Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng: 'Tôi chờ sự đột phá'

Là một trong những cây bút trẻ gặt hái nhiều giải thưởng năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã đóng góp một giọng thơ sâu sắc và tươi mới về đề tài biển đảo...

 

Niềm vui trách nhiệm

 Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đã gặt hái một số thành công đáng kể trong năm qua. Anh có thể chia sẻ niềm vui này?

Nói một cách rất công dân thì đây là một niềm vui trách nhiệm. Hai tập thơ và trường ca được ghi nhận, là kết quả của chuyến đi công tác Trường Sa năm 2014 và một số chuyến đi thực tế các đơn vị biên phòng, hải quân, hậu cần… trong những năm qua. Tập thơ mới nhất - “Mùa biến động” là những ấn tượng và nghiền ngẫm trong mùa cách ly, giãn cách xã hội mà cả xã hội gồng lên để chống chọi với dịch bệnh, cùng những suy tư về các vấn nạn đời sống: thiên tai, tàn phá thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa thô bạo, phai nhạt bản sắc, vấn đề không ngừng cảnh giác trong bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc. Tôi rất hào hứng và xúc động khi hòa nhịp những sáng tác mang dấu vết ngôn ngữ, tìm tòi và sáng tạo của mình với những vấn đề chung, vấn đề nổi cộm trong xã hội, cộng đồng.

Bằng một nỗ lực của cả sự đổi mới thơ ca và dành mối quan tâm đối với các vấn đề xã hội, cộng đồng, tôi cho rằng đó là một hướng đi để văn học nghệ thuật gần gũi, cập nhật hơn với đời sống. Đồng thời, cũng là thách thức về mặt nghệ thuật, đòi hỏi nhiều sáng tạo đối với văn nghệ sĩ trong việc thể hiện, đưa hiện thực bộn bề với nhiều điều trông thấy và cả ở đằng sau, ẩn sâu trong nó, vào tác phẩm của mình. 

Sự chuyển biến của các cây viết trẻ từ các giải thưởng, cuộc thi, hoạt động sáng tác gần đây có điều gì đáng mừng không, thưa anh?

Trong sự tiếp nhận, tiếp xúc của mình với các đồng nghiệp, bạn bè sáng tác, tôi thấy nhiều kết quả của sự nhiệt tình lao động rất đáng trân quý. Như nhà thơ Lữ Mai với trường ca “Ngang qua bình minh” vừa được giải Ba giải thưởng của Hội về biển đảo, biên giới; nhà thơ Nguyễn Minh Cường với trường ca “Lòng tôi biên giới” vừa ra mắt, cùng được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác với trường ca của Lữ Mai năm 2020; nhà thơ Khúc Hồng Thiện với tập thơ mới nhất “Còn tin ở phía con người”, nhiều trăn trở về nhân tâm, nhân ái, nhân văn trong xã hội; nhà văn Nguyễn Văn Học có nhiều cuốn sách ra đời, tâm huyết với đề tài bảo vệ thiên nhiên, môi trường… Tôi được đọc một số tác phẩm của các nhà văn, tác giả trẻ giành giải qua một số giải thưởng thường niên hay cuộc thi viết một hai năm gần đây như Vũ Thanh Lịch, Phan Đức Lộc, Bùi Việt Phương..., cảm thấy ấn tượng và trân trọng về mối quan tâm của mọi người đối với văn hóa, lịch sử dân tộc, chất liệu dân gian vùng miền… cả ở việc khai thác đề tài cũng như việc tìm tòi, sử dụng chất liệu để sáng tác. Nhiều tác giả khác, như: Đồng Chuông Tử, Hoàng Công Danh, Hoàng Thụy Anh, Nguyễn Thị Thùy Linh, Hoàng My, Kim Nhung… cũng thể hiện sinh động và dồi dào tình yêu của họ với người và đất quê hương, với văn hóa truyền thống và không gian sống mà họ gắn bó, nương dựa, với những suy tư của họ về đời sống bộn bề hôm nay, về đời sống nội tâm phức tạp của con người…

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng là một trong những cây bút trẻ gặt hái nhiều giải thưởng năm 2020.Ý thức đồng hành mạnh mẽ của nhiều văn nghệ sĩ

“Mùa nhớ - thơ những ngày giãn cách” là một ấn phẩm khá đặc biệt, tập hợp những sáng tác mới của các cây bút viết trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh Covid-19. Nhà xuất bản Văn học đã dành toàn bộ số tiền bán sách để ủng hộ đồng bào miền Trung. Góp mặt trong tập thơ này, anh có điều gì muốn chia sẻ chăng?

Tập thơ này, và một số tập thơ, văn xuôi, tranh, ảnh, nhạc… được xuất bản nhanh, sớm trong năm 2020, giữa các đợt dịch, trong diễn biến phức tạp và ghê gớm của dịch bệnh, cũng như rất nhiều xáo trộn đời sống, lòng người, cho thấy ý thức đồng hành mạnh mẽ của nhiều văn nghệ sĩ, tác giả. Tiếp đó trong những đợt bão lũ khốc liệt, đã có nhiều sáng tác ra đời, cùng lên tiếng cổ vũ tinh thần, nhìn thẳng vào thực trạng và tiếp tục cảnh báo nguy cơ của sự hủy hoại thiên nhiên, nguy cơ của lòng tham, sự vô trách nhiệm với môi trường… Đã có lúc tôi băn khoăn về vai trò, tiếng nói của tác phẩm văn nghệ trong những bối cảnh ngặt nghèo, khốc liệt như thế. Liệu nó có đủ mạnh, liệu nó có được coi trọng, có thiết thực, có góp phần vun đắp nên sức mạnh trong lòng người, trong hy vọng của con người. Nhất là trong những khi đồng tiền, bát gạo, thùng mì, chiếc khẩu trang, chiếc áo phao, chiếc máy lọc nước, những viên thuốc, bộ quần áo… là cần thiết hơn cả. Nhưng mong muốn sáng tác cứ dấy lên trong mình, rồi bạn bè, đồng nghiệp văn chương, báo chí cũng nao nức viết, đăng tải, phát sóng… để cùng nghĩ ngợi, suy tư, cảnh giác, cảnh báo về những vấn nạn, thì tất cả như một dòng chảy khiến mình cảm thấy không nên mặc cảm, không nên coi nhẹ giá trị của những tác động thẩm mĩ cho đời sống tinh thần. Mỗi điều kiện vật chất hay tinh thần đều có sự cần thiết và hoàn cảnh áp dụng, sử dụng nó. Vấn đề là anh có viết được thuyết phục, viết một cách khích lệ và thức tỉnh về những điều hệ trọng, cấp bách của xã hội, của cộng đồng hay không.   

Là người đồng hành với các cây bút trẻ, anh có tin vào sự đột phá, sáng tạo của đội ngũ này không?

Đang có nhiều sáng tạo và tôi cũng chờ những đột phá. Nếu chúng ta ở những khía cạnh khác nhau của người làm nghề, làm phong trào, làm tổ chức góp thêm sức cho những chuỗi sáng tạo thì càng tuyệt vời!

Năm 2020, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng đoạt giải Khuyến khích giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí của Bộ Quốc phòng 5 năm 2014 - 2019 cho tập thơ “Cột mốc trong người”; trường ca “Nước non mặt biển” được giải Nhì giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cho các tác phẩm đề tài biên giới và biển đảo từ năm 1975 đến nay; xuất bản tập thơ mới “Mùa biến động”

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

        Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận