Thúc đẩy doanh nghiệp phát triển để tránh nguy cơ thiếu việc làm

Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 vô cùng khó khăn, và sẽ có những 'cái chết được báo trước'

          Hình ảnh người chủ Công ty giày Huê Phong gập người xin lỗi công nhân vì không thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh cùng giọt nước mắt nghẹn ngào của những người công nhân không may mất việc làm thực sự là ám ảnh đối với người chứng kiến.

          Kết cục này hoàn toàn không bất ngờ bởi chúng ta đều biết rằng phục hồi kinh tế sau đại dịch vô cùng khó khăn, và sẽ có những “cái chết được báo trước”. Việt Nam đã xuất sắc trong nỗ lực khống chế đại dịch Covid-19 khi hơn 40 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Để đạt được kết quả này, nền kinh tế cũng phải chịu sức ép rất lớn.

           Việc chúng ta tháo bỏ giãn cách xã hội đã giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nội địa được khôi phục phần lớn. Nhưng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có liên quan đến thị trường nước ngoài, rất khó để phục hồi khi hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn đang phải gồng mình chống dịch, kinh tế toàn cầu đình trệ. Thậm chí một số doanh nghiệp chỉ hoạt động trên thị trường nội địa như các nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh, sau đại dịch Covid-19 cũng buộc phải “bỏ cuộc chơi”.

          Bức tranh ảm đạm này có thể kéo dài, và người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là người lao động trực tiếp. Chính phủ đã hỗ trợ người lao động mất việc làm, kể cả hỗ trợ bằng tiền. Nhưng từng đó vẫn là chưa đủ, vì giải pháp này cũng chỉ có thể kéo dài được 3 tháng, và ngân sách của nhà nước vô cùng hạn hẹp. Bởi vậy, giải pháp xử lý tận gốc vẫn là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp có phát triển thì người lao động mới có việc làm. Không phải ngẫu nhiên mà Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ liên tục tổ chức các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe tiếng nói của họ, tìm giải pháp tháo gỡ từng nút thắt trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

          Thế nhưng, nỗ lực của cấp Chính phủ, bộ ngành cũng sẽ thành công cốc nếu như “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”. Đã có không ít phàn nàn của cộng đồng doanh nghiệp về thái độ khó dễ của các cơ quan công quyền ở các địa phương. Vụ việc Công ty Tenma Việt Nam tố cáo cơ quan thuế, hải quan Bắc Ninh nhận hối lộ 25 triệu yên đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Nếu vụ đưa hối lộ này là có thật, thì có bao nhiêu doanh nghiệp đã từng làm việc đáng xấu hổ đó? Bao nhiêu công chức nhúng chàm, “vẽ” ra rào cản để hành doanh nghiệp?

          Giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch chỉ thực sự có hiệu quả khi doanh nghiệp dần khôi phục được hoạt động sản xuất kinh doanh, và người lao động có việc làm trở lại. Và ở đó, cơ quan quản lý Nhà nước các cấp phải thực sự đồng hành cùng doanh nghiệp chứ không phải đồng lòng hành doanh nghiệp./.

Bình luận

    Chưa có bình luận