Xúc tiến thương mại, mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc

  • 09/04/2024 10:47:36
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Cục Xúc tiến thương mại và Sở Công Thương tỉnh Lào Cai sẽ phối hợp thực hiện Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc.

 

Chương trình dự kiến diễn ra ngày 12/4/2024, do Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đồng chủ trì tổ chức.

Hội nghị nhằm tăng cường công tác xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất, kết nối cung cầu, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu ngành hàng, sản phẩm của địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất nhập khẩu.

Hội nghị có quy mô dự kiến khoảng 300 đại biểu tham dự là Lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các Hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Hội nghị còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hiện phần lớn các doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Công tác phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên. Giá trị xuất khẩu còn thấp, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc.

Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất sản phẩm còn hạn chế.

Vì vậy, để phát triển kinh tế của vùng, các chương trình xúc tiến thương mại cần được quan tâm, đẩy mạnh tổ chức nhiều hơn nữa, với quy mô lớn, có tính liên kết vùng cao để mang lại những ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động này cũng góp phần tạo điều kiện phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ đắc lực cho việc quảng bá, giới thiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ưu thế của vùng để tăng cường tiếp cận đến các thị trường xuất khẩu.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận