CẦN BẢO ĐẢM CAM KẾT, BÌNH ĐẲNG VỚI DU KHÁCH

Có doanh nghiệp không giữ cam kết với khách hàng, những người đang hưởng ứng để dịch vụ du lịch và hàng không sớm vượt qua cơn bĩ cực.

 

Dịch covid – 19 ảnh hưởng nặng nề đến dịch vụ du lịch và hàng không. Hướng dẫn viên, nhân viên du lịch, khách sạn, nhà hàng không có việc làm. Hình ảnh hàng chục máy bay đứng im ở vị trí nằm chờ thật sự lo lắng. Để phục hồi, chúng ta đang có khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Đây là chủ trương đúng, đáng tiếc là có doanh nghiệp không giữ cam kết với khách hàng, những người đang hưởng ứng để dịch vụ du lịch và hàng không sớm vượt qua cơn bĩ cực.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những cuộc họp bàn, chỉ đạo thực hiện các giải pháp để tháo gỡ, từng bước khôi phục hoạt động trở về trạng thái bình thường mới cho ngành hàng không, du lịch, dịch vụ. Các hiệp hội du lịch, hàng không cũng tổ chức các cuộc họp với các doanh nghiệp thành viên cùng nhau đánh giá, xác định khó khăn, hạn chế, thuận lợi, cơ hội, chia sẻ, hỗ trợ, “bắt tay nhau”, liên kết hình thành sản phẩm trọn gói hợp lý, tốt nhất để nhanh chóng khôi phục lại thị trường du lich, hàng không. Trong những cuộc giãi bày, trăn trở, nặng lòng, đầy tâm huyết, nhân ái này có những câu nói cũng xanh rờn, rất trách nhiệm của một số doanh nghiệp, doanh nhân: giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ để khuyến khích, kích cầu tiêu dùng, du lịch. Chia sẻ mạnh mẽ hơn, chủ trương “người Việt Nam đi du lịch trong nước” cũng được phát động, vận động lan tỏa đến người dân khắp cả nước. Tiêu dùng cũng là một trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế.

Sau khi Chính phủ nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội, tuy còn quan ngại, lo lắng, nhưng nhiều người đã mạnh dạn đi du lịch các điểm nổi tiếng trong nước. Những chuyến đi này đáp ứng nhu cầu cá nhân, nhưng ẩn sâu trong đó có ý nghĩa góp phần khôi phục hoạt động của ngành du lịch, hàng không, vận chuyển, dịch vụ. Khách du lịch tăng dần tại các sân bay, khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch, bãi tắm biển, danh lam, thắng cảnh, di tích… tại thời điểm này, học sinh phổ thông được nghỉ hè, số người đi du lịch lại tăng lên đột biến. Số tuyến bay, chuyến bay, mở lại, tăng thêm được thông báo cứ diễn ra hằng ngày. Đây là điều đáng mừng.

Một nhóm du khách đi tour ở Quy Nhơn - Bình ĐịnhNhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang về những lời nói đẹp đẽ của một số doanh nghiệp, doanh nhân, vừa qua, nhiều du khách đã bất bình đến bức xúc vì những vi phạm cam kết, hợp đồng tua du lịch của một số hãng lữ hành. Những vi phạm đó thường xảy ra ở những thông báo muộn sát nút về thay đổi quá đáng giờ bay, một số điểm tham quan, trải nghiệm, chất lượng bữa ăn, cơ sở lưu trú, thiết kế tua bất hợp lý điểm đến đầu cuối trùng lặp tốn thời gian, làm đảo lộn, bị động cho du khách. Những thiệt hại này do doanh nghiệp gây ra, nhưng các du khách phải hứng chịu tuyệt đối, vì họ luôn ở thế yếu, tiền tua trọn gói đã nộp hết vào tay doanh nghiệp lữ hành rồi, không dễ gì doanh nghiệp trả lại tiền về những lỗi mà mình là tác nhân.

Một ví dụ là mới đây có đoàn khách du lịch 27 người từ Hà nội và Thái Nguyên mua tua của một công ty du lịch lữ hành Hà Nội có thương hiệu, logo “ #GROUP ” đính trên mũ vải phát tặng du khách. Thời gian bốn ngày, ba đêm, từ ngày 9 đến 12 – 7 – 2020. Những điểm tham quan, du lịch nằm ven biển từ thành phố Quy Nhơn (Bình Định) đến thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). Lộ trình, du khách bay từ Hà Nội đi Tuy Hòa, ngày 9 – 7, chuyến bay VJ449, giờ bay 11 giờ 35 phút, giờ đến 13 giờ 15 phút, khách được ô- tô đưa về Quy Nhơn (khoảng gần 100 km) nghỉ ngơi, từ Quy Nhơn, khách được bố trí ô- tô đi tham quan các điểm du lịch ven biển ngược về Tuy Hòa, kết thúc ở đây, bay về Hà Nội ngày 12 – 7, chuyến bay VJ448, giờ bay 16 giờ 10 phút, giờ đến 17 giờ 50 phút.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Thời gian bay từ Hà Nội vào Tuy Hòa về cơ bản không có thay đổi nhiều. Nhưng thời gian bay từ Tuy Hòa ra Hà Nội mãi đến cuối chiều ngày 11 – 7, hướng dẫn viên Trần Thông mới thông báo cho đoàn khách du lịch biết là giờ bay đã bị đẩy ngược trở lại năm tiếng là bay 11 giờ trưa (sớm năm tiếng đồng hồ), ngày 12 – 7, chuyến bay VJ 446, gây bức xúc cho cả đoàn, cảm thấy hẫng hụt như bị lừa đảo. Điều đáng nói là công ty lữ hành không có một lời xin lỗi, giải thích, trao đổi, thương lượng, hướng bồi thường, mà xem đây như một điều mặc nhiên, du khách, khách hàng phải chấp nhận. Thông thường chuyến bay bị trễ thêm giờ, chứ không bị đẩy bay sớm hơn nhiều giờ. Đây cũng là một loại lỗi vi phạm phi truyền thống hiếm gặp. Hậu quả, du khách bị động về thời gian, mất năm giờ thăm thú, mua hàng, trải nghiệm miền đất lạ và bữa cơm trưa ngày 12 – 7. Nhờ có anh Hùng, trưởng nhóm Thái Nguyên có nhiều kinh nghiệm đi du lịch, điện thoại phản ánh, đấu tranh mạnh mẽ đòi quyền lợi chính đáng với lãnh đạo công ty lữ hành, đoàn du khách mới được công ty trả lại bữa ăn trưa nhẹ trên máy bay. Tất nhiên, chuyến bay về Hà Nội vẫn là 11 giờ. Công ty lữ hành cho biết, chuyến bay bị đẩy ngược sớm năm giờ do lỗi của hãng hàng không VIETJET AIR, đơn vị buộc phải chấp nhận vì bị phụ thuộc. Vậy là “ cái bắt tay ” giữa doanh nghiệp hàng không và du lịch đã bị tha hóa. Chất lượng dịch vụ vì thế mà trở nên quá tệ.

Ghềnh Đá Đĩa - Phú Yên

Bản chất kinh doanh là lợi nhuận, nên công ty hàng không hay du lịch đều có những điều chỉnh nhất định trong vận hành để có lợi nhuận tối đa, gây nên cái tệ, khó chịu, thiệt thòi cho khách hàng. Nhưng đừng để đến mức quá tệ, phụ bạc du khách, khách hàng như một số hãng hàng không, du lịch trong thời gian qua. Đạo đức kinh doanh là cần bảo đảm các cam kết, bình đẳng giữa đơn vị cung cấp dịch vụ và khách hàng.

AN VŨ

 

Bình luận

    Chưa có bình luận