Cơ hội nào cho da giày, dệt may 6 tháng cuối năm?

  • 16/07/2020 09:12:37
  • Ánh Phương
  • Kinh tế
  • 0

Dệt may và da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực và chịu nhiều tác động từ dịch Covid -19. Ước tính trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may sẽ giảm 8,5 tỷ USD, ngành da giày sẽ giảm 5,5 tỷ USD.

 

Dệt may giảm 8,5 tỷ USD

Bộ Công Thương đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 bùng phát, dệt may là một trong những ngành bị thiệt hại nặng nề. Cụ thể theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), ngành dệt may mất tới 50% đơn đặt hàng trong tháng 5. Bên cạnh đó, sự phục hồi của nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu giảm có thể khiến giá sản phẩm dệt may trên toàn thế giới giảm 20%. Ước tính trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may của Việt Nam sẽ giảm 8,5 tỷ USD so với mức 39 tỷ USD đạt được của năm 2019,

Số liệu thống kê cho thấy, sản xuất dệt tháng 6 tăng 4,3% so với tháng 5 (cùng kỳ tăng 2,5%). Tính chung 6 tháng đầu năm tăng 2,8% (cùng kỳ tăng 11,5%). Sản xuất trang phục tháng 6 tăng 17,5% so với tháng trước, nhưng tính chung 6 tháng vẫn giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2019 (cùng kỳ tăng 8%). Lý giải nguyên nhân sụt giảm này, Bộ Công Thương cho rằng, ảnh hưởng của dịch Covid -19, 6 tháng đầu năm, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán làm cho các doanh nghiệp trong ngành gặp nhiều khó khăn. Lượng đơn hàng bị hủy, hoãn đều chủ yếu tập trung trong khoảng thời gian tháng 5, tháng 6.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, trước tình hình khó khăn này, các doanh nghiệp dệt may đã thực hiện chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh. Cụ thể, chuyển sang một số mặt hàng có khả năng tiêu thụ cao như đồ bảo hộ lao động, khẩu trang vải; hay trong lĩnh vực thời trang, thay vì xuất khẩu mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp khi đầu ra bế tắc, doanh nghiệp chuyển hướng sang may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống.…

Theo Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, hiện nay kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu mặc dù tới 41,3 tỷ USD, nhưng mới chỉ chiếm khoảng 2% của thị phần tại thị trường này. EVFTA có hiệu lực thì hơn 99% xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế quan ưu đãi 0% trong vòng 7 năm đầu. Riêng quy mô nhập khẩu hàng dệt may hàng năm hơn 250 tỷ USD, EU là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 2,7%, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực rất triển vọng. Dự báo kim ngạch xuất khẩu dệt may vào EU sẽ tăng nhanh khoảng 67% đến năm 2025.

6 tháng xuất khẩu da giày chỉ bằng 50%

Năm 2019, da giày, túi xách đóng góp 22 tỷ USD vào tổng kim ngạch 263,5 tỷ USD của cả nước và dự kiến đặt mục tiêu xuất khẩu 24 tỷ USD trong năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của dịch covid nên xuất khẩu da giày giảm 4,8%. Phát biểu tại “Hội nghị quốc tế ngành da giày năm 2020” vừa tổ chức, ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội da giày Việt Nam (Lefaso) cho biết, tính đến tháng 6/2020, xuất khẩu da giày của Việt Nam hiện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, khi toàn bộ cửa hàng từ châu Âu sang Mỹ đều đóng cửa hàng loạt, doanh thu rơi tự do. Nếu tính riêng tháng 5/2020, xuất khẩu của ngành da giày đã giảm đến 39% so với cùng kỳ năm 2019.

Còn theo thống kê của Bộ Công Thương, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tháng 6 tăng 12,4% so với tháng trước, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch xuất khẩu giày dép các loại 6 tháng đầu năm cũng giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn kép từ cả hai phía: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu bị gián đoạn tại các thị trường xuất khẩu chính nhất là thị trường Mỹ, châu Âu. Dẫn đến kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm sâu so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương dự báo, kim ngạch xuất khẩu dệt may và giày dép trong quý 3 và quý 4/2020 sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại. Đến cuối quý II/2020, các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may, giày dép (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu) đã nới lỏng chính sách giãn cách xã hội; nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân tăng dần. Nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa theo các đơn hàng đã ký trước đây. Theo chu kỳ hàng năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may, giày dép sẽ tăng mạnh nhất vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may tại các dịp lễ, tết, Giáng sinh tăng cao.

Từ số liệu thống kê, nhiều chuyên gia nhận định, dù giảm nhưng nhìn chung kim ngạch xuất khẩu tháng 6 sang các thị trường đều có tăng trưởng dương so với tháng 5, qua đó có thể thấy xuất khẩu của Việt Nam đang trên đà hồi phục với lợi thế là quốc gia sớm kiểm soát tốt dịch bệnh. Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để có thêm khách hàng, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu ngay khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế tại các thị trường xuất khẩu chính.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận