Nhà thầu nào đủ sức làm đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất?

Ngoài kinh nghiệm thi công đường cất hạ cánh trong sân bay, nhà thầu còn phải có kinh nghiệm từng thi công ở những sân bay đang hoạt động.

 

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho hai dự án nâng cấp đường băng thực hiện theo hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu), công tác chuẩn bị triển khai hai dự án cải tạo, nâng cấp đường hạ cánh, đường lăn (đường băng) sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang được Bộ GTVT rốt ráo triển khai, nhất là việc “chọn mặt gửi vàng” nhà thầu xây lắp để kịp tiến độ khởi công vào cuối tháng 6/2020.

Đối với nhà thầu xây lắp, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, nhà thầu tham gia thực hiện dự án phải đáp ứng điều kiện năng lực của tổ chức thi công xây dựng hạng I theo quy định Nghị định 100/2018. Về số lượng thành viên liên danh, trường hợp dự án có một gói thầu liên danh không quá 5 thành viên; không sử dụng thầu phụ, trừ trường hợp gói thầu xây lắp bao gồm thiết bị có thể xem xét sử dụng tiêu chí đánh giá nhà thầu phụ đặc biệt. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) đã có báo cáo Bộ GTVT về các tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu để thực hiện hình thức giao thầu tại hai dự án cấp bách này.
Đơn vị xây lắp tại sân bay Nôi Bài và Tân Sơn Nhất được lựa chọn phải đáp ứng tiêu chí đã từng thi công mặt đường bê tông lưới thép và bê tông cốt thép.

Về kinh nghiệm thực hiện gói thầu tương tự của nhà thầu tham gia thi công đường cất, hạ cánh, tiêu chí được Cục QLXD&CLCTGT đưa ra là phải đảm bảo đã thực hiện và hoàn thành tối thiểu một hợp đồng xây dựng công trình sân bay cấp đặc biệt hoặc 2 công trình sân bay cấp I (thi công hệ thống đường cất hạ cánh hoặc đường lăn hoặc sân đỗ máy bay), với giá trị của hợp đồng tương tự lớn hơn 50% giá trị gói thầu đang xét.

“Ngoài các tiêu chí trên, để được giao thầu, nhà thầu xây lắp phải đáp ứng các điều kiện khác về nhân sự, máy móc, thiết bị và tài chính. Cụ thể, thiết bị phải đáp ứng yêu cầu gói thầu về số lượng, chất lượng, chủng loại, công suất, tính sẵn sàng để triển khai thi công phù hợp với loại công trình sân bay cấp 4E (đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay) và tiến độ hoàn thành các hạng mục,…”, ông Phạm Quốc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết.

Bên cạnh các tiêu chí đưa ra, Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) yêu cầu năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu cần phải bổ sung thêm tiêu chí: Đơn vị xây lắp được lựa chọn phải đáp ứng tiêu chí đã từng thi công mặt đường bê tông lưới thép và bê tông cốt thép.

“Điều này rất quan trọng vì thi công mặt đường không có cốt thép khác hẳn với thi công mặt đường có lưới thép”, đại diện Vụ KH-ĐT nói. Cũng theo vị đại diện Vụ KH-ĐT, ngoài kinh nghiệm thi công đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ trong sân bay, nhà thầu được lựa chọn cần phải có kinh nghiệm từng thi công ở những sân bay đang hoạt động.

“Việc thi công ở các đường băng sân bay đang hoạt động, đặc biệt là Nội Bài và Tân Sơn Nhất là vấn đề rất nan giải. Mật độ máy bay ở hai sân bay này rất lớn, nếu nhà thầu thi công không tuân thủ các quy định rất dễ xảy ra mất an toàn hàng không. Do đó, rất cần đưa thêm tiêu chí đơn vị có kinh nghiệm thi công trong những sân bay đang hoạt động”, đại diện Vụ KH-ĐT cho biết.

Xuất hiện mộ số “ông lớn” ngành giao thông ứng tuyển

Cho đến thời điểm này, dù Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long (là 2 đơn vị đại diện cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư) chưa công bố số lượng và danh tính các nhà thầu xây lắp “ứng tuyển” hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn nhất, nhưng theo tìm hiểu, do tính chất đặc thù, tiến độ thi công lại rất gấp, yêu cầu chất lượng khắt khe, yêu cầu an toàn hàng không nên số lượng nhà thầu tại Việt Nam có đủ năng lực, kinh nghiệm để đảm nhận thi công tại hai dự án này không nhiều, thậm chí đếm trên đầu ngón tay.

Trong khi đó, Tập đoàn CIENCO4, nhà thầu xây lắp lớn nhất trong lĩnh vực thi công hạ tầng giao thông tại Việt Nam vừa có thư gửi đến Bộ GTVT, Ban QLDA Thăng Long và Tổng công ty Cửu Long về việc tham gia nhận thầu xây lắp cả hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Công nhân Tập đoàn CIENCO4 thi công đường băng sân bay Nội Bài.Đáng chú ý, trong hồ sơ “ứng tuyển” của CIENCO4, số lượng dự án, công trình hạ tầng sân bay do nhà thầu này từng đảm nhiệm thi công có tính chất tương tự như hai dự án nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất (sân bay vừa thi công, vừa khai thác) được liệt kê lên tới 11 công trình, dự án. Điển hình là gói thầu trị giá 1.283 tỷ đồng thi công 3.048m đường cất hạ cánh, 951m đường lăn với khối lượng bê tông xi măng lên tới 111.668m3 tại dự án đường cất hạ cánh số 2 - Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (hoàn thành tháng 1/2019).

Một dự án tương tự là gói thầu thi công xây dựng hệ thống đường lăn và sân đỗ máy bay, cung cấp, lắp đặt hệ thống chiếu sáng sân bay Phú Quốc (1.387,5m đường lăn, 9.590m2 sân đỗ máy bay) trị giá 874 tỷ đồng được CIENCO4 thi công trong 16 tháng (từ tháng 3/2016 - 7/2017),…

Một lãnh đạo CIENCO4 nói: “Chúng tôi đã gửi thư xin tham gia nhận giao thầu cả hai dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Các tiêu chí đánh giá nhà thầu xây lắp của cả hai dự án từ năng lực, kinh nghiệm, máy móc, thiết bị đến nhân sự, tài chính CIENCO4 đều đáp ứng yêu cầu”.

“Chúng tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng để triển khai ngay nếu được giao thầu. Về tài chính, trong quá trình thi công nếu ngân sách chưa cấp đủ cho dự án, CIENCO4 sẽ bỏ vốn trước để triển khai, đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành theo yêu cầu của Bộ GTVT và Chính phủ”./.

Phi Long/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận