Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền: 'Cha là người thầy hội họa đầu tiên của tôi'

Nhà văn Kim Lân có 7 người con thì 5 người đi theo con đường hội họa.

 

Trong đó, người con cả - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và người con thứ - họa sĩ Thành Chương - là hai gương mặt tiêu biểu của mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Cha là người định hướng

 Có phải người thầy đầu tiên về hội họa của chị chính là cha chị?  

Đúng vậy. Năm tôi lên 6 tuổi, sơ tán ở trên quả đồi Cháy (ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, Bắc Giang) cha tôi giao cho tôi và Thành Chương có trách nhiệm nuôi 2 con gà. Tôi nuôi con gà mái, Thành Chương nuôi gà trống. Khiddời nơi sơ tán về Thủ đô, tôi rất nhớ quả đồi tuổi thơ của mình. Nơi ấy tôi đã được gặp những văn nghệ sĩ, trí thức lớn của đất nước. Tôi cũng rất nhớ thiên nhiên và bạn bè trên đó. Nhớ đàn gà nữa. Tôi đã vẽ bức tranh tôi đứng trên quả đồi. Cha tôi hỏi “Con định đặt tên bức tranh là gì?”, tôi nói tôi lấy tên là “Đàn gà của em”, song tôi lại nói: “Thôi, con lấy tên là “Quả đồi của em”” vì thấy có ý nghĩa hơn. Tôi vẽ tôi đứng trên quả đồi đất đỏ rực, dưới chân là đàn gà. Bức tranh ấy cha tôi gửi đi triển lãm quốc tế và được giải thưởng. Đó là bức tranh đầu tiên tôi vẽ. Thành Chương cũng vẽ con gà trống đầu tiên trong cuộc đời, gửi dự thi quốc tế cũng được giải thưởng. Bắt đầu từ đấy, kể cả tôi lẫn Chương đều theo nghiệp hội họa.

Định hướng cho các con như vậy, nhà văn Kim Lân có phải là người mê hội họa?

 Cha tôi rất mê hội họa. Cụ từng theo làm nghề với họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Từ khi tôi còn nhỏ, cha đã mang về cho tôi xem những minh họa của bác Nguyễn Văn Trí. Khi bác Trí đã vào trong Nam, ở ngoài Bắc, cha tôi vẫn sưu tập những minh họa của bác, rồi đưa tôi đến học các họa sĩ lớn. Về phía gia đình bên ngoại, bác ruột tôi là Nguyễn Đăng Bảy - nhà quay phim đầu tiên của Việt Nam, cũng là một họa sĩ vẽ rất nhiều. Gien hội họa có thể từ cả nội cả ngoại cộng lại, thế nhưng để nuôi dưỡng và phát triển đam mê hội họa của tôi thì chính là cha tôi.

Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ nhiều chân dung về cha.

Cha hy sinh tài năng để bảo vệ các con

Bà vẽ nhiều chân dung nhà văn Kim Lân, có bức thì nét mặt thanh thoát hiền từ, có bức hơi góc cạnh với những đường nét ở gò má ở khuôn mặt. Bà muốn thể hiện thần thái của cha mình trên nền hội họa như thế nào?

Bức tranh đầu tiên tôi vẽ cha tôi là khoảng năm 1970. Có lẽ đó là bức cha thích nhất, đi đâu cụ cũng mang theo. Khi tôi vào Sài Gòn định cư, có lần, đoàn khách nước ngoài sang, muốn mua toàn bộ tranh của tôi. Tôi để lại bức vẽ bà tôi, con gái, cha và một người bạn. Nhưng sau đấy, họ đã bay sang 4 lần thiết tha đề nghị tôi bán nốt 4 bức tranh đó. Tôi đã xiêu lòng. Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy rất áy náy, rằng mình đã bán đi bức tranh mà cha rất thích. Nhưng cha tôi đã cho in lên lamilate và treo trong phòng làm việc. Về hình họa, có lẽ cha tôi cũng là một nhân vật dễ vẽ hay bởi vì tôi quá gần với cha. Cha tôi có một khuôn mặt với vầng trán cao rộng, cặp mắt thì rất buồn. Tôi cũng biết trong cuộc đời cha có những nỗi buồn. Cụ phải chấp nhận hy sinh phần tài năng của mình, để bảo vệ cho đàn con 7 đứa không gặp vấn đề khó khăn trong đời sống. Bởi vì lịch sử đất nước nào cũng vậy, mỗi thời đều có những thăng trầm. Cha tôi tham gia cách mạng, theo kháng chiến, sống qua thời cải cách ruộng đất, thời nhân văn giai phẩm rồi thời mở cửa. Cha tâm sự với tôi rất nhiều về những tác phẩm mà ông cụ muốn được viết, đặt bút viết rồi lại bỏ. Nhiều chuyện hay lắm, mà tiếc rằng tôi không thể ghi âm lại được. Tôi hiểu rằng trong lòng ông cụ có nhiều điều phải rất kìm nén và tôi rất thương và rất trân trọng cha mình!

Hẳn có một phần ẩn ức của nhà văn Kim Lân trong đó?

Những năm cuối đời, có lần cha gọi tôi lại, nói với tôi một câu thế này: “Con ạ, thầy mở lại tất cả các tài liệu của thầy, thầy có thể rất yên lòng và thanh thản để nói với con rằng, trong suốt những thời điểm sóng gió của nền văn học nước nhà cũng như thời kỳ mở cửa, toàn bộ quá trình lịch sử của đất nước như thế, nhưng thầy chưa hề phản bội một người bạn nào, và trong tất cả những tờ kiểm điểm của thầy thì thầy chưa hề làm điều gì không đúng với lương tâm của mình”. Cha tôi thực sự là tấm gương sống cho tôi. Lúc nào cha cũng muốn được sống với chính tấm lòng của mình một cách chân thành nhất. Cụ không viết văn vì tiền, không viết văn vì quyền, không làm bất kỳ một điều gì không phải với lương tâm. Tôi hiểu điều gò bó lớn nhất đối với cha chính là 7 người con. Cụ muốn cho chúng tôi được đi theo con đường nghệ thuật đến nơi đến chốn. Cho nên cụ đã gác lại, hy sinh tài năng của mình sang một bên để giữ gìn sự yên ổn cho chúng tôi.

Sự hy sinh đó của nhà văn Kim Lân đã được đền đáp bằng tình yêu của các con  và sự vị nể của mọi người?

 Khi tôi đọc những trang viết của những người từng biết cha tôi, dù góc nhìn khác nhau nhưng đều thể hiện lòng trân trọng. Cha tôi đã quyết liệt giữ sự thanh bạch cho đến cuối cuộc đời. Điều đó để lại cho chúng tôi ý nghĩa rất lớn. Có lần cha còn nói với tôi rằng: “Con người ta dũng cảm nhất khi dám nhận mình là hèn, nhưng có những lúc thầy đã hèn vì thầy đã không làm được như bác Trần Dần, như chú Lê Đạt, Phùng Cung… Thầy không làm được và phải chấp nhận gác bút để lại những tác phẩm nung nấu trong long”. Vì thế,  cho nên khi tôi vẽ cha, mắt cha tôi luôn có một cái gì sâu thẳm. Nhiều lúc cụ ngồi chăm chút một cái cây một cành hoa, vẻ mặt rất thanh thản. Nhưng có những lúc mặt mũi đau đáu cạu cọ và tôi biết là trong lòng cha có những niềm rất đau./.

 

Cảm ơn họa sĩ đã chia sẻ!

Anh Thư thực hiện 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận