Nhà làm phim Việt 'trẩy hội' Busan và vai trò của Cục Điện ảnh

Liên hoan phim quốc tế Busan là một sự kiện điện ảnh quan trọng tại châu Á, lâu nay là một điểm hẹn quen thuộc của các nhà làm phim Việt Nam.

 

 Tuy nhiên, đối lập với sự hào hứng, sôi nổi của cộng đồng các nhà làm phim là sự thờ ơ của Cục Điện ảnh, đơn vị có chức năng quản lý và phát triển nền điện ảnh nước nhà.

Nhà làm phim Việt “trẩy hội” Busan

Ra đời vào năm 1996, Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan là một trong những sự kiện điện ảnh quan trọng nhất châu Á. Thành phố Busan - với những cơ sở như Ủy ban Điện ảnh Busan, Trường Điện ảnh châu Á và Học viện Nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc là bệ đỡ cho những tài năng điện ảnh, đóng góp lớn vào sự phát triển của nền công nghiệp nội dung Hàn Quốc và châu Á. Từ nhiều năm qua, các nhà làm phim Việt đã hiện diện tại LHP Quốc tế Busan. Không chỉ người có phim dự mới đến, nhiều nhà làm phim, doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam tìm đến Busan như một nơi để chia sẻ, kết nối, đầu tư làm phim; chào bán phim; mở rộng mạng lưới quan hệ toàn cầu. “Đi Busan đi!” không chỉ là câu rủ rê cửa miệng của các nhà làm phim trẻ Việt, mà còn ẩn chứa những ước mơ khát vọng về sự phát triển, vươn tầm khẳng định mình với mong muốn ghi dấu điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

LHP quốc tế Busan lần thứ 28 năm nay diễn ra từ ngày 4 - 13/10 có sự xuất hiện của nhiều gương mặt quen thuộc trong giới làm phim Việt như: Nhà sản xuất Hoàng Quân, nhà sản xuất Hằng Trịnh, bộ đôi Nam Cito - Bảo Nhân hay đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Skyline Media của Hằng Trịnh - công ty từng phát hành nhiều phim Việt ra thị trường nước ngoài - đã thuê một gian hàng tại Hội chợ Phim và Nội dung châu Á (Asian Contents & Film Market - ACFM) để tiếp thị những tựa phim Việt ăn khách nhất thời gian qua cho các bạn hàng quốc tế. 75 bộ phim Việt sẽ được giới thiệu đến 2.000 khách tham quan từ hơn 50 quốc gia, qua đó gia tăng cơ hội xuất hiện tại các thị trường rạp chiếu quốc tế, không chỉ góp phần quảng bá điện ảnh Việt mà còn đem lại giá trị kinh tế cho các nhà sản xuất phim. Nhà sản xuất Hoàng Quân chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 chúng tôi tham dự LHP quốc tế Busan. Liên hoan cũng như sự kiện chợ phim là dịp quan trọng để ProductionQ gặp gỡ các đối tác mua bán phim quốc tế. Tại đây, chúng tôi có thể đo được sức hút tác phẩm của mình với các thị trường khác, cũng như trao đổi về các cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất trong khu vực. Chợ phim ACFM cũng có rất nhiều các hoạt động, sự kiện, seminar bên lề chia sẻ những câu chuyện về ngành phim, công nghệ mới, các hoạt động kinh doanh, ý tưởng, giới thiệu dự án,… giúp chúng tôi có cái nhìn tổng quát về thị trường phim trong khu vực và các quốc gia khác; học hỏi, tham chiếu từ các sản phẩm được giới thiệu”, nhà sản xuất Hoàng Quân nói.

LHP Quốc tế Busan năm nay còn diễn ra một sự kiện chưa bao giờ có: Đêm Vietnam’s Night tổ chức vào tối 9/10 nhằm giới thiệu đến cộng đồng quốc tế LHP quốc tế Hồ Chí Minh (HIFF).Ghi dấu ấn với Vietnam’s Night

LHP Quốc tế Busan năm nay còn diễn ra một sự kiện chưa bao giờ có: Đêm Vietnam’s Night tổ chức vào tối 9/10 nhằm giới thiệu đến cộng đồng quốc tế LHP quốc tế Hồ Chí Minh (HIFF). Sự kiện do UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở VH&TT TP.HCM hợp tác với Công ty BHD tổ chức cùng sự góp mặt của hơn 600 khách mời quốc tế là những nhân vật có uy tín trong giới làm phim như ông Kim Dong-ho - nhà sáng lập và cựu Chủ tịch LHP Quốc tế Busan hay ông Nam Dong-chul, giám đốc lâm thời của LHP Busan.

Ông Phạm Minh Toàn, Giám đốc điều hành HIFF chia sẻ: “Đây là sự kiện ra mắt quốc tế của HIFF. Liên hoan được tổ chức vào tháng 4/2024. Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một LHP theo chuẩn quốc tế nhằm tôn vinh nghệ thuật điện ảnh, khuyến khích sự hợp tác toàn cầu và giới thiệu ngành công nghiệp điện ảnh giàu tiềm năng của Việt Nam đến thế giới, tạo nền tảng cho sự trao đổi văn hóa và phát triển sáng tạo”. “Rất mừng là trong các hoạt động của chúng tôi có sự ủng hộ và hỗ trợ hết mình của các đơn vị ban, ngành tại TP.HCM như Sở VH& TT, Sở Ngoại vụ, Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Hội Điện ảnh thành phố”, ông Phạm Minh Toàn cho biết.

Theo ông Nguyễn Tấn Kiệt, Trưởng phòng Nghệ thuật - Sở VH&TT TP.HCM cho rằng, sự ra mắt của HIFF tại LHP Busan là một bước quan trọng để đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới, xây dựng cầu nối văn hóa giữa các quốc gia thông qua nghệ thuật điện ảnh. ““HIFF diễn ra từ ngày 6 - 13/4/2024 với nhiều hoạt động hấp dẫn và đa dạng, hứa hẹn khoảng thời gian TP.HCM tràn ngập trong không khí điện ảnh.  Thành phố sẽ chào đón các nghệ sĩ, khách mời trên thế giới và đông đảo du khách. Bằng sự nỗ lực của Ban Tổ chức, sự ủng hộ, tham gia nhiệt tình của các chuyên gia, nghệ sĩ, nhà sản xuất phim, phát hành, … chúng tôi hy vọng LHP quốc tế TP.HCM lần thứ 1 - năm 2024 sẽ thành công và trở thành sự kiện điện ảnh đặc biệt trong năm 2024 tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, ông Nguyễn Tấn Kiệt cho biết.

Cục Điện ảnh ở đâu?

Trong lúc nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá, tiếp thị điện ảnh Việt Nam diễn ra sôi động tại LHP Quốc tế Busan, không ít người đặt câu hỏi: Cục Điện ảnh đang ở đâu và có vai trò như thế nào? Theo Quyết định số 802/QĐ-BVHTTDL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Điện ảnh, vai trò của đơn vị này không chỉ là quản lý việc phát hành phim trong nước mà còn phải đảm đương nhiệm vụ phát triển nền điện ảnh nước nhà. Thế nhưng, nhiều năm qua Cục Điện ảnh chỉ đảm đương được khâu quản lý và phát hành phim trong nước (cũng còn xảy ra một số vấn đề). Việc hỗ trợ, tạo động lực phát triển điện ảnh nước nhà của đơn vị này là hoàn toàn mờ nhạt. Vấn đề hợp tác quốc tế, ngoài việc lập ra hội đồng để chọn phim Việt đi dự Oscar cũng chỉ chọn xong rồi mặc cho doanh nghiệp tự xoay sở, tự mang phim đi dự. Gần như không có bất cứ sự hỗ trợ, đồng hành nào. Nhìn sang những gì Sở VH&TT, UBND TP.HCM đồng hành, hỗ trợ việc quảng bá, giới thiệu LHP Quốc tế Hồ Chí Minh tại LHP Busan càng cho thấy sự thờ ơ của Cục Điện ảnh.

Cũng khó có thể đổ tại cơ chế, khi cùng một đơn vị chủ quản là Bộ VH,TT&DL nhưng Cục Du lịch Quốc gia, Cục Hợp tác quốc tế, Cục Thể dục thể thao, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hằng năm vẫn có những hoạt động quảng bá, xúc tiến văn hóa Việt cực kỳ sôi nổi ở trong và ngoài nước, hiện diện tại các sự kiện lớn tầm cỡ khu vực.

Dư luận đang mong chờ sự vào cuộc của Cục Điện ảnh để chấn hưng văn hóa nước nhà, hòa mình vào công cuộc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đang cực kỳ sôi động trong thời gian qua./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận