NV Lê Quang Trạng: 'Sẽ ngày càng có nhiều tác phẩm chất lượng dành cho thiếu nhi'

Nhà văn Lê Quang Trạng là cây bút trẻ giàu nội lực, anh đã cho ra mắt nhiều tác phẩm thuộc nhiều thể loại.

 

Xuất hiện chững chạc từ những tác phẩm đầu tiên nhưng Lê Quang Trạng cũng là người có duyên với văn học thiếu nhi khi hai truyện dài của anh là “Thủ lĩnh băng vịt đồng” và “Cá linh đi học” được bạn đọc thiếu nhi yêu thích. Anh đã chia sẻ với phóng viên VOV về hai truyện dài này.

 Một số cây bút bắt đầu bằng các sáng tác thiếu nhi, sau đó mới chuyển sang viết cho người lớn. Trong khi đó, hành trình của anh thì ngược lại. Điều gì thôi thúc anh viết cho thiếu nhi khi đã thành công ở các sáng tác viết cho người lớn?

 Trước khi bắt đầu viết những tác phẩm dành cho người lớn tôi đã ấp ủ các tác phẩm viết cho thiếu nhi. Tuy nhiên, lúc đó tôi chưa định hình được văn phong, cũng chưa có đủ chiêm nghiệm về sự viết để có thể viết được những tác phẩm thiếu nhi ưng ý. Chính vì vậy, tôi chọn viết cho người lớn bằng những suy nghĩ ở cái tuổi mình đang lớn dần lên. Thời gian sau này, khi những trang viết tương đối chững chạc thì những ý tưởng viết cho thiếu nhi đã thôi thúc tôi sáng tác. Tôi cảm thấy may mắn khi tâm hồn vẫn còn những cảm xúc nguyên sơ như những ngày đầu cầm bút.

  Độc giả đã luôn ấn tượng về một Lê Quang Trạng già dặn, chững chạc với những truyện ngắn đầy ám ảnh, day dứt về thân phận con người. Với 2 cuốn sách dành cho thiếu nhi anh lại đem đến một ấn tượng khác hẳn về một giọng văn vui tươi, trẻ trung. Điều gì giúp anh có được sự “phân thân” này?

 Những tác phẩm viết cho thiếu nhi của tôi có sự chiêm nghiệm nhất định. Tuy nhiên, với thiếu nhi nên dành cho các em những trang viết vui tươi bởi tâm hồn của các em chứa đựng những điều trong sáng và hồn nhiên nhất. Trong trang viết của tôi, tôi trải lòng bằng những điều vui tươi và thông qua đó giúp các em nhận thấy cuộc sống này rất tươi đẹp. Cũng từ sự vui tươi đó giúp các em hình thành một thói quen ham thích đọc sách, ham thích văn chương cũng như hình thành một góc nhìn mới về cuộc sống. Tôi không có sự phân thân trong tác phẩm. Chẳng qua là tôi hướng đến một đối tượng độc giả nào thì tôi sẽ có những phương pháp thể hiện để độc giả hòa mình vào được. Đối với thiếu nhi, tâm hồn luôn chứa đựng những điều vui tươi thì trang viết cũng nên vui tươi để các em cảm thấy là các em gặp được chính mình trong trang viết đó.

Nhà văn Lê Quang Trạng là cây bút trẻ giàu nội lực. Anh đã thử sức và thành công với thơ, truyện ngắn và bút ký. Tuy nhiên, cả “Thủ lĩnh băng vịt đồng” và “Cá Linh đi học” đều là truyện dài. Đây là một sự ngẫu nhiên hay là lựa chọn ngay từ đầu của anh?

Khi tôi ấp ủ “Thủ lĩnh băng vịt đồng” và “Cá Linh đi học” thì tôi đã chuẩn bị một bước đệm cho việc viết truyện dài vì tôi nghĩ với truyện dài, tôi sẽ đủ để trải lòng ra và nó cũng có một dung lượng để các bạn vừa có thể đọc từng chương nhưng vẫn có một sự liên tục để thành một câu chuyện lớn. Tôi cũng định thử sức qua các thể loại khác như thơ, truyện ngắn chẳng hạn.

  Khi ra mắt “Thủ lĩnh băng vịt đồng” vào năm 2019, anh  từng bộc bạch rằng anh đã phải tập viết và bỏ đi ba bản thảo truyện dài khác. Với “Cá Linh đi học” thì sao thưa anh?

  Lúc mới bắt đầu những bản thảo truyện dài tôi đã phải bỏ một số bản thảo. Tôi nghĩ, nó như những bước chân đầu đời của một cậu bé. Bây giờ, khi đã viết được một số truyện dài hoàn chỉnh, tôi thấy kỹ thuật lẫn kinh nghiệm viết truyện dài của tôi đã ổn định hơn. Trước khi viết tôi có sự chuẩn bị cần thiết để tác phẩm viết ra được hoàn chỉnh nhất.

Trong những năm gần đây,“sân chơi” dành cho các tác giả văn học thiếu nhi đã rộng mở hơn khi có nhiều giải thưởng uy tín như Giải thưởng Dế Mèn hay gần đây hơn là Giải thưởng Văn học Kim Đồng. Điều này tác động như thế nào tới những người sáng tác cho thiếu nhi như anh?

Tôi thấy vui khi một số giải thưởng văn học, giải thưởng sách dành cho thiếu nhi được phát động. Nó đem lại một động lực mới, một sinh khí mới cho những người viết văn học thiếu nhi. Đành rằng không có giải thưởng người ta vẫn viết. Nhưng rõ ràng, giải thưởng tạo sự thôi thúc, tạo được vạch đích để người sáng tác lấy đó làm thước đo giá trị, thước đo sáng tạo để cố gắng viết. Tôi cũng xem giải thưởng là động lực. Còn đoạt giải hay không là một việc khác, nhưng kết thúc một giải thưởng, mình có được một tác phẩm, đó là thành công bước đầu. Tôi tin cùng với giải thưởng tương lai sẽ có nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi chất lượng. Khi công nghệ phát triển, các loại hình phục vụ giải trí cho thiếu nhi đa dạng thì văn học cũng phải đáp ứng nhu cầu này./.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Nguyễn Hà thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận