Stéphane Trần Ngọc: Theo đuổi con đường âm nhạc không thể thiếu chữ 'nhẫn'

Nghệ sĩ violin quốc tế cho rằng, muốn theo đuổi con đường âm nhạc lâu dài không thể thiếu được chữ “nhẫn”. Để thành tài không thể đốt cháy giai đoạn.

Thành tích ít ai sánh 
Dù trong gia đình không có ai theo nghệ thuật nhưng Stéphane Trần Ngọc sớm bộc lộ năng khiếu về âm nhạc. May mắn mẹ anh cũng là người yêu âm nhạc, thấy con có năng khiếu về âm nhạc, bà hết lòng ủng hộ, nhưng không gây áp lực gì cho anh. Có lẽ vì được bố mẹ tôn trọng sở thích, tài năng của anh được tự nhiên phát triển. 15 tuổi, Stéphane Trần Ngọc đã tốt nghiệp Nhạc viện Quốc gia Paris. Sau đó, anh sang Mỹ học cao học theo học bổng Fulbright tại nhạc viện trực thuộc Đại học Brooklyn và tiếp tục học tiến sĩ âm nhạc tại trường Juilliard.
Cho đến nay, bản thành tích của Stéphane Trần Ngọc ít ai sánh được. Anh đoạt nhiều giải thưởng ở những cuộc thi danh tiếng như Lipizer, Paganini, tại Liên hoan Âm nhạc Aspen, giải Grand Prix tại cuộc thi quốc tế Long-Thibaud năm 1990 và đã đến biểu diễn ở hơn 30 quốc gia. 
Đi đến đâu, Stéphane Trần Ngọc cũng được khán giả chào đón. Tài năng của anh được thể hiện qua những cây đàn cổ hiếm với chất lượng âm thanh tuyệt vời khiến những ai được nghe anh biểu diễn luôn cảm thấy mình là người may mắn khi được chìm đắm trong những cảm xúc của những âm thanh tinh tế… "Với mỗi bản nhạc mà tôi biểu diễn, tôi luôn cố gắng tìm hiểu "tinh thần" bản nhạc và thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm. Khi biểu diễn, tôi sẵn sàng "dìm" tính cách của mình để hòa nhịp với tính cách nghệ thuật của tác giả, trở thành một "thông dịch viên" tốt nhất, diễn đạt lại ý muốn của tác giả" - Stéphane Trần Ngọc chia sẻ.
Nói về những cây đàn cổ mà mình may mắn sở hữu, trong đó có cây đàn được chế tác từ thế kỷ 16, Stéphane Trần Ngọc chia sẻ, thời thiếu niên anh có quen biết một số chuyên gia về violin nên nhận rõ sự khác biệt về chất lượng âm thanh giữa những cây đàn violin mới và cũ. Dù mong muốn được sở hữu những cây đàn cổ, tuy nhiên những cây đàn cổ rất đắt nên ban đầu anh mua loại rẻ hơn. Qua năm tháng, tích lũy được tài chính, anh lại đổi sang cây đàn đắt tiền hơn và cho đến giờ anh đã có những cây đàn theo ý muốn. "Những cây đàn tôi mua với mục đích dùng cho biểu diễn, chứ tôi không có thú sưu tập đàn cổ. Chơi nhạc bằng đàn cổ cho tôi thêm cảm hứng bởi chúng tạo ra những âm thanh mà người nghệ sĩ mong muốn" - Stéphane Trần Ngọc nói. 
Muốn tạo dựng môi trường học tập tốt tại quê hương
Stéphane Trần Ngọc lần đầu về nước biểu diễn năm 1992, trong tâm thế mình là một người Pháp. Tuy nhiên, chính sự chào đón nồng nhiệt và thân thiện của khán giả đã khiến anh thấy quê hương trở nên gần gũi. Họ  coi anh là đồng bào chứ không phải là người ngoại quốc nên anh cũng đã thay đổi cách nghĩ. Giờ thì mỗi chuyến về Việt Nam, với Stéphane Trần Ngọc là mỗi chuyến về nhà và dần dần anh thấy mình là một phần của Việt Nam. Stéphane Trần Ngọc bắt đầu học tiếng Việt để có nhiều đóng góp hơn cho quê nhà.
Mỗi khi về Việt Nam biểu diễn, Stéphane Trần Ngọc thường kết hợp với giảng dạy theo lời mời của các trường đào tạo nghệ thuật. Lý giải về việc dành thời gian cho giáo dục, Stéphane Trần Ngọc chia sẻ: "Kinh tế Việt Nam phát triển, nhiều gia đình có điều kiện cho con tiếp cận với âm nhạc từ sớm, và không ít bé sớm bộc lộ tài năng. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên tôi thấy băn khoăn trước hiện tượng "chảy máu chất xám". Xu hướng cho con đi học tập rồi lập nghiệp ở nước ngoài ngày một phổ biến ở Việt Nam. Tôi muốn tham gia vào công việc giảng dạy ở Việt Nam để góp phần thay đổi suy nghĩ của các bậc phụ huynh rằng phải cho con ra nước ngoài, con mới được đào tạo tốt. Với sự nỗ lực của những người đã thành danh ở nước ngoài, cộng với những chính sách của chính phủ, tài năng của Việt Nam không cần đi đâu xa, mà có thể học tập và phát triển ngay ở quê nhà". 
Theo chia sẻ của Stéphane Trần Ngọc, những lớp tài năng mà anh tham gia giảng dạy có không ít em có tố chất. Nếu các em được rèn giũa cẩn thận và duy trì niềm đam mê với âm nhạc, các em có thể tiến xa. "Điều phụ huynh cần tránh cho con là sự nuông chiều thái quá, con muốn gì là được đáp ứng sẽ khiến các em thiếu đi chữ "nhẫn". Trong khi đó, muốn theo đuổi con đường âm nhạc lâu dài thì không thể thiếu được chữ "nhẫn". Để thành tài phải rèn luyện từng nốt nhạc, không thể đốt cháy giai đoạn được" -  Stéphane Trần Ngọc lưu ý. 
BOX: Stéphane Trần Ngọc sở hữu nhiều bản thu âm được phát hành trên thế giới như Serge Nigg Violin và Piano sonata (Giải thưởng Grand Prix năm 1996), Ysaye sonatas, một đĩa CD được dành tặng cho Ravel, Trio cho Horn của Brahms, những bản sonata của Schumann cùng nghệ sĩ piano người Mỹ Brian Ganz…

Bình luận

    Chưa có bình luận