Giải cứu

Không phải có dịch Covid-19 mới có làn sóng 'giải cứu' nông sản, mà vài năm gần đây đã có tới chục lần cộng đồng phải lên tiếng kêu gọi 'giải cứu'

Không phải có dịch Covid-19 mới có làn sóng “giải cứu” nông sản, mà vài năm gần đây đã có tới chục lần cộng đồng phải lên tiếng kêu gọi “giải cứu” từ thanh long đến dưa hấu, từ cam đến vải, từ lợn đến gà, rồi trước đó là cá da trơn, tôm sú, hành tím..v..v…Riêng trong dịch Covid-19 này còn có thêm hai sản phẩm được xếp vào hạng nông sản cao cấp lâu nay, là sầu riêng và tôm hùm. Cứ nông sản nào không xuất khẩu được là hô “giải cứu”. Và người tiêu dùng vừa thấm nhuần câu “người trong một nước phải thương nhau cùng”, vừa tranh thủ tiêu dùng khi có được mức giá tốt, nên suy cho cùng, có vẻ như “đôi bên cùng có lợi”.

          Thế nhưng không phải lúc nào mặt hàng “giải cứu” cũng xứng đáng được sự quan tâm như thế. Đã từng có không ít lời phàn nàn vì dưa hấu “giải cứu” nhạt, thanh long chua, cam ủng, sầu riêng lép... Thậm chí, những người có kinh nghiệm còn chỉ ra rằng ngay cả trong đợt “giải cứu” tôm hùm đang diễn ra hiện nay, tôm hùm xanh đang được bán với giá của tôm hùm bông là loại có giá trị cao hơn rất nhiều, hay nói cách khác, những con tôm hùm đang được người tiêu dùng trong nước vui vẻ mua về không thuộc diện “giải cứu”.

Đã có người đặt câu hỏi: nếu hàng hóa này xuất khẩu ra nước ngoài, liệu uy tín hàng Việt Nam có bị ảnh hưởng hay không? Giải pháp tối ưu nhất cho tiêu thụ nông sản có phải là “giải cứu” hay không?

Câu trả lời về lý thuyết thì ai cũng biết: muốn nông sản tránh khỏi tình trạng “mất mùa được giá, được mùa mất giá” thì phải thực hiện theo đúng trình tự là khảo sát nhu cầu thị trường, lập quy hoạch cây trồng vật nuôi hợp khí hậu, thổ nhưỡng để đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nâng cao năng lực chế biến nông sản… Nhưng thực tế, không có nhiều địa phương, doanh nghiệp thực hiện được một cách nghiêm túc quy trình này. Tâm lý dễ làm khó bỏ, chạy theo phong trào khiến cho những năm gần đây, danh sách nông sản cần “giải cứu” cứ dài mãi ra.

Có một nghịch lý nữa là khi nông sản được mùa mất giá thì người tiêu dùng được kêu gọi chung tay “giải cứu”, còn khi cung thấp hơn cầu thì không có ai nghĩ đến việc “giải cứu” người tiêu dùng. Biến động giá thịt lợn năm 2019, trước và sau dịch tả lợn châu Phi, là một ví dụ. Người tiêu dùng hoàn toàn có quyền thắc mắc khi phải mua thịt lợn với giá rất cao sau dịch.

Sự thiếu tuân thủ quy hoạch trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản tiếp tục khiến kinh tế nông nghiệp thêm nhiều bấp bênh. Xét ở một khía cạnh nào đó, “cơn bão” Covid-19 cũng là một cơ hội để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, để các cơ quan quản lý, nhà nông và doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về kinh tế thị trường, để có thể thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu ngành hàng và thị trường xuất khẩu cũng như cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bởi nếu không làm được điều đó, nông sản xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bão táp qua đi./.

Bình luận

    Chưa có bình luận