Từ 15/10/2020, bán hàng xách tay có thể bị phạt đến 200 triệu đồng

  • 15/09/2020 11:10:29
  • VOVGIAOTHONG.VN
  • Kinh tế
  • 0

Từ 15/10, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng.

 

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì từ ngày 15/10, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Còn tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 - 100 triệu đồng.

Thậm chí, mức phạt này có thể tăng lên gấp đôi tuỳ theo trường hợp cụ thể. Trong khi đó, hiện việc kinh doanh hàng xách tay là rất phổ biến và được ưa chuộng trên thị trường. Đối thoại với PV VOV Giao thông về vấn đề này, Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch chia sẻ:

PV: Thưa luật sư, xét về vấn đề pháp lý, khi nào hàng xách tay được coi là hàng nhập lậu?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Hàng lậu là hàng vận chuyển qua biên giới mà không khai báo thủ tục hải quan đầy đủ.

Đây là hành vi bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm và cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu. Tuy nhiên, khi Nghị định 98 sắp tới có hiệu lực thì mức xử phạt được nâng lên. Theo tôi điều này cũng phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.

Đặc biệt là với tình trạng buôn bán hàng xách tay một cách tràn lan trên thị trường. Họ lợi dụng hàng xách tay, hàng miễn thuế để đưa hàng về qua những đường tiểu ngạch, không khai báo hải quan.

Điều này dẫn tới tình trạng Nhà nước thất thu thuế, không kiểm soát được chất lượng của những mặt hàng này. Chính vì vậy, việc nâng mức xử phạt theo tôi là phù hợp.

PV: Theo quan điểm của luật sư, để hạn chế được tình trạng hàng xách tay nhập lậu, cơ quan chức năng cần có giải pháp nào trong thời gian tới?

Luật sư Trần Tuấn Anh: Đầu tiên, chúng ta cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát lại các kênh bán hàng online. Có như vậy chúng ta mới hạn chế được tình trạng buôn bán lậu.

Chúng ta có thể truy xuất ra được những cơ sở nào đang thực hiện, sau đó tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và công khai các cơ sở thì nó sẽ mang tính chất răn đe, giáo dục, phòng ngừa vi phạm chung.

Ngoài ra, cần tăng cường hoạt động giáo dục, tuyên truyền pháp luật đối với những người bán hàng online lậu rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý rất nặng.

PV: Vâng, xin cảm ơn luật sư!

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận