Các nước bơm thêm tiền: Liều thuốc cứu nền kinh tế giữa đại dịch

  • 30/03/2020 02:50:00
  • Vũ Anh Tuấn
  • Kinh tế
  • 0

Các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia… đã khởi động kế hoạch chi tiền nhằm cứu trợ nền kinh tế vốn lao đao trong cơn bão đại dịch.

 

Trong cuộc họp báo công bố gói hỗ trợ trị giá 1,1 tỷ AUD (khoảng 676 triệu USD) cho những người làm việc trong lĩnh vực y tế và những đối tượng dễ bị tổn thương, Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, khoản tiền này được dùng dành cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như các hỗ trợ cho hệ thống an sinh xã hội để giúp đỡ người chịu nhiều tổn thương do những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, trong cộng đồng từ các biện pháp mà chính phủ đưa ra nhằm đối phó với dịch Covid-19.

Ngoài những hỗ trợ này, chính phủ Australia và Ngân hàng Trung ương đang nghiên cứu để tiếp tục bổ sung các hỗ trợ về thu nhập cho những người lao động đang gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh. Theo Thủ tướng Morrison, đây sẽ là gói hỗ trợ lớn nhất so với các gói hỗ trợ mà Chính phủ nước này đưa ra thời gian vừa qua.

Ngoài Australia, hàng loạt quốc gia như: Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... gần đây đã công bố kế hoạch cứu trợ nền kinh tế khỏi chìm sâu vào suy thoái. Phản ứng của Chính phủ các nước trong đại dịch này được đánh giá là nhanh nhẹn và rộng khắp chưa từng thấy.

Nhiều nước đã lên kế hoạch chi tiền nhằm cứu trợ nền kinh tế vốn lao đao trong cơn bão đại dịch. (Ảnh minh họa: KT)

Các nhà lãnh đạo G20, đại diện cho nhóm nền kinh tế lớn nhất thế giới - hôm 26/3 đã tuyên bố rằng, họ sẵn sàng làm "bất cứ điều gì" để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và khôi phục tăng trưởng toàn cầu. Trong một tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết gói kích thích kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD.

Ở phạm vi quốc gia, các nền kinh tế chịu khủng hoảng mạnh giữa đại dịch Covid-19 cũng có những động thái đầu tiên để giảm thiểu thiệt hại.

Theo đó, trưa ngày 27/3 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành gói cứu trợ kinh tế lớn nhất lịch sử Mỹ, chi 2.000 tỷ USD để ứng phó với đại dịch Covid-19. Nhờ đó, Chính phủ sẽ có thể cấp tiền và trợ cấp thất nghiệp cho người dân, chuyển tiền đến các tiểu bang và thiết lập quỹ cứu trợ dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trong mùa dịch.

Để đánh dấu cột mốc này, Tổng thống Donald Trump cảm ơn "Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã kề vai sát cánh và đặt nước Mỹ lên trên hết", đồng thời hy vọng, gói cứu trợ sẽ dọn đường cho quá trình phục hồi kinh tế.

“Tôi nghĩ rằng, chúng ta sẽ có một sự phục hồi mạnh mẽ vào cuối năm nay. Đây sẽ là một sự phục hồi mạnh mẽ nhất mà chúng ta chưa từng thấy trước đây. Bạn có thể thấy và cảm nhận nó”, Tổng thống Donald Trump nói.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết, Chính phủ nước này đã dành 330 tỷ bảng Anh (khoảng 398 tỷ USD) cho các khoản vay đối với các doanh nghiệp.

“Tôi tin rằng, những gì chúng ta đã làm, là một trong những biện pháp can thiệp kinh tế quan trọng nhất trong lịch sử nước Anh và bất kỳ Chính phủ nào khác trên thế giới cũng làm thế. Bất chấp những bước đi phi thường này, sẽ có những thời điểm thử thách phía trước. Các biện pháp chúng tôi đưa ra sẽ hỗ trợ hàng triệu gia đình, doanh nghiệp và những người tự kinh doanh vượt qua được giai đoạn khó khăn, trở nên mạnh mẽ và đoàn kết hơn”, ông Rishi Sunak cho hay.

Hiện giờ, các doanh nghiệp nhỏ tại Anh có thể được hỗ trợ tới 25.000 bảng Anh để sống sót qua cơn khủng hoảng. Ngoài ra, Bộ trưởng Sunak cho biết, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), đơn vị chịu áp lực nặng nề suốt nhiều tuần qua và đối mặt nguy cơ quá tải sẽ nhận được "bất kỳ nguồn lực nào" mà họ cần.

Italia, Tây Ban Nha đều là hai quốc gia giàu có và có nền y tế hàng đầu thế giới nhưng cũng là các ổ dịch lớn nhất châu Âu.

Để giảm bớt thiệt hại, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã công bố gói cứu trợ trị giá hơn 200 tỷ euro (khoảng 219 tỷ USD), bao gồm cung cấp các khoản vay, tín dụng, viện trợ trực tiếp cho hàng loạt doanh nghiệp và người lao động. Khoản cứu trợ này tương đương với 20% GDP quốc gia. Italia cũng thông qua khoản viện trợ kinh tế 25 tỷ euro (khoảng 28 tỷ USD). Tuy nhiên, Thủ tướng Conte cho biết, khoản cứu trợ này chưa đủ để chữa lành nền kinh tế bị tổn thương nghiêm trọng và đang gấp rút thảo luận để đưa ra những biện pháp tiếp theo.

Đến nay, Trung Quốc đã công bố gần 117 tỷ nhân dân tệ (khoảng 16,4 tỷ USD) tiền cứu trợ và kích thích tài chính, cộng với 800 tỷ nhân dân tệ (khoảng 112,5 tỷ USD) giảm thuế phí. Nhưng nếu cần thiết, nước này rất có thể sẽ chi hàng nghìn tỷ USD để củng cố nền kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét gói kích thích kinh tế trong những tuần tới, có thể chi 30.000 tỷ yên (khoảng 272 tỷ 200 triệu USD) để phát tiền cho người dân và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ./.

Vũ Anh Tuấn/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận