Ca sĩ Bùi Thùy Linh: Nỗ lực 'biến hình' qua các sản phẩm âm nhạc

Bùi Thùy Linh là một nghệ sĩ đàn tam thập lục, là ca sĩ năng động nỗ lực thể nghiệm ở nhiều dòng nhạc khác nhau: dân gian, nhạc xưa, nhạc nhẹ. Cô đã chia sẻ về

 

Thùy Linh đang đầu tư cho sản phẩm âm nhạc về mùa thu?

Đúng vậy, trong series về mùa thu, Linh chọn 6 ca khúc nhạc nhẹ, được phối khí mới đó là: “Có phải em mùa thu Hà Nội” (ST Trần Quang Lộc, lời: Tô Như Châu); “Không còn mùa thu”  (Việt Anh); “Mùa thu cho em” (Ngô Thuỵ Miên); “Mùa thu lá xanh” (Minh Quốc); “Mùa thu” (Đỗ Bảo) và “Nhìn những mùa thu đi” (Trịnh Công Sơn). Đây là sản phẩm âm nhạc mà em tâm đắc nhất. Là người sống cảm xúc, em có nhiều kỷ niệm sâu sắc với mùa thu. Mùa thu đánh thức tâm hồn nghệ sĩ trong em, với tiết trời se lạnh, mùa thu như mơ mộng hơn, lãng mạn hơn và cũng dịu dàng hơn. Hy vọng những ca khúc về mùa thu sẽ khiến khán giả thổn thức và say đắm vẻ đẹp quyến rũ này.

 Đã từng học nhạc cụ, nhưng vì sao Thùy Linh lại lựa chọn thanh nhạc?

Sinh ra trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, bố là diễn viên cải lương, mẹ là diễn viên đoàn ví giặm, từ nhỏ, em đã được tiếp xúc với âm nhạc. 12 tuổi em được nhạc sĩ Mạnh Chiến hướng dẫn ôn thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khoa nhạc cụ truyền thống, chuyên ngành tam thập lục. Kỳ thi tuyển sinh năm ấy, em là thí sinh nhỏ tuổi nhất. Các năm học nhạc cụ truyền thống, em đều nhận được học bổng của trường. Nhưng ước mơ của em là được ca hát. Tròn 16 tuổi, em xin phép bố mẹ được thi chuyển khoa, song định hướng của bố mẹ muốn con gái học hết chuyên ngành tam thập lục. Thời điểm ấy, em phải nhờ thầy Lê Văn Phổ - nguyên Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống bảo lãnh và dẫn sang khoa thanh nhạc để tìm giảng viên ôn thi.

Có những lúc em đã muốn bỏ cuộc vì áp lực tinh thần lẫn kinh tế, nhưng ước mơ được là ca sĩ thôi thúc em phải cố gắng. Đều đặn hằng ngày sáng lên trường học văn hoá, chiều đi xe ôm sang nhà cô giáo để học thêm thanh nhạc. Em giấu bố mẹ đi thi và trúng tuyển đầu vào khoa thanh nhạc. Sau 4 năm học trung cấp, em là một trong hai sinh viên được tuyển thẳng vào đại học. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho niềm đam mê và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của em. Sau khi tốt nghiệp đại học, em đầu quân về Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam.

Từ lúc bước chân vào con đường nghệ thuật, Thùy Linh luôn ý thức rằng làm ca sĩ phải có nền tảng tốt mới đi được đường dài.  Rất nhiều ca sĩ gây dựng tên tuổi bằng cách ghi danh tại các cuộc thi âm nhạc, Thùy Linh thì sao?

 Hồi em học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thạc sĩ, giảng viên Dương Hồng Lan, người dạy em ở Khoa thanh nhạc đã động viên em tham gia các cuộc thi âm nhạc. Cô cho rằng, sau mỗi lần được trải nghiệm, thứ em nhận được là bản lĩnh, kỹ năng biểu diễn, sự chuyên nghiệp trong giọng hát và quan trọng nhất là đến gần hơn với khán giả. Nhưng em chưa đủ tự tin nên vẫn tập trung trau dồi chuyên môn. Sắp tới nếu có cuộc thi phù hợp tiêu chí em sẽ tham gia với mong muốn được toả sáng tại sân khấu đó.

Là ca sĩ thuộc biên chế  của một nhà hát, bạn có gặp khó khăn trong việc tạo dựng tên tuổi trong làng nhạc ?

Trước đây, với vai trò là Bí thư Đoàn nghệ thuật Unesco di sản dân ca xứ Nghệ, em được sinh hoạt và làm quen với nhiều bạn trẻ Nghệ Tĩnh có chung đam mê với dòng nhạc quê hương đất nước. Tham gia các hoạt động thiện nguyện, những buổi đào tạo từ các nghệ nhân giúp em có kỷ luật, trách nhiệm, có niềm tin yêu với công việc. Bây giờ khi được sống trong môi trường nhà hát, em không thấy áp lực mà còn có động lực phấn đấu tạo dấu ấn trong nghề. Ở nhà hát, em được tham gia nhiều chương trình nghệ thuật, được hát solo trên những sân khấu lớn, được gặp gỡ và làm việc với rất nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước. Công tác tại nhà hát giúp em có được sự tự tin, bản lĩnh cũng như giữ được lửa nghề luôn cháy bỏng.

Đời sống âm nhạc 4.0 luôn mở rộng cửa cho các ca sĩ trẻ tuổi, chưa định hình được phong cách, vậy bạn tận dụng điều này ra sao?

Từ lúc bước chân vào con đường nghệ thuật, em luôn ý thức rằng làm ca sĩ phải có nền tảng tốt mới đi được đường dài. Nhưng theo thời đại, tư duy âm nhạc cũng phải phát triển cùng dòng chảy của thời gian. Việc trải nghiệm, dám nghĩ, dám làm và sáng tạo là hết sức cần thiết. Em không ngừng lắng nghe, học hỏi cộng thêm sự hỗ trợ của nhiều phương tiện 4.0, những bước đi của em sẽ rất khác biệt và có cá tính riêng.

 Thùy Linh xây dựng hình ảnh của mình theo phong cách nào?

 Xã hội hiện đại, nghệ thuật cũng hiện đại. Em không muốn bị gò bó bởi một hình tượng nào, một chút điềm tĩnh trong tâm hồn, một chút nổi loạn của tuổi trẻ… Em nỗ lực “biến hình” qua các sản phẩm âm nhạc chắc chắn sẽ mang đến một màu sắc mới lạ thu hút khán giả. Phong cách mà em hướng tới là cảm xúc, là sự rung động, trẻ trung của thế hệ Genz. Bên cạnh đó em không ngừng phát huy những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

                                                                                           Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận