Không mua được bảo hiểm, 29 tàu vỏ thép nằm bờ

29 tàu vỏ thép ở tỉnh Bình Định đang phải nằm bờ, không thể ra khơi do không mua được bảo hiểm. Các chủ tàu 'ôm' hàng trăm tỷ đồng tiền nợ.

 

Gần 3 tháng nay, nhiều tàu cá vỏ thép ở tỉnh Bình Định phải nằm bờ vì Công ty Bảo hiểm PJICO, chi nhánh tỉnh Bình Định (PJICO Bình Định) ngừng bán bảo hiểm cho tàu cá. Trong khi đó, Công ty này là đơn vị được chỉ định bán bảo hiểm thân, vỏ tàu cho tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Không mua được bảo hiểm, các tàu vỏ thép bị ngân hàng “trói lại”, không cho ra khơi với lý do, nếu xảy ra rủi ro không được đơn vị thứ 3 hỗ trợ.

Ngư dân Thái Văn Duyệt, chủ tàu vỏ thép BĐ 99160 ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết, ông đã chuẩn bị tiền mua bảo hiểm để vươn khơi, nhưng giờ không mua được bảo hiểm nên tàu phải nằm bờ.

“Tiền có sẵn trong tài khoản rồi, chờ bảo hiểm bán là chuyển qua nhưng họ không bán nữa. Không đi làm được, kinh tế gặp nhiều khó khăn. Giờ bạn thuyền cũng bỏ đi làm ở tàu khác. Nếu qua tàu khác làm ăn được là họ ở đi luôn, sau này làm trở lại thì rất khó tìm bạn tàu”, ông Duyệt nói.

Tàu nằm bờ càng lâu, càng bị hoen gỉ.

Tương tự, ông Ngô Lê Hát, chủ tàu vỏ thép BĐ 99168 cho biết, tàu của ông nằm bờ mấy tháng nay, gia đình khốn khó. Từ tháng 7 đến nay, Bảo hiểm Pjico liên tục trì hoãn, gây khó khăn, không chịu bán bảo hiểm cho tàu cá của ngư dân.

“Công ty bảo hiểm phải trả lời khi nào bán bảo hiểm lại cho ngư dân chứ bây giờ cứ nằm bờ vậy thì cảng Đề Gi họ đuổi ra mất. Chúng tôi yêu cầu Công ty con trình lên Công ty mẹ trả lời bán hay không bán để bà con còn biết đường giải quyết. Cứ theo bám tàu nhưng không ra khơi được thì chết đói”.

Về việc không bán bảo hiểm cho các chủ tàu vỏ thép, phía Công ty Bảo hiểm PJICO Chi nhánh tỉnh Bình Định cho rằng, đang chờ xin ý kiến Tổng Công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV VOV thì do thua lỗ nên các công ty bảo hiểm đều từ chối bán bảo hiểm cho các tàu cá vỏ thép.

Một vị lãnh đạo Công ty Bảo hiểm cho biết, Công ty của ông là 1 trong 4 đơn vị được chỉ định bán bảo hiểm cho tàu vỏ thép. 2 năm qua, mỗi năm Công ty của ông bán được khoảng 3 tỷ đồng bảo hiểm thì phải chi bảo hiểm mất 3 tỷ 800 triệu đồng, thêm chi phí lương nhân viên thì mỗi năm lỗ hơn 1 tỷ đồng.

Ông này khẳng định, Công ty bảo hiểm không muốn bán cho tàu vỏ thép là do thua lỗ: “Tàu cá 67 lỗ hết, lỗ nặng. Bởi năm vừa rồi, chúng tôi chỉ nhận 15%, Pjico nhận 55%, năm vừa rồi chưa hết năm, chúng tôi thu 3 tỷ mà hoạch toán bồi thường 3 tỷ 8 trăm triệu đồng, mấy năm liên tục, năm nào cũng lỗ”.

Tàu vỏ thép nằm kín cảng cá Đề Gi, chiếm chỗ neo đậu của các tàu khác.

Hiện nay, 29 tàu vỏ thép đóng mới theo NĐ 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản ở tỉnh Bình Định đã hết thời hạn bảo hiểm. Thế nhưng các tàu này không thể ra khơi đánh bắt do không mua được bảo hiểm thân, vỏ tàu. Theo quy định, nếu không có bảo hiểm, ngân hàng sẽ không cho tàu ra khơi.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, Sở đã làm việc với một số Công ty bảo hiểm khác nhưng đều bị từ chối bán bảo hiểm: “Tôi đề nghị phía Bảo hiểm PJICO trả lời dứt điểm cho bà con được hay không. Còn phía Sở Nông nghiệp sẽ tham mưu UBND tỉnh có văn bản báo cáo Tổng Công ty Pjico và các cơ quan chức năng khác hướng làm sao giải quyết nhanh nhất cho các tàu vươn khơi bám biển để sản xuất trả nợ ngân hàng”.

Các Công ty bảo hiểm đang tìm cách từ chối bán bảo hiểm tàu cá cho ngư dân. Hàng chục tàu cá trị giá cả trăm tỷ đồng sẽ phải nằm bờ, đẩy hàng trăm ngư dân lâm cảnh khó khăn./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận