Chuyển đổi số, con đường sống của doanh nghiệp

  • 08/08/2019 10:50:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Chuyển đổi số giúp thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra cơ hội, doanh thu... Vì thế, chuyển đổi số trở thành chuyện sống còn, chi phối sự thành bại của doanh nghiệp.

 

Tạo ra cơ hội, doanh thu và giá trị mới

Chuyển đổi số là tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào từng ngóc ngách trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, với mục tiêu gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao sự hài lòng của khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Chuyển đổi số đang và sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng của các nền kinh tế.

Dự báo, giá trị của thị trường chuyển đổi số toàn cầu năm 2023 là 665 tỷ USD, trong đó châu Á - Thái Bình Dương chiếm khoảng 25%; năm 2025 nền kinh tế số Đông Nam Á là 240 tỷ USD. Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang xuất hiện ở mọi lĩnh vực từ thương mại, tài chính, ngân hàng cho đến y tế, giáo dục, du lịch,…

Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Biến những doanh nghiệp truyền thống thành những doanh nghiệp thông minh.

Khi doanh nghiệp chuyển đổi số thành công sẽ tăng trưởng từ 30 - 50% thông qua các lợi ích như cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, với làn sóng phát triển công nghệ như hiện nay, nếu cơ hội đến mà doanh nghiệp Việt không bắt kịp xu hướng, chậm trễ trong việc chuyển đổi số thì về lâu dài sẽ không thể tồn tại và phá sản. Do đó, để bắt kịp xu thế, các doanh nghiệp Việt buộc phải lựa chọn chuyển đổi nếu không muốn bị phá sản.

Cụ thể là bài học từ cái chết của Kodak, Nokia, hay sự lao đao của các hãng taxi truyền thống thời gian gần đây là một minh chứng. Kodak đã từng chiếm 80-90% thị trường phim ảnh nhờ bán máy ảnh rất rẻ nhưng bán phim và thuốc tráng phim, rửa ảnh rất đắt.

Từ năm 1975, một kỹ sư của Kodak đã phát minh ra máy ảnh kỹ thuật số nhưng Kodak không sử dụng vì sợ nếu tung ra máy ảnh kỹ thuật số sẽ không bán được phim và thuốc rửa nữa. Từ đó, Kodak liên tục thua lỗ và đến đầu năm 2012 buộc phải tuyên bố phá sản. Hay như câu chuyện taxi truyền thống “lao đao” bởi sự xuất hiện của taxi công nghệ. Để tồn tại các hãng taxi truyền thống buộc phải liên minh với nhau và áp dụng công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh.

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.

Phát biểu tại hội thảo “Global Digital Transformation”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, khẳng định, chuyển đổi số để tăng trưởng, để có khách hàng và lợi nhuận. Nếu không chuyển đổi số, sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ thua về bậc và sớm muộn phải ra đi.

Đồng quan điểm này, Giáo sư Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM), cho rằng doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ không thể nói “không” với chuyển đổi số. Chuyển đổi số là con đường tất yếu, các doanh nghiệp cần hiểu rõ và có chiến lược cụ thể, có sự đầu tư đúng đắn.

Doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số

Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra, nhất là trong những ngành như tài chính, giao thông, du lịch... Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, khi Bộ Thông tin - truyền thông chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và Đề án sẽ được trình Thủ tướng ngay trong năm 2019.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, theo VCCI, hiện doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có 80% đến 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%), thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%),...

Cụ thể, đối với ngành dệt may, việc áp dụng khoa học công nghệ còn hạn chế. Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) công bố năm 2018, tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao, nhất là sử dụng phần mềm trong thiết kế sản phẩm, quản lý sản xuất chiếm khoảng 20%; 70% thiết bị có công nghệ trung bình; 10% công nghệ thấp. Với lĩnh vực dệt, hầu hết thiết bị dệt thoi có trình độ trung bình khá nhưng công nghệ sử dụng trong dệt kim chỉ ở mức thấp và trung bình.

Ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho hay, việc áp dụng tự động hóa sẽ giảm số lượng lao động trực tiếp, liên kết dữ liệu giữa các thiết bị sản xuất, ngành dệt may sẽ có cơ hội sản xuất xanh, sạch, tiết kiệm các nguồn lực tự nhiên, giảm thiểu tồn kho.

Trong bối cảnh hiện nay, áp dụng công nghệ là con đường duy nhất giúp ngành dệt may Việt Nam bứt phá, thoát ra khỏi bẫy dùng nhiều lao động nhưng lương không cao, lao động không ổn định. Đồng thời giúp các doanh nghiệp chủ động trong hoạch định chiến lược, tận dụng thành tựu của cách mạng 4.0 cũng như giảm thiểu các thách thức khi tham gia vào các hiệp định thương mại.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận