Đối mặt với đứt gãy

Dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô… là những ngành hàng đang phải đối mặt với nguy cơ tạm dừng sản xuất nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài...

Dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp ô tô… là những ngành hàng đang phải đối mặt với nguy cơ tạm dừng sản xuất nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tại các quốc gia bạn hàng lớn của nước ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Nguyên nhân do kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài.

Cho dù có lạc quan cho rằng đây là một cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc, tăng tính chủ động… thì thực tế ngay trước mắt vẫn là nguy cơ đình trệ của một số ngành sản xuất, một bộ phận doanh nghiệp. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, hơn một nửa số doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu 30 - 40% nguyên phụ liệu từ nước ngoài, phần lớn là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, nên trong tình hình hiện nay Hiệp hội dự báo sản xuất công nghiệp sẽ không có khả năng tăng trưởng. Ngay cả những cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp lâu nay vẫn có thị trường chính ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… và nguyên liệu là nguồn sẵn có trong nước như mây, tre, nứa, gốm sứ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong 2 - 3 tháng tới do thiếu lao động, chi phí vận chuyển tăng, các quốc gia nhập khẩu kiểm soát gắt gao xuất xứ hàng hóa… Dự báo các mặt hàng này sẽ bị giảm 10 - 15% doanh thu so với cùng kỳ.

Đã từng có những gợi ý cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, mở rộng thị trường... nhưng theo phản ánh của các doanh nghiệp đây là điều không dễ dàng. Không dễ bởi tới thời điểm này đã có khoảng 1/3 số quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có người nhiễm Covid-19 và hầu hết các nền kinh tế đều gặp khó khăn chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.  Ngay cả khi xuất khẩu thuận lợi, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ hợp đồng và với tính chất gia công là chủ yếu thì nguyên vật liệu vẫn phải nhập theo yêu cầu của đối tác.

Chuỗi cung ứng đang bị thắt chặt là cụm từ được Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh Mark Carney nói về thực tế đang diễn ra trên toàn thế giới. Các quốc gia đều phải tính toán phương án vừa phòng chống dịch vừa duy trì kinh tế và sẵn sàng với nguy cơ kinh tế xuống dốc. Các ngân hàng trung ương của châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh đều đã sẵn sàng những kịch bản của riêng mình để đối phó với Covid-19.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng liên tiếp có những cuộc họp với các bộ ngành để bàn phương án phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngân hàng nhà nước có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Tuy nhiên, cần thận trọng trước bài toán nới lỏng tiền tệ, bởi nếu quyết định vội vàng sẽ rất khó kiểm soát được lạm phát. Trong bối cảnh dịch Covid-19, thắt chặt chi tiêu từ cấp quốc gia đến doanh nghiệp, thậm chí đến từng hộ gia đình, tránh lãng phí tài nguyên vẫn là giải pháp nên làm nhất./.

Bình luận

    Chưa có bình luận