việt Nam đang quản lý thị trường vàng theo kiểu “một mình một chợ”, thiếu hội nhập và liên thông với thế giới. Điều này dẫn đến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới rất cao. Ngân hàng nhà nước (NHNN) điều tiết thị trường bằng hành chính, mệnh lệnh dẫn đến bế tắc trong sản xuất lưu thông, tạo ra khan hiếm cung - cầu giả, chênh lệch về giá. Vì thế, cần trả lại việc sản xuất kinh doanh vàng miếng cho các doanh nghiệp.

Trước thực trạng trên, Thủ tướng yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đưa ra giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng. Hiện NHNN đang tích cực xem xét và lấy ý kiến của các bộ, ngành, để đưa ra phương án sửa đổi Nghị định 24 trong quý I.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời nhằm chống “vàng hóa” nền kinh tế. Tuy nhiên đến nay, Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế và cần phải thay đổi quản lý thị trường vàng theo hướng tăng cung, bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC.

Trong lúc chờ đợi phương án chính thức từ cơ quan quản lý nhà nước thì quyền lợi của người dân vẫn bị ảnh hưởng khi giá vàng tiếp tục “nhảy múa”./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận