Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi là người đi ngang qua cánh đồng hội họa'

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đã tự nhận như vậy khi ông chia sẻ về triển lãm tranh cá nhân đầu tiên của mình mang tên 'Người thổi sáo' diễn ra từ ngày 7-15/1

 

Muôn  hình vạn trạng người thổi sáo

Triển lãm gồm gần 60 bức tranh với các chất liệu sơn dầu, màu nước, pastel rất bắt mắt với hòa sắc đẹp và bố cục lạ. Hầu hết tranh được nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) vẽ trong 3 năm gần đây, một số bức khác được mượn lại của những người đã sở hữu chúng. Tên triển lãm “Người thổi sáo” liên quan đến một câu chuyện trong đời thật của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đó là những ngày tháng ông mang một nỗi phiền muộn mà không thể thoát ra được. Một sáng có một người thổi sáo mù đi qua nơi ông ngồi uống cà phê. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã cầu khẩn người thổi sáo mù thổi cho ông một khúc nào đó mà người thổi sáo mù muốn thổi nhất. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Đó không phải là câu chuyện lạ lùng gì. Nhưng điều lạ lùng là khi nhìn vào đôi mắt người đàn ông mù, ông như chợt thấy “có một đôi mắt khác mở ra”. Chính cái linh giác ấy khiến Nguyễn Quang Thiều quay trở lại hội họa, với những bức tranh người thổi sáo thành một vệt như ám ảnh.

Tác phẩm của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều.

Trong triển lãm này, Nguyễn Quang Thiều vẽ muôn hình vạn trạng người thổi sáo, khi thì đứng dưới gốc cây, khi đang ngồi, lúc như đang bay. Và hình ảnh cây sáo cũng lặp đi lặp lại nhiều lần qua tưởng tượng khác nhau của ông. Với Nguyễn Quang Thiều, hội họa không đơn thuần là trò chơi thị giác mà là nơi để cảm xúc lên ngôi. Ông vẽ một cách tự nhiên, không học hỏi bài bản về hình họa, không có phác thảo. Ông đứng trước toan và quết nhát màu đầu tiên lên toan và cứ thế cuốn theo màu sắc ấy. Có thể những bức tranh của ông là một văn bản khác của thơ ca. Ông đọc thơ để vẽ và vẽ để rồi làm thơ. “Có cái gì tôi vẽ cái đấy, nghĩ cái gì tôi vẽ cái đấy, tôi vẽ từ thơ của tôi. Có những lúc tôi không biết vẽ gì, tôi đọc một bài thơ, bài thơ đó vang lên và tôi nhìn thấy một hình ảnh nào đó là tôi vẽ” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bộc bạch.

Vẽ để đời sống của mình dài rộng hơn

Ấn tượng hơn cả ở những tác phẩm tại triển lãm vẫn là màu vàng - màu sắc đã dẫn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đi vào thế giới đầy mê đắm của nó và không bao giờ rời xa như chia sẻ của ông “Tôi chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị, cuốn mình đi. Một trong những màu đó là màu vàng, một miền hoa cải bên quê kéo tôi đi. Và tôi cứ vẽ, cứ vẽ và đến một ngày nghĩ rằng mình làm một cái gì đó, bày ra như một cuộc vui, ra một cuốn sách”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ để thấy đời sống của mình dài rộng hơn

Họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn thân thiết của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, chính sự tự do trong sáng tác đã đem lại vẻ hồn nhiên trong tác phẩm hội họa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Nói cách khác, cuộc đi ngang cánh đồng hội họa của ông là một trải nghiệm tinh thần cho cả nghệ sĩ và người xem. Tuy nhiên, khi nhìn nhận về tranh của Nguyễn Quang Thiều thì phải đặt đúng vào điểm nhìn đó là Nguyễn Quang Thiều vẽ tranh chỉ để cho cuộc sống của mình dài rộng hơn, ông chỉ “đi ngang qua cánh đồng hội họa” chứ không phải một họa sĩ chuyên nghiệp./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận