Phụ thuộc vào siêu thị ngoại: Doanh nghiệp Việt sẽ phá sản

  • 11/07/2019 02:45:00
  • ÁnhPhương
  • Kinh tế
  • 0

Việc BigC đột ngột dừng đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phụ thuộc vào nhà phân phối ngoại.

 

 

Bị “đá” khỏi siêu thị ngoại ngay tại sân nhà

Những ngày qua, dư luận dậy sóng trước việc BigC đột ngột thông báo dừng đơn hàng may mặc với 200 nhà cung cấp Việt Nam. Ngay sau đó, Bộ Công Thương đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Central Group và BigC và trong ngày 4/7 phía BigC cam kết nhập lại hàng của 50/200 nhà cung cấp. Tuy sự việc sớm được giải quyết nhưng điều này cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Hàng Việt không chỉ bị “đá” khỏi sân phân phối ngoại ngay tại thị trường nội địa mà còn là sự cảnh báo đối với các nhà cung cấp nội nếu không chủ động sẽ mất hệ thống phân phối và mất luôn ngành sản xuất.

Thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự “đổ bộ” của nhiều ông lớn trong ngành bán lẻ thế giới. Các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài này sau khi xuất hiện tại thị trường Việt Nam đã có sự lớn mạnh không ngừng về cả số lượng và quy mô. Đặc biệt, Tập đoàn bán lẻ Aeon của Nhật Bản dự định tới năm 2020 sẽ mở 20 trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD. Chuỗi Family Mart của Nhật mở 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020; Tập đoàn Lotter Mart của Hàn Quốc với 8 trung tâm thương mại quy mô lớn tại Hà Nội cũng có kế hoạch tăng lên 60 trung tâm thương mại trên toàn quốc với tổng mức đầu tư lên tới 3,2 tỷ USD vào năm 2020….

Việc các tập đoàn bán lẻ quốc tế quan tâm và đầu tư tại Việt Nam là tín hiệu tốt đối với người tiêu dùng nhưng đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội còn yếu thế thì đây là sức ép vô cùng lớn. Đặc biệt, khi mà hệ thống phân phối ngoại hiện nay đang chiếm tới 53% thị phần, một miếng bánh khá lớn, đủ sức chi phối thị trường. Và thực tế, ngay trong tháng 7/2019, việc BigC thông báo ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam cho thấy đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, nhà cung cấp Việt trong hệ thống phân phối ngoại. Từ việc bị BigC dừng hợp đồng, cho thấy các doanh nghiệp Việt cần thay đổi tư duy, chủ động hơn trong kinh doanh. Đồng thời, doanh nghiệp Việt nên tránh phụ thuộc vào nhà phân phối ngoại. Bởi có lẽ BigC không phải doanh nghiệp phân phối ngoại đầu tiên thay đổi chiến lược cơ cấu hàng hóa và bất ngờ dừng nhập hàng.

Chất lượng sản phẩm sẽ quyết định

Từ câu chuyện của BigC gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc lệ thuộc vào nhà phân phối ngoại. Nhiều doanh nghiệp sản xuất gia công đã bị kéo vào “cuộc chơi” nhãn hàng riêng của các siêu thị. Các doanh nghiệp chấp nhận làm nhãn hàng riêng cho siêu thị, “ăn theo” uy tín của siêu thị để phát triển. Chính vì thế, theo thời gian chính các doanh nghiệp này bị nhãn hàng riêng đè bẹp, ăn dần “miếng bánh” thị phần. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản vì mất dần thương hiệu, thị phần khi các siêu thị ngừng nhập hàng. Để tránh sự phụ thuộc này, các doanh nghiệp Việt phải bỏ “trứng” vào nhiều giỏ. Cụ thể trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chủ động cung cấp hàng cho nhiều hệ thống siêu thị  như BigC, Aone, Hapro, Co.op Mart, Vinmart,… Đồng thời, Việt Nam cũng cần có những cảnh báo về việc chấp hành pháp luật kinh doanh thương mại ở Việt Nam và ban hành quy định về tỷ lệ phân phối hàng Việt trong các siêu thị nước ngoài.

Nhưng dù có quy định tỷ lệ phân phối hàng Việt trong các siêu thị nước ngoài hay không thì quan trọng nhất  vẫn là chất lượng sản phẩm. Chất lượng sản phẩm tốt thì sẽ có chỗ đứng trên thị trường. Nếu chất lượng sản phẩm tốt thì bản thân các siêu thị ngoại sẽ phải tìm đến để được phân phối mặt hàng đó. Trở lại câu chuyện các mặt hàng may mặc được bày bán tại BigC, dù yêu quý hàng Việt nhưng người dùng cũng không thể nhắm mắt sử dụng sản phẩm vừa kém chất lượng vừa đắt chỉ vì lòng tự tôn dân tộc. Và không ít người Việt không mặn mà với các sản phẩm may mặc trong nước được bày bán tại BigC Việt Nam. Bởi họ cho rằng, những sản phẩm này chất lượng kém, mẫu mã xấu, lạc hậu, lỗi thời nhưng giá lại đắt. Có thể khẳng định, việc bán hay không bán sản phẩm nào không phải do nhà phân phối quyết định mà do người tiêu dùng quyết định. Nếu như hàng hóa có chất lượng thấp, giá cả cao không phù hợp chắc chắn sẽ không được chấp nhận.

Dù yêu quý hàng Việt nhưng người dùng cũng không thể nhắm mắt sử dụng sản phẩm vừa kém chất lượng vừa đắt chỉ vì lòng tự tôn dân tộc.

Bên cạnh giá cả và chất lượng thì nhiều doanh nghiệp Việt còn yếu trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá chất lượng. Hệ thống phân phối và liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối còn nhiều rào cản. Doanh nghiệp Việt chưa biến hệ thống phân phối thành sức mạnh cộng sinh, chặt chẽ để chủ động cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa.

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị TP. Hà Nội, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, phát triển nhanh các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường, làm ăn tử tế, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài. “Trong thời gian tới, nếu chúng ta không mạnh lên thì doanh nghiệp ngoại sẽ lấn át, mà khi bị lấn át chúng ta sẽ thua thiệt, chúng ta sẽ chỉ mãi đi làm thuê, đặc biệt, mất phân phối thì mất cả sản xuất”, ông Phú khẳng định.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận