Thanh Hóa: Quảng bá tiềm năng, thế mạnh nổi bật

  • 19/06/2020 02:13:36
  • Thu Thùy - Bùi Cư
  • Kinh tế
  • 0

Với những thành công từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

 

Với những thành công từ Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Những dự án được cấp phép, số vốn được ghi nhớ đầu tư là những con số ấn tượng để Thanh Hóa tự tin hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra trong giai đoạn 2015 - 2020.

Phát huy thế mạnh nổi bật

Nằm ở Bắc Trung bộ, cách thủ đô Hà Nội 150km về phía Nam, với chiều dài 102km bờ biển và diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, Thanh Hóa có nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản phong phú, là điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, du lịch.

Những năm qua, trên cơ sở phát huy nội lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt 12,6%/năm, gấp 1,6 lần bình quân cả nước; cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng, thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 12,3%.

Đặc biệt năm 2019, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có bước đột phá mới, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay; trong đó, tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 21,87%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.325 USD.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có gần 16.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 2.200 dự án đầu tư trực tiếp, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 650 nghìn tỷ đồng; trong đó, có 129 dự án đầu tư trực tiếp FDI đến từ 20 nước trên thế giới (như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Singapore, Canada, Đức, Anh, Bỉ, Hungary, Australia…), với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,2 tỷ USD. Thanh Hóa là tỉnh xếp thứ 8 của Việt Nam về thu hút vốn FDI và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu trong nước... đó là những con số minh chứng cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn của tỉnh.

Thanh Hoá hội đủ các yếu tố về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, an ninh trật tự,... để các nhà đầu tư lựa chọn làm nơi đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững với quan điểm nhất quán và cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 được tổ chức trong 2 ngày 12 và 13/6/2020 với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương cùng đại diện các tập đoàn, các tổng công ty, các ngân hàng, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong cả nước sau khi Việt Nam cơ bản khống chế được đại dịch bệnh Covid-19, Chính phủ công bố hết giãn cách xã hội, đưa cuộc sống và hoạt động sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường mới.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 là sự kiện hết sức quan trọng, có phạm vi ảnh hưởng và sức lan tỏa lớn trong thu hút đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế trong nước và của tỉnh Thanh Hóa chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, cần nguồn lực rất lớn và tinh thần doanh nhân vượt qua thử thách để thúc đẩy phát triển.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mong muốn, Thanh Hóa sẽ tiếp tục phát huy có hiệu quả cao nhất tiềm năng, lợi thế, phấn đấu năm 2020 đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế xã hội và đến năm 2025 Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước.

Để làm được điều đó, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Thanh Hóa cần khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện.

Hội nghị xúc tiền đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2020

Thành công nhờ đồng hành cùng doanh nghiệp

Trong thời gian qua, nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã và đang đầu tư có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, từng bước khẳng định được vị trí, thương hiệu trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều dự án lớn, trọng điểm, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Long Sơn, Quần thể Khu du lịch sinh thái FLC, Khu đô thị Trung tâm thành phố Thanh Hóa...

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, Thanh Hóa tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết số 02 của Chính phủ, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau…

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Thanh Hóa cần kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc theo tinh thần doanh nghiệp phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất, từ tìm hiểu, lập dự án đầu tư đến cả quá trình sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, cần phát huy vai trò đầu tàu, động lực, sức lan tỏa tích cực của các dự án lớn trong Khu kinh tế trọng điểm Nghi Sơn, đặc biệt là dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn để đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành công nghiệp sau lọc hóa dầu, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, năng lượng sạch, phát triển dịch vụ logicstic, nông nghiệp công nghệ cao...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng khẳng định: “Khi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, tỉnh Thanh Hóa luôn thực hiện “2 đồng hành”, “3 cam kết”. Theo đó, Thanh Hóa đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng nhà đầu tư khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư. Khi nhà đầu tư lựa chọn được địa điểm, Thanh Hóa vẫn tiếp tục đồng hành với nhà đầu tư trong việc giải quyết thủ tục hành chính, kể cả những thủ tục thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương.

Khi nhà đầu tư đã quyết định đầu tư, tỉnh Thanh Hóa sẽ chủ động thực hiện “3 cam kết”, đó là: Cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của nhà đầu tư; Cam kết đầu tư hạ tầng đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án; Cam kết đồng hành với nhà đầu tư, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư và vận hành thương mại của dự án.

Với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Thanh Hóa phát triển”, tỉnh Thanh Hóa luôn hoan nghênh, chào đón các nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư và quyết định đầu tư tại Thanh Hóa. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Thanh Hóa.

Trong 34 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và ký ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ USD có 19 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (22.300 tỷ đồng), phát triển hạ tầng, đô thị (25.500 tỷ đồng), du lịch (7.340 tỷ đồng), nông nghiệp và y tế (1.600 tỷ đồng)...

Tại hội nghị, tỉnh Thanh Hóa đã ký biên bản ghi nhớ đầu tư 15 dự án với các nhà đầu tư đang nghiên cứu triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 285.000 tỷ đồng, tương đương 12,5 tỷ USD. Đại diện lãnh đạo tỉnh đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác với đại diện Tập đoàn FLC để mở thêm 2 đường bay mới: Thanh Hóa - Quy Nhơn và Thanh Hóa - Phú Quốc trong thời gian tới./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận