Vĩnh Phúc thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư

  • 11/07/2019 09:44:03
  • Nhóm Phóng viên
  • Kinh tế
  • 0

Thường xuyên duy trì được vị trí cao trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Vĩnh Phúc là địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn

 

Không chỉ là một trong số ít tỉnh thường xuyên duy trì được vị trí cao trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm, Vĩnh Phúc còn được biết đến như một địa phương có môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn, thu hút được nhiều dự án lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

6 tháng đầu năm 2019, Vĩnh Phúc thu hút được 57 dự án cấp mới và 27 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư. Trong đó: cấp mới cho 37 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký mới là 224,78 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt 422,11 triệu USD, tăng 71,89% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 84,42% so với kế hoạch.

Đây là kết quả của việc Vĩnh Phúc chú trọng thúc đẩy hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư. Lãnh đạo tỉnh làm việc với nhiều đoàn công tác của các tổ chức, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tỉnh như: Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD); Tập đoàn Lenovo Trung Quốc cùng các doanh nghiệp phụ trợ; Tổng Giám đốc Công ty TNHH Interflex Vina; đoàn công tác Trường Đại học Hannam, Hàn Quốc; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam… để tranh thủ vận động, hợp tác và xúc tiến đầu tư vào tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để kịp thời tiếp nhận, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo giảm thời gian thực hiện các thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục đầu tư và từng bước triển khai đăng ký kinh doanh qua mạng; công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, quy hoạch của tỉnh và thủ tục hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng...

 

Hiện nay, có 18 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, đứng đầu là Hàn Quốc với 180 dự án có vốn đăng ký là 1,72 tỷ USD, chiếm 26,2%; Nhật Bản với 47 dự án; Đài Loan với 37 dự án; còn lại là các nhà đầu tư từ Singapore, Thái Lan, Italia, Trung Quốc, Hà Lan, Ấn Độ, Samoa, Seychelles, Malaysia, Pháp, Đức, Indonesia, Hoa Kỳ, Thụy Điển. Trong thời gian tới, dự báo làn sóng thu hút đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục tăng nhanh do Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc giai đoạn 2 tiếp tục được hoàn thiện và Cụm công nghiệp Đồng Sóc dự kiến đi vào hoạt động. Việc có thêm một số dự án mới từ các quốc gia như Hoa Kỳ và Thụy Điển cho thấy tiềm năng thu hút đầu tư từ các thị trường mới, đặc biệt là Châu Âu và Hoa Kỳ.

Cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư, Vĩnh Phúc cũng đặc biệt quan tâm đến phát triển doanh nghiệp: 6 tháng có 570 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký trên 4.348 tỷ đồng, và đến hết tháng 6/2019 Vĩnh Phúc đã có 10.142 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 93.000 tỷ đồng, trong đó có 7.302 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương 72% doanh nghiệp đăng ký).

Là môi trường đầu tư hấp dẫn, nhưng hai năm gần đây, chính quyền và các Sở ngành Vĩnh Phúc đẩy mạnh hơn nữa công tác cải thiện môi trường đầu tư khi chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017 - 2018 cho thấy tỉnh Vĩnh Phúc không duy trì được vị trí trong 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất. Nguyên nhân chính là do các địa phương đều có sự cải thiện đáng kể về chất lượng điều hành kinh tế, dẫn tới điểm số trung vị PCI cao nhất từ trước tới nay với 61,76 điểm. Nhờ đó, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp giảm; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; Chính quyền cấp tỉnh năng động, sáng tạo hơn; Cải cách hành chính tiếp tục có bước tiến; Tuy nhiên việc gia nhập thị trường vẫn còn nhiều khó khăn; tính minh bạch thông tin chưa có nhiều cải thiện.

Sự tiến bộ chung của các địa phương đặt ra nhiều thách thức cho Vĩnh Phúc khi năm 2018 có một số chỉ số thành phần không đạt kỳ vọng như: Chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 60 (giảm 7 bậc), Chỉ số chi phí thời gian xếp thứ 55 (giảm 41 bậc); chỉ số thiết chế pháp lý xếp thứ 53 (giảm 35 bậc); chỉ số cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 41 (giảm 6 bậc).

Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp như: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hình ảnh của tỉnh Vĩnh Phúc trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực cho thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp; Đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, công khai minh bạch, thân thiện, áp dụng và vận dụng linh hoạt quy định của pháp luật vào điều kiện thực tế của địa phương để rút giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu năm 2019 tập trung cải thiện các chỉ số thấp như: Tiếp cận đất đai, Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự, Cạnh tranh bình đẳng, Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, Chi phí không chính thức. Đồng thời tiếp tục duy trì và cải thiện các chỉ số có thứ hạng cao; nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư và phát triển doanh nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra. Phấn đấu năm 2019 đạt mục tiêu nằm trong tốp 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận