Dệt may phấn đấu đạt 100 tỷ USD vào năm 2030

  • 19/12/2019 18:18:08
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam chịu tác động lớn từ suy giảm kinh tế thế giới và chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra nhưng ngành vẫn giữ được tăng trường và có những đóng góp lớn vào xuất khẩu của cả nước.

 

Năm 2019, xuất siêu 16,62 tỷ USD

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2019, dự báo kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt may Việt Nam đạt 39 tỷ USD, tăng 7,55% so với năm 2018. Trong đó, kim ngạch XK hàng may mặc đạt 30,85 tỷ USD; XK vải đạt 2,14 tỷ USD; XK xơ sợi đạt 4,09 tỷ USD, XK vải không dệt đạt 600 triệu USD; XK nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,32 tỷ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may năm 2019 ước đạt 22,38 tỷ USD. Thống kê cho thấy, năm 2019, dệt may Việt Nam xuất siêu 16,62 tỷ USD, tăng 2,25 tỷ USD so với năm 2018.

Năm 2019, xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ đạt 15,2 tỷ USD tăng 8,9% và chiếm tỷ trọng 38,9%. EU đạt 4,4 tỷ USD; Nhật Bản đạt 4,2 tỷ USD, Trung Quốc đạt 4,25 tỷ USD; Hàn Quốc ước đạt 4 tỷ USD, thị trường ASEAN đạt 2,1 tỷ USD. Tuy nhiên, các DN dệt may Việt đang gặp khó khi phải cạnh tranh với hàng nhập lậu, hàng nhái, giả xuất xứ Việt Nam. Đặc biệt, nhiều thương hiệu lớn của nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam và có ưu thế cạnh tranh vượt trội so với hàng trong nước. Nhiều mặt hàng may mặc bị sụt giảm đơn hàng. Nếu như trong năm 2018, tới thời điểm giữa năm, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành đã có đơn hàng đến hết năm thì đến năm 2019 chỉ ký được các đơn hàng có số lượng nhỏ và ký theo tháng…Nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.

Tuy nhiên, ông Vũ Đức Giang cũng khẳng định, năm 2019 ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của VITAS trong việc công tác vận động chính sách như tiếp tục đồng hành cùng DN trong việc phản ánh, đề xuất tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục hải quan, XNK, thuế, hoàn thuế, quy tắc xuất xứ trong CPTPP, góp ý sửa đổi Bộ Luật Lao động … gửi đến Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan. VITAS cũng đã đóng góp nhiều ý kiến chất lượng cho bản Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam giai đoạn 2020-2030 của Bộ Công Thương.

Dệt may Việt Nam cần duy trì top đầu thế giới

Năm 2019 là điểm nhấn của ngành dệt may với lịch sử phát triển 120 năm. Sự đóng góp của VITAS qua 20 năm, đã thể hiện vai trò, thể hiện tầm nhìn trong việc đóng góp vào sự phát triển của ngành, qua đó góp phần quan trọng vào sự tăng tốc, phát triển của ngành. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD - tăng 106 lần so với cách đây 20 năm, đóng góp quan trọng vào kỷ lục kim ngạch XNK của cả nước năm 2019 là cán mốc 500 tỷ USD. Từ chỗ Việt Nam chưa có tên trên bản đồ thế giới về dệt may đã vươn lên vị trí cường quốc về XK, đứng thứ 3 thế giới sau Trung Quốc, Bangladesh trong lĩnh vực này. Đến nay, Hiệp hội có 487 hội viên chính thức, 500 hội viên liên kết. Hiện toàn ngành đã khoảng 7.000 doanh nghiệp, không chỉ giải quyết việc làm cho người dân tại thành phố mà còn ở những vùng núi xa xôi.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 20 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng VITAS gặt hái được nhiều thành công trong 2 thập kỷ qua, theo Thủ tướng, thời gian tới dệt may cần chú trọng hơn tới thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Đây chính là hướng phát triển bền vững cho ngành dệt may. Sản phẩm dệt may “made in Việt Nam” không chỉ có mặt ở ngoài nước mà cần ở cả trong nước. Ngành cũng cần tự chủ hơn về nguyên liệu, giảm gia công, bớt phụ thuộc vào nguyên liệu từ bên ngoài.

Thủ tướng cũng nêu mục tiêu cho ngành là đến năm 2030 phấn đấu xuất khẩu đạt 110 tỉ USD, có ít nhất 30 thương hiệu Việt Nam đóng góp trong thương hiệu dệt may thế giới, là top đầu thế giới về sản lượng, chất lượng, doanh số và lao động.

"Muốn thực hiện điều đó, ngành cần có tinh thần tự cường trong phát triển, hướng đến sự phát triển bền vững, thịnh vượng trong thế giới công nghiệp. Dệt may Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ hoài bão và quyết tâm như 2 đội bóng tham dự SEA Games",Thủ tướng nhấn mạnh.

Để thực hiện được mục tiêu này, theo người đứng đầu Chính phủ, VITAS cần tiếp tục làm tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị gia tăng cao, các chuỗi giá trị toàn cầu, tổ chức phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của hội, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao năng lực chuyên môn, tham gia các chương trình phát triển kinh tế văn hóa xã hội của đất nước.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận