Giá điện cần giảm mạnh và kịp thời hơn

  • 02/04/2020 01:34:34
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Việc Bộ Công Thương đề xuất giảm giá điện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp là động thái cần thiết trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.

 

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/4/2020, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép giảm giá điện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Giá điện sinh hoạt các bậc thang từ 1 đến 4 sẽ được giảm 10% trong 3 tháng. Dù chậm nhưng đây là động thái cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Điện chiếm 35 - 40% chi phí

Anh Trần Minh ở Trung Yên, Hà Nội cho biết, từ sau Tết đến nay, 2 đứa con của anh nghỉ học. Vợ anh là giáo viên mầm non tư thục nên cũng nghỉ không lương từ sau Tết đến nay. Bản thân anh, lương cũng bị cắt giảm còn 50%, gia đình anh sống dựa vào 50% lương của anh nên rất khó khăn.“Cả nhà 4 người ở nhà cả ngày nên sử dụng điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với trước. Biết là dịch bệnh, bắt buộc phải ở nhà nhưng lương thì giảm, tiền điện nước thì tăng, cuộc sống thật vất vả”, anh Minh than.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, hai chỉ số giá điện và nước tăng mạnh thời gian gần đây cho thấy người dân đang nghỉ việc tại nhà, thu nhập giảm sút, nhưng gánh nặng chi phí sinh hoạt hằng ngày như điện và nước là hai sản phẩm thiết yếu thì tăng gấp rưỡi, gấp đôi.

Giá điện cần giảm mạnh và kịp thời hơn để chia sẻ sự khó khăn với người dân và doanh nghiệp.

Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến người dân mà tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp với gánh nặng từ chi phí giá điện. Bà Chu Thị Thu Thủy - Phó tổng giám đốc, Tổng công ty may Bắc Giang -chia sẻ, doanh nghiệp dệt may tốn rất nhiều năng lượng trong đó có điện. Hàng tháng công ty bà phải chi trả gần 1,4 tỷ đồng tiền điện. Nên nếu được giảm sẽ mong muốn giảm sớm và giảm trước vì lượng điện doanh nghiệp sử dụng rất lớn và giá rất cao. Chi phí điện của công ty hiện chiếm 1% trên tổng doanh thu. “Nếu không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế quốc gia thì nên giảm giá điện cho toàn dân.Còn không,nên giảm trước cho doanh nghiệp vì mức giá điện của doanh nghiệp đang cao hơn mức giá của người dân”, bà Thuỷ cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Vinatex cho hay, chi phí chế biến ngành sợi, không bao gồm nguyên liệu, điện chiếm 35 - 40%. Ngành dệt, nhuộm là 30%,ngành may điện chiếm 15 - 20% không bao gồm nguyên liệu. Giảm giá điện lúc này là rất cần thiết.Nhất là đối với mức giá điện cao điểm,nếukhông áp dụng mức giá điện thời điểm cao điểm thì sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Bởi để doanh nghiệp có được đơn hàng lúc nàyrất khó. “Giảm 15 - 20% tiền điện là hỗ trợ rất quan trọng cho doanh nghiệp. Đồng thời nên có chính sách cho nộp chậm 3 tháng với doanh nghiệp”, ông Trường kiến nghị.

Cần giảm giá điện kịp thời

Mới đây các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, nhiều địa phương cũng kiến nghị giảm giá mặt hàng thiết yếu này. UBND TP.HCM trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây đề nghị Bộ Công Thương bãi bỏ quy định giờ cao điểm bán điện theo khung giờ (9h30 - 11h30), trước mắt điều chỉnh giảm 50% giá điện giờ cao điểm trong 3 tháng (tháng 3 - 5) cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Còn đại diện Hiệp hội chế biến &xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản hiện đang rất khó khăn và cố gắng cầm cự khi 30 - 40% đơn hàng xuất sang các thị trường truyền thống như EU, Mỹ... bị huỷ bỏ. Nhưng họ đang phải gánh nhiều chi phí đầu vào như điện, nước,...

Nhiều chuyên gia cho rằng, mùa hè sắp đến người dân phải ở nhà,tiền điện sinh hoạt sẽ tăng lên trong khi không có thu nhập.Việc giảm 50% tiền điện là việc cần làm ngay và là việc thiết thực giúp người dân vượt qua nạn đại dịch nguy hiểm này.Đây là lúc ngành điện cần đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, việc giảm giá điện nên được thực thi sớm.

Chiều 31/3, Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN phát đi thông báo,EVN đề xuất hàng loạt chính sách hỗ trợ tiền điện đối với các bệnh viện điều trị, cơ sở khám chữa và khu cách ly tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, EVN đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 100% tiền điện đối với các cơ sở khám chữa và khu cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời EVN cũng đề xuất hỗ trợ 50% tiền điện đối với một số cơ sở khám chữa bệnh khác mà trong đó chức năng khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của cơ sở.

Tuy nhiên,khi nào giá điện tiêu dùng của người dân được giảm là câu hỏi mà đại diện EVN trả lời chưa thuyết phục.Đây là điều khiến dư luận không khỏi băn khoăn, khi những lần tăng giá điện trước đây, ngành điện thường đưa biến động giá xăng dầu, tỉ giá như một hệ số tham chiếu.

Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/4/2020, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng cho phép giảm giá điện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Công Thương đề xuất giữ nguyên giá bậc thang từ 300kWh trở lên vì "khách hàng tiêu thụ điện ở bậc thang này là những hộ có thu nhập cao, ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19".Giá điện sinh hoạt các bậc thang từ 1 đến 4 sẽ được giảm 10% trong 3 tháng.

Ngoài điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng trình Chính phủ giảm giá điện sản xuất, kinh doanh; miễn, giảm giá điện cho các cơ sở phòng dịch.Cụ thể, giá điện sản xuất, kinh doanh cũng sẽ hạ 10% từ tháng 4 đến tháng 6.Các cơ sở lưu trú khách sạn cũng được giảm về bằng với giá điện sản xuất từ tháng 4.

Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 10% giá điện lần này chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân.Giá điện cần giảm mạnh và kịp thời hơn, trong bối cảnh doanh nghiệp, hộ kinh doanh đang phải tạm ngừng nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, người lao động phải tạm nghỉ hoặc làm việc luân phiên với 50% lương, nếu chi phí sử dụng điện quá lớn thì doanh nghiệp, người dân sẽ khó mà gồng gánh. Đây chính là lúc doanh nghiệp và người dân trông đợi sự đồng hành, sẻ chia từ ngành điện, sau nhiều lần họ đã chia sẻ với khó khăn của ngành điện trước đây./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận