Thường vụ QH ủng hộ UB Chứng khoán vẫn thuộc Bộ Tài chính và được tăng thẩm quyền

  • 13/08/2019 03:00:24
  • Ngọc Thành/VOV.VN
  • Kinh tế
  • 0

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ phương án UBCKNN vẫn trực thuộc Bộ Tài chính nhưng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập để hoạt động.

 

Đây là một trong những vấn đề lớn của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp 36, chiều 12/8.

3 phương án về địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán

Về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết có 2 loại ý kiến của đại biểu Quốc hội. Theo đó 18/34 lượt ý kiến nhất trí mô hình UBCKNN độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế.

11/34 lượt ý kiến cho rằng mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Trên cơ sở đó, cơ quan thẩm tra đưa ra 3 phương án. Các ý kiến thảo luận tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành phương án UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính nhưng chỉnh lý theo hướng bổ sung thêm một số quyền hạn, nhiệm vụ.

Đối với Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (TCTLK), UBCKNN có ý kiến trước khi Bộ Tài chính phê chuẩn Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và phê chuẩn Điều lệ của các doanh nghiệp này.

Kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên quan điểm về địa vị pháp lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giữ nguyên quan điểm như kỳ họp 33, tức để ổn định thị trường tài chính thì UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính. Bên cạnh đó đồng tình bổ sung thêm một số quyền cho phù hợp.

Liên quan mô hình giao dịch chứng khoán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với phân tích của Uỷ ban Kinh tế và ủng hộ phương án chỉ có một Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và được đặt tại trung tâm tài chính quốc gia.

“Sở Giao dịch đặt ở nơi sôi động nhất chứ không nhất thiết Thủ đô ở đâu thì đặt ở đó. Đánh giá xem vừa rồi hoạt động thế nào? Hà Nội và TPHCM, đặt ở nơi nào tốt hơn thì đặt nơi đó. Vấn đề này không cần đưa vào luật mà giao Chính phủ quyết định” – bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

Báo cáo thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện Thủ tướng đã phê duyệt đề án về mô hình Sở Giao dịch chứng khoán với một Sở hai sàn. Theo đó, Sở này đặt tại Hà Nội để thuận lợi cho quản lý giám sát cùng điều hành vĩ mô và triển khai công nghệ thông tin để kết nối.

Không quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của DN khởi nghiệp sáng tạo

Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đồng quan điểm với Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho rằng không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.

Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với mức vốn thấp, rủi ro cao; trường hợp cho phép chào bán chứng khoán ra công chúng trên thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đến tính an toàn của thị trường và không bảo đảm tính bình đẳng đối với các thành viên thị trường khác.

Mặt khác, hiện nay, Luật doanh nghiệp đã có quy định cụ thể đối với chào bán cổ phần riêng lẻ đối với công ty không phải là công ty đại chúng. Đồng thời, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/03/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong đó đã có những cơ chế hỗ trợ vốn và đầu tư cho các doanh nghiệp này thông qua Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

“Nếu cho chào bán dễ có nhiều rủi ro. Với chứng khoán hay gây hiệu ứng domino, nên cần thận trọng, không quy định dù biết rằng doanh nghiệp này cần vốn nhưng cần tìm kênh khác” - Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận