Hỗ trợ doanh nghiệp hậu Covid - cần cách thức mới

Gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động chỉ có 01 doanh nghiệp đủ điều kiện vay và đến nay vẫn chưa giải ngân được

 

Gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0% để hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động chỉ có 01 doanh nghiệp đủ điều kiện vay và đến nay vẫn chưa giải ngân được. Trước đó, gói tín dụng theo Thông tư 01/2020 của Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19 cũng chỉ có khoảng 20% số doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận. Phải chăng, cần có cách thức phù hợp hơn để đồng hành cùng doanh nghiệp?

Tiền có vẫn khó người vay

Phải có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4/2020 đến hết 30/6/2020; doanh nghiệp không có nợ xấu tại ngân hàng tại thời điểm ngày 31/12/2019, doanh nghiệp phải chứng minh đang gặp khó khăn về tài chính, không có nguồn thu; doanh nghiệp đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc... đây là những điều kiện khiến các doanh nghiệp hầu như không thể tiếp cận được gói 16.000 tỉ đồng, mặc dù nhu cầu vay vốn là có thật. Thậm chí đã có ý kiến cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu cho vay này, doanh nghiệp phải trở thành “xác sống”, vì khi không có doanh thu, không còn quỹ dự phòng thì sự tồn tại của doanh nghiệp cũng chỉ là "cái xác" mà thôi.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), thành phố có 470.000 DN, trong đó có gần 8,8% là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng Chính sách xã hội đã chuẩn bị sẵn nguồn tiền của gói tín dụng 16.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động theo quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được các khoản vay này.

Công ty Du lịch Việt (TPHCM) cho hơn 90% lao động dừng việc nhưng cũng không thể vay gói hỗ trợ trả lương này do các quy định không sát thực tế.  Ông Trần Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt, cho biết: “Trong thời gian nghỉ việc vẫn trả 50% lương cho người lao động là cái khó. Các công ty du lịch có đến 90% lao động nghỉ việc, nhà nước cho vay lãi suất 0% nhưng khó vay. Việc chuẩn bị hồ sơ vay thì thông tư, quy định chưa được hướng dẫn rõ ràng nên hướng dẫn như thế nào cho các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay tốt nhất”. 

Doanh nghiệp dệt may - da giày gặp khó khăn nếu không có việc làm

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho rằng: “Trong giai đoạn này đa phần doanh nghiệp tập trung tìm việc làm cho người lao động, có việc làm thì mới trả lương. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, khó hoàn thiện hồ sơ để chứng minh khó khăn của mình vì họ chưa có kinh nghiệm, không am hiểu về thủ tục nếu không được tư vấn và hướng dẫn cụ thể”.

Một doanh nghiệp giấu tên cho biết: Chính sách này có quá nhiều hàng rào kỹ thuật, ràng buộc khiến doanh nghiệp không thể vượt qua. Một là phải đủ thời gian tối thiểu 30 ngày, trong khi thời gian đóng cửa hoàn toàn (giãn cách xã hội) chỉ kéo dài 3 tuần, từ 1/4/2020 đến 22/4/2020. Khi đã nới lỏng giãn cách thì chắc chắn doanh nghiệp, người kinh doanh, người lao động phải tìm cách bươn ra kiếm sống chứ không thể ngồi im trông chờ gói hỗ trợ của Chính phủ. Mà như vậy lại vướng vào điều kiện khó khăn thứ hai là doanh nghiệp phải không có nguồn thu thì mới được hỗ trợ. Đó là chưa kể một yêu cầu không hợp lý khác là trong thời gian nghỉ việc vẫn trả 50% lương cho người lao động. Các doanh nghiệp cho rằng, nếu như có đủ kinh phí để trả 50% lương cho người lao động thì doanh nghiệp đã không cần đến gói hỗ trợ đó.

Ông Mạc Quốc Anh

Ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội: Phải cắt giảm thủ tục và điều kiện:

Chúng ta chuyển từ hỗ trợ sang kích thích mà vẫn làm theo cách vừa qua thì không phù hợp với thực tiễn. Bởi vì bản thân các doanh nghiệp và người nhận hỗ trợ, đặc biệt là người lao động, đã rất khó khăn rồi, nếu phải đủ điều kiện mới được vay vốn thì sẽ rất ít người, ít doanh nghiệp có thể tiếp cận, có đổi tên cũng không giải quyết được vấn đề. Cần tập trung cho những doanh nghiệp đang thu hút đông lao động, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, ví dụ như ngành dệt may - da giày. Nên khoanh vùng các đối tượng doanh nghiệp, ngành nghề đang chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19. Cần tạo cơ chế thúc đẩy hoạt động thị trường để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp. Chính phủ, các bộ, ngành nên có trích lập quỹ dự phòng rủi ro, bảo lãnh tín dụng để khơi thông dòng vốn. Như vậy thì sẽ bảo đảm được an toàn vốn và lãi suất cho vay các doanh nghiệp. Tôi nghĩ đó là bài toán mang tính tổng thể và lâu dài hơn.

          Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cũng cho rằng, Thủ tướng cần chỉ đạo rà soát các chính sách đã ban hành trong gói kích thích kinh tế lần 1 để điều chỉnh, giảm tải các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà, bất hợp lý.

 

Cần một gói kích thích doanh nghiệp

            Tính đến thời điểm này, Chính phủ đã chia ra 4 gói hỗ trợ riêng biệt với tổng trị giá thực (chính là tổng chi phí mà Chính phủ và hệ thống các tổ chức tín dụng cam kết bỏ ra) ước tính khoảng 181,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3% GDP năm 2019, bao gồm: gói hỗ trợ tài khóa; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng; gói hỗ trợ an sinh xã hội và các gói hỗ trợ khác. Gói hỗ trợ tài khóa theo Nghị quyết 41, gồm các biện pháp cho phép miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất tính đến ngày 31/7/2020 đạt khoảng 56.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 31,2% quy mô gói hỗ trợ. Theo lý giải của Tổng cục Thuế, nguyên nhân tiếp cận gói hỗ trợ trên còn chậm là do các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, không có doanh thu, hoạt động cầm chừng; một số đã nộp tiền thuế thu nhập DN năm 2019 ngay trong quý I/2020 hoặc trả tiền thuê đất từ đầu năm nên số tiền còn phải nộp không nhiều hoặc không có nhu cầu giãn, hoãn. Cùng với đó là tâm lý e ngại thủ tục rườm rà nên doanh nghiệp không mặn mà. Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, việc gia hạn thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ và chỉ được gia hạn trong trường hợp không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.

          Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, đánh giá:  “Nhìn chung, công tác chi trả về cơ bản đã đảm bảo đúng đối tượng, song tiến độ còn rất chậm. Trong đó, gói 16.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được do điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn; Quy trình, thủ tục còn phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều doanh nghiệp e ngại; Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tự xoay xở". Theo đánh giá của TS Cấn Văn Lực, trong 4 gói hỗ trợ, thì gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại triển khai rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục…

          Trước thực tế này, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đặt vấn đề: "Mặc dù ngân sách eo hẹp nhưng Chính phủ cũng đã dành một nguồn lực đáng kể hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên vì những điều kiện giải ngân được quy định quá khắt khe, bộ máy cũng chưa phải là sáng tạo và tích cực lắm, cho nên là doanh nghiệp thì chết mà tiền thì của Chính phủ lại không đến được để "cứu" được doanh nghiệp. Tôi nghĩ đây là một trường hợp rất đáng tiếc và rất mong Quốc hội sẽ chất vấn và làm rõ trách nhiệm của bộ ngành nào trong tình hình nước sôi lửa bỏng mà lại không thực hiện được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế: Cần cắt giảm các điều kiện không cần thiết và đẩy mạnh chính phủ số, kinh tế số:

Chính phủ đã giảm thuế, giãn thời gian phải chi trả các khoản tín dụng. Tuy vậy rất nhiều doanh nghiệp cần có tiền để trả lương cho người lao động, khôi phục hoạt động, nhưng lại rất khó tiếp cận các gói ưu đãi. Điều này đòi hỏi bộ máy phải sâu sát, nắm bắt được khó khăn của doanh nghiệp chứ không phải vẽ ra những thủ tục rườm rà, bất khả thi. Tôi rất mong là các hiệp hội sẽ nhập cuộc và lên tiếng để làm cho các quyết định được đưa ra một cách thiết thực. Bộ máy Nhà nước cần cắt giảm rất mạnh điều kiện kinh doanh, các yêu cầu về tài liệu, chứng từ để có thể thực hiện được gói hỗ trợ của Nhà nước. Cần phải chuyển mạnh sang Chính phủ số, tránh đòi hỏi thêm những chi phí mà người dân và doanh nghiệp lâu nay vẫn còn phản ánh. Các gói hỗ trợ của Chính phủ cần có trọng tâm trọng điểm. Doanh nghiệp cũng cần chuyển mạnh sang kinh tế số.

          Bên cạnh việc làm rõ trách nhiệm của từng bộ ngành thì cần rất nhiều giải pháp cụ thể để thực sự kích thích doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là hỗ trợ. Nhiều chuyên gia cho rằng: Nhà nước nên hướng đến ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp còn hoạt động. PGS.TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng phân tích: Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Nhà nước cần xác định cứu những doanh nghiệp có tác động lan tỏa, có sức kéo vớt nền kinh tế, doanh nghiệp còn khỏe để sau đó họ quay sang cứu những doanh nghiệp yếu hơn trong hệ sinh thái, vì Nhà nước không đủ ngân sách cứu tất cả doanh nghiệp.

          Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đề xuất: Đối với các gói đang được triển khai thì cần phải có sự điều chỉnh ngay điều kiện, thủ tục để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các gói hỗ trợ, để chính sách được ban hành không chỉ nằm trên giấy. Việc điều chỉnh cần phải theo hướng mở rộng đối tượng, giảm thiểu điều kiện, điều kiện tối thiểu phải phù hợp với các nhóm doanh nghiệp cũng như với thực tế. Chính phủ cần có sự bảo đảm để tất cả doanh nghiệp được tiếp cận các gói hỗ trợ mà không cần phải chứng minh, hay bất kỳ một tiêu chí nào khác.

          Kích thích sự phát triển mang tính chất chủ động hơn, tác động nhiều hơn tới thực tiễn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, không còn trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước một cách thụ động. Nhưng nếu không thực sự thay đổi về cách thức triển khai thì dù có gọi tên gì cũng chỉ là "bình mới, rượu cũ", nỗ lực tháo gỡ khó khăn của Chính phủ vẫn không đến được với người dân và doanh nghiệp./.

PGS.TS Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Nới lỏng tín dụng, miễn giảm thuế phí   

Cần tập trung hơn vào các giải pháp: Tiền tệ (nới lỏng các điều kiện tín dụng, miễn và giảm giảm lãi); Tài khóa (miễn giảm thuế phí, giảm phí BHXH, giảm các chi phí hạ tầng) v.v. Các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, tuy nhiên cần ưu tiên hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này. Cần phân loại, đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp để hỗ trợ. Chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương bởi dịch bệnh, có hệ thống quản trị tốt để có thể vượt lên sau đại dịch. Kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn các khoản được giãn, hoãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh một cách bền vững. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng và minh bạch về thủ tục cũng như đối tượng được hưởng các gói chính sách. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận