So sánh

Nhiều đặc biệt quá là cái đặc biệt sẽ trở thành bình thường.

- Tôi biết ông dị ứng với lối nói chuyện so sánh, nhưng có những thứ không so sánh không thể nhận thức rõ ràng, cứ mờ mờ ảo ảo ông à.

- Nói cụ thể chứ ông nói kiểu ấy có so sánh vẫn mờ ảo.

- Ví dụ như chất lượng không khí ở Thủ đô, cứ nói là xấu nhưng mọi thứ chìm trong sương mù. Cái này phải so sánh với 10-20 năm trước, so sánh với dăm ba năm gần đây. Phải tính toán cân đong xem ô nhiễm do xây dựng bao nhiêu phần trăm, công nghiệp bao nhiêu phần trăm, rồi phương tiện giao thông nhả khói tới mức nào, đốt than tổ ong, xả rác bừa bãi ảnh hưởng ra sao…

- Ôi giời, riêng chuyện môi trường có so sánh nữa cũng chẳng rõ ràng! Hầu hết người ta cho rằng người khác gây ô nhiễm, chứ mấy người tự điều chỉnh hành vi để gìn giữ môi trường chung? Theo tôi, muốn số đông làm theo chẳng cần nói nhiều, cứ học tập các nước như Hà Lan hay Nhật Bản ấy, Thủ tướng đương nhiệm hay cựu Thủ tướng đều đi xe đạp.

- Đường sá nước họ chứ đường sá nước mình đi xe đạp đâu có ổn?

- Ờ, ông so sánh đường sá là đúng, nhưng không chỉ đường sá mà còn ý thức chấp hành luật, trình độ tổ chức giao thông,… và kể cả thói sĩ diện hão khi so sánh số xe, nhòm nhau biển xanh hay biển trắng…

- So với những nước văn minh cái gì mình chả kém, còn lâu mới theo kịp.

- Thế mà có thứ theo kịp rồi đấy.

- Thứ gì?

- Ví dụ nhé, khi cần tăng giá điện giá xăng là những vị có trách nhiệm nói rằng phải làm cho ngang bằng thế giới.

- Riêng giá cả thường xuyên phải so sánh ông à, bởi thời buổi 4.0 thế giới phẳng hơn, xu thế thương mại toàn cầu đòi hỏi như vậy.

- Ông nói không sai, nhưng nếu vậy nên so sánh cả thu nhập, tiền lương nữa.

- Thu nhập, tiền lương là chuyện khác.

- Chả có gì khác, đó là giá cả sức lao động.

- Nhưng đây là giá cả hàng hóa đặc biệt.

- Đặc biệt, đặc biệt, ông hiểu thế nào là đặc biệt? Muốn thấy rõ cái nào đặc biệt cần so sánh toàn diện, đong đếm cụ thể mà không tách nó ra ngoài tổng thể. Nhiều đặc biệt quá là cái đặc biệt sẽ trở thành bình thường.

- Bình thường, vậy sao ông phản đối chuyển lương vào tài khoản của vợ ông?

- Tôi không phản đối, mà tôi cho rằng cái riêng tư ấy không nên qui định trong luật. Luật cụ thể quá khi thực hiện lại bất cập. Ví dụ thêm về việc thưởng Tết, qui định như luật mới là không tính đến lợi ích của số đông người lao động.

- Có tính đấy, nhưng để cho giới chủ tính toán. Còn người lao động, theo tôi là họ có phần yên tâm vì không cần hoặc… không còn cơ hội so sánh nữa ông à./.

Mic

Bình luận

    Chưa có bình luận