Cần đường sắt tốc độ cao

  • 17/11/2018 12:00:00
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao với nguồn vốn huy động từ các nguồn lực xã hội,các thành phần kinh tế

 

Đường sắt Việt Nam lạc hậu nhất thế giới       

Mặc dù, được xây dựng và phát triển sớm nhưng đến nay, trải qua 130 năm, đường sắt Việt Nam không những không phát triển thêm mà còn “ngủ quên” trong lạc hậu. Có thể nói, nếu như chuyến tàu đầu tiên khởi hành vào ngày 20/7/1885 thì đến nay qua 130 năm, các chuyến tàu của thời đại 4.0 vẫn chưa có thay đổi gì nhiều. Trong khi, Trung Quốc đã có 16.000 km đường sắt cao tốc, Malaysia có 1.650 km đường sắt đôi, điện khí hóa. Nhật Bản có 19.600 đường đôi điện khí hóa, 3.000 km đường sắt cao tốc, Hàn Quốc có gần 2.000 km đường điện khí hóa, 650 km đường sắt cao tốc thì Việt Nam chưa có đường sắt đôi, vẫn chạy bằng dầu diesel và chưa có km nào đường sắt cao tốc… Qua 130 năm, đường sắt Việt Nam vẫn vận hành trên hệ thống đường sắt khổ đơn cũ kĩ với khổ đường 1000mm vẫn chiếm 83% hệ thống đường sắt cả nước, 100% trên đường chính tuyến Bắc Nam. Đặc biệt, trong khi các phương tiện khác đều áp dụng công nghệ để bứt phá thì Ngành đường sắt vẫn “đứng im” với công nghệ của hơn 100 năm trước. Quy trình đón tàu theo cách thủ công vẫn lặp đi lặp lại 130 năm qua và không có gì thay đổi: nhận tín hiệu xin đường của tàu, bật chuông cảnh báo, thổi còi hướng dẫn xe cộ, kéo gác chắn... Đây cũng là lý do vì sao các chuyên gia nhận định, hạ tầng đường sắt Việt Nam hiện lạc hậu vào bậc nhất thế giới.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch hội đồng thành viên, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, trên các tuyến đường sắt quốc gia có tới 5.719 vị trí giao cắt đường bộ-đường sắt. Trong đó có tới 1.519 đường ngang và 4.200 lối đi tự mở. Hạ tầng đường sắt đường đơn, khổ 1m đã quá lạc hậu, tuổi trung bình của các đầu máy, toa xe đã trên 30 năm. Hệ thống thông tin đường sắt tuy đã có đầu tư một số ga, tuyến nhưng chưa đồng bộ...

Điều này dẫn đến nghịch lý, đường sắt Việt Nam từ phương tiện xương sống của hệ thống giao thông Việt Nam, chiếm lĩnh khoảng 30% thị phần vận tải thì nay giảm chỉ còn dưới 1% thị phần. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ & Môi trường Quốc hội, Phan Xuân Dũng, cho biết, vận tải đường sắt giữ vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông Việt Nam, đóng góp to lớn trong xây dựng đất nước. Tuy nhiên, đến nay giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập như: kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp; đường đơn khổ rộng 1 mét trên thế giới hầu như không dùng; hệ thống tín hiệu nhiều thế hệ, năng lực thông qua thấp; có nhiều điểm giao cắt đồng mức với đường bộ gây mất an toàn; công nghệ thông tin trong hoạt động hầu như chưa được ứng dụng... Vì vậy, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ giúp tăng thị phần vận tải hành khách, giải quyết được nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.

Làm đường sắt tốc độ cao bằng vốn tư nhân

Mới đây Bộ GT-VT vừa công bố báo cáo cuối kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (nối Hà Nội với TP.HCM). Theo đó, tổng mức đầu tư ước tính là 58,71 tỷ USD, nhu cầu sử dụng đất là 7.875 ha. Dự án được đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP), trong đó Nhà nước đầu tư hạ tầng với tổng vốn chiếm 80%. Vốn nhà đầu tư huy động bằng khoảng 20% tổng vốn dự án để mua sắm thiết bị đoàn tàu và khai thác hoàn vốn. Nhà nước sẽ đầu tư phần hạ tầng tới đỉnh ray và hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị nhà ga. Còn nhà đầu tư sẽ mua sắm đoàn tàu, khai thác, duy tu, bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng cho Nhà nước.

Khi được hỏi về phát triển đường sắt tốc độ cao, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đường sắt vận chuyển khối lượng hàng hoá lớn, giá thành thấp nên có ưu thế nhất định. Ngoài điều kiện tự nhiên có chiều dài trải dài từ Bắc đến Nam, thì đường sắt của chúng ta có tuổi đời hơn trăm năm, công nghệ rất lạc hậu cho nên không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nhưng năm gần đây. Vì thế, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến đường sắt Bắc - Nam, cụ thể là đường sắt tốc độ cao.

Trong bối cảnh nợ công còn cao thì việc huy động số vốn hàng chục tỷ USD để xây dựng đường sắt tốc độ cao là việc vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, theo các đại biểu, dù khó cũng phải làm, thực hiện từng bước một và cùng nhau giải quyết bài toán vốn cho đường sắt tốc độ cao. Ví dụ, ngoài nguồn lực nhà nước đầu tư cho hệ thống đường ray thì cũng nên thu hút thêm nguồn vốn của xã hội để đầu tư nhà ga, cảng cạn kết nối với đường sắt và cảng biển… Xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng là chủ trương đúng đắn, không muốn nói là không thể khác khi nguồn lực từ ngân sách ngày càng hạn hẹp.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Nguyễn Quang Dũng, tỉnh Quảng Nam cho hay, trên thực tế hai tuyến Hà Nội - Vinh, TP. HCM - Nha Trang có nhu cầu đi lại rất lớn. Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư cho tuyến đường sắt này theo hình thức BT là rất khả thi. Còn những đoạn khác Nhà nước phải làm.

Đại biểu, Phạm Tất Thắng, tỉnh Vĩnh Long cho rằng, chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam ở thời điểm này là bắt buộc phải quan tâm. Tuy nhiên để nó thành hiện thực, thì rõ ràng là một bài toán mà chúng ta phải giải bởi vốn đầu tư cho đường sắt là rất lớn. Với nguồn lực ngân sách như hiện nay nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì sẽ rất khó. Vì thế theo ông Thắng, chủ trương xã hội hoá thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam là hợp lý. Nhà nước, Chính phủ, cơ quan quản lý phải tìm ra các giải pháp, đề xuất những cơ chế có thể tạo điều kiện để hút các thành phần kinh tế khác. Nhà nước nên đầu tư mang tính chất “mồi”, khởi động thì sẽ thúc đẩy được xã hội hoá tốt hơn nhiều. Đặc biệt khi các doanh nghiệp thấy hấp dẫn về mặt lợi ích họ sẽ đầu tư.

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, tỉnh Quảng Nam:

Quan điểm cá nhân tôi là chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao là cần thiết. Các nhà kinh tế đã tổng kết đường sắt là một trong những phương tiện vận chuyển lớn và quan trọng nhất. Cần đầu tư cho đường sắt nhưng thông qua kêu gọi xã hội hoá. Quá tình đầu tư này, chúng ta phải phát huy được những mặt tích cực, hạn chế tiêu cực từ quá trình xã hội hóa đầu tư thì người dân mới đồng tình. Trong điều kiện hiện nay không thể làm toàn tuyến mà chủ trương của Chính phủ sẽ làm từng đoạn như làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận