Hiệp định thương mại CPTPP: Làm gì để tận dụng được lợi thế?

Việc tham gia Hiệp định này Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường.

Hiệp định này sẽ giúp Việt Nam ứng phó với diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới với chiều hướng bảo hộ thương mại của các nền kinh tế lớn gia tăng.

GDP có khả năng tăng thêm 1,32%

Sau 7 năm với 40 vòng đàm phán, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được cho là trắc trở, khó đoán định nhất lịch sử sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 31/12/2018.

Tại phiên thảo luận vừa qua, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và cho rằng đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chất lượng cao và khá toàn diện với mức độ cam kết sâu nhất từ trước tới nay. Quá trình đàm phán và ký kết CPTPP được chuẩn bị kỹ lưỡng qua nhiều năm. Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, việc tham gia Hiệp định này là động lực giúp Việt Nam nâng cao nội lực, đa dạng hóa thị trường để ứng phó với diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới với chiều hướng bảo hộ thương mại của các nền kinh tế lớn gia tăng. Tham gia Hiệp định, GDP của Việt Nam có khả năng tăng thêm 1,32% tính đến năm 2035, trong trường hợp đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ, GDP có thể tăng thêm 2,01%. Với mức độ cam kết của các nước trong CPTPP, các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 4,04% và nhập khẩu tăng thêm 3,8% vào năm 2035; tổng số việc làm tăng thêm hàng năm từ 20.000 đến 26.000 lao động. Hiệp định CPTPP sẽ giúp ta có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, từ đó giúp ta nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế. Việt Nam có điều kiện rất tốt để thu hút đầu tư FDI của 10 thành viên còn lại. Thông qua thành viên của hiệp định, là các nước có nền kinh tế phát triển cao, hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, chúng ta sẽ học tập, trao đổi kinh nghiệm để hoàn thành hệ thống pháp luật nước ta, cũng như việc quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Thái Bình cho rằng, Hiệp định CPTPP là cơ hội mở rộng thương mại đầu tư với 3 thị trường mới đầy tiềm năng ở châu Mỹ, nâng cấp và làm sâu sắc thêm mối liên hệ cộng hưởng với 7 thị trường còn lại, trong đó có nhiều đối tác chiến lược quan trọng của chúng ta. Đây là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, có thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, là đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường, bảo đảm sự phát triển tự chủ và bền vững. Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, xung đột và chiến tranh thương mại leo thang thì những cơ hội này càng quý giá. “Chúng ta kỳ vọng nhiều vào cơ hội hoàn thiện thể chế từ hiệp định này, các cam kết tiêu chuẩn cao của nền thương mại hiện đại là động lực và áp lực đẩy nhanh tiến trình cải cách hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy cạnh tranh”, đại biểu Lộc khẳng định.

Thách thức không nhỏ

Bên cạnh những thuận lợi trên, các đại biểu không khỏi băn khoăn, lo lắng khi chúng ta phải đối diện với những thách thức về kinh tế, pháp luật thể chế xã hội, thu ngân sách, lao động, an toàn, an ninh thông tin… Nguy cơ hàng hóa của 10 nước còn lại sẽ tràn vào Việt Nam, nhất là hàng công nghệ cao và nông nghiệp từ những nước như Nhật Bản, Australia, Canada...

Đại biểu Thạch Phước Bình, Trà Vinh lo ngại, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không chỉ đề cập các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại mà còn xử lý những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước. Hiệp định còn đặt ra yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Điều đó cũng là một thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài sẽ diễn ra quyết liệt ngay tại thị trường trong nước, trên cả 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia. Tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà. Khả năng thích nghi của các doanh nghiệp Việt Nam với kinh tế thị trường còn kém nên nguy cơ thất bại của các doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa cũng vì thế mà tăng.

Trước những thách thức trên, nhiều đại biểu đã “hiến kế” để có thể tận dụng được những lợi thế có được khi tham gia CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất là những tác động bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Bắc Giang cho rằng, Chính phủ cần tăng cường tận dụng các cơ hội để phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ những rủi ro, có các phương án chủ động ứng phó, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực. Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành, vùng kinh tế; liên kết hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ nông dân để tập trung ruộng đất có quy mô phù hợp với loại hình sản xuất mà ở đó người nông dân được sản xuất trên chính mảnh đất của mình được hưởng thành quả trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; liên kết giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp, hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp.

Chùm ý kiến:

Đại biểu Hoàng Văn Cường, TP Hà Nội: Quan trọng là chúng ta cần làm rõ xem chúng ta hành động như thế nào để có thể tận dụng được những lợi thế mà chúng ta đã chỉ ra và hạn chế thấp nhất những tác động bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước… Muốn tham gia được, rõ ràng hàng hóa phải đảm bảo có sức cạnh tranh, đồng thời phải đủ điều kiện để được tham gia. Chính vì vậy, một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là phải có lộ trình nhanh chóng, sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ các nước mà không phải là các quốc gia trong khối để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này, khi đó chúng ta mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ.

Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng, Hải Dương: Cần tổ chức tập huấn để giúp doanh nghiệp thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển. Hiệp định CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho những doanh nghiệp chủ động xây dựng và điều chỉnh chiến lược kinh doanh chung và dài hạn, chú trọng nghiên cứu đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao trình độ nhân lực, quản trị doanh nghiệp, tận dụng tối đa hỗ trợ của nhà nước. Bên cạnh đó, Chính phủ trong đó Bộ Công Thương là đầu mối chủ yếu, chủ động xúc tiến thương mại và đầu tư, lựa chọn thị trường và đối tác để bổ sung nguồn vốn và tiếp cận công nghệ hiện đại từ các tập đoàn kinh tế lớn, tham gia có hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bình luận

    Chưa có bình luận