Người kể chuyện đời mình bằng âm nhạc

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc là một trong những người mở đường cho tân nhạc Việt Nam; ông có nhiều tác phẩm thu thanh, lưu trữ và sử dụng trên làn sóng Đài TNVN.

 

Tìm trong hồi ký

Trong cuốn hồi ký “Chuyện mình - chuyện đời” (NXB Phụ Nữ ấn hành năm 2003), nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tự xưng mình là “chú bé”, hồi tưởng lại thời tuổi thơ và tuổi trẻ, sinh ra trong gia đình cha làm nghề dạy học, mẹ bán cá ở chợ Đồng Xuân. “Chú bé” ấy được học hành đầy đủ, dù không phải thành phần “học gạo” nhưng “chú” rất chăm chỉ luyện tiếng Pháp, bởi “muốn hiểu họ thì phải học tiếng của họ”.

Ở tuổi 20, Nguyễn Đình Phúc bước vào âm nhạc với lý do “lãng xẹt” là người con gái ông thầm thương trộm nhớ biết chơi đàn. Lúc bấy giờ nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh chơi đàn violin giỏi có tiếng ở xứ Hà thành. Chàng lập tức sắm một cây đàn violin để học với thầy Hinh, sau đó theo học piano với nhạc sĩ người Nga lưu vong Sibirev. Quãng thời gian học với nhạc sĩ Sibirev để lại cho ông những cảm xúc đẹp đẽ. Chàng đã tìm được một người thầy tận tụy, một nghệ sĩ chân chính tận hiến cho nghệ thuật.

Những ca khúc đầu tay

Từ khi còn “mổ cò” trên bàn phím piano, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc hăm hở viết ca khúc đầu tiên mang tên “Lệ thu”, trong tâm trạng hoang hoải của kẻ thất tình, cùng nỗi niềm của người trẻ mất nước: “Ôi giấc mơ hoa đã tàn, xa rồi nhỉ, tìm đâu thấy?/ Ôi giấc mơ hoa đã tàn, xa rồi nhỉ, tìm đâu đây?/ Buồn ơi xa vắng mênh mông buồn…”

Nhớ lại ca khúc đầu tay này, ông tự trào: "Chẳng học ai, lại sáng tác phứa phựa đi, không như người khác, khiêm tốn một chút, chỉ viết giai điệu và lời ca, anh ta còn cả gan viết phần đệm dương cầm cho bài hát nữa. Chàng trai có biết chút kỹ thuật cơ bản gì về loại đàn này đâu? Chẳng qua anh ta đọc vài trang sách, nghiên cứu một số bản nhạc quốc tế viết cho dương cầm và nhất là xem người ta chơi loại đàn này … thế thôi" (trích hồi ký “Chuyện mình, chuyện đời”).

Năm 1944 là một năm đầy dấu ấn. Trước khi có “Lời du tử”, ông đã gặp gỡ bài thơ “Cô lái đò” của Nguyễn Bính, trút vào đó bao cảm xúc nhớ nhung, luyến tiếc, tạo nên ca khúc “Cô lái đò”, với giai điệu mượt mà, tiết tấu uyển chuyển nhiều luyến láy mang đậm âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ. Nghệ sĩ Thương Huyền đã đưa ca khúc “Cô lái đò” bay xa, góp phần xác lập tên tuổi chàng nhạc sĩ trẻ trong dòng tân nhạc buổi ban đầu. “Xuân đã đem mong nhớ trở về/Lòng cô lái ở bến sông kia/ Cô hồi tưởng lại ba Xuân trước/ Trên bến cùng ai đã nặng thề…”

Vốn say mê âm nhạc , hội họa và mong ước phiêu lưu, nên khi nhận được số tiền thưởng 500 đồng Đông Dương trao cho bức tranh “Chú bé thổi sáo” (năm 1943), nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc đã thực hiện ước mơ “xê dịch” đến nhiều miền đất nước. Khi đang ở Đà Lạt, nghe tin cha mất mà không về được, ông đau đớn nghĩ về thân phận lưu lạc, và trong khoảnh khắc, ca khúc “Lời du tử” ra đời:“Chiều nay biết về nơi đâu? Dừng chân ta ngắm cảnh bao la sầu. Ai đi trong lớp sương sa. Người về đâu tá đến nơi quê nhà…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một cuộc đời nhập thế

Theo tư liệu của nhạc sĩ Trương Quang Lục: “Năm 1946, một ngày trước khi toàn quốc kháng chiến nổ ra, đang giữa trưa, nhạc sĩ Văn Chung tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc và bảo: “Đoàn thể kêu gọi văn nghệ sĩ chúng ta đi kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược. Đi đi! Đi ngay chiều nay!”. Thế là Nguyễn Đình Phúc lên đường tham gia kháng chiến không một chút chần chừ”.

 “Lời du tử” viết năm 1944 in đậm dấu ấn tâm hồn của thế hệ thanh niên trí thức trước cách mạng, luôn cô đơn, khao khát những chân trời. Đến “Bình ca”, sáng tác năm 1947, cho thấy một tầm vóc âm nhạc, một chí khí, một tinh thần dân tộc hào sảng, đằng sau đó là lòng nao nức của người nghệ sĩ dùng âm nhạc phụng sự Tổ quốc, nhân dân. Có thể coi đây là một khúc nhạc kịch, một trường ca đầu tiên của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Âm hưởng  của “Bình ca” được tiếp nối đầy hân hoan, làm thành “Chiến sĩ sông Lô”, “Hữu ngạn sông Thao”… thời kháng chiến chống Pháp, “Nhớ anh giải phóng quân”, “Cùng nhau đi đầu quân”… thời kháng chiến chống Mỹ. Từ đó, đến “Nhớ quê hương”, và đặc biệt, với “Tiếng đàn bầu” là sự hợp thành của bao cung bậc cảm xúc, da diết, đau đáu niềm yêu con người, yêu tâm hồn dân tộc.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc từng tâm sự rằng khi đọc bài thơ “Tiếng đàn bầu” của Lữ Giang, đến hai câu “Cung thanh là tiếng mẹ/Cung trầm là giọng cha”, ông nhớ lại hình ảnh cụ xẩm mù gò lưng đánh đàn ở chợ Đồng Xuân trong tiết trời mưa phùn, vang những âm thanh ai oán, não nuột. Rồi hình ảnh tên sĩ quan tù binh Pháp khóc rưng rức khi nghe tiếng đàn bầu của văn công bộ đội ta tấu bài “Ru con Nam bộ”, bài dân ca Pháp “Frère Jacques”; cảnh tượng tất cả khán giả trong nhà hát thành phố Sofia, Bulgaria đồng loạt đứng lên vỗ tay hoan nghênh tiết mục đàn bầu của nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn… Những hình ảnh ấy cùng với bài thơ “Tiếng đàn bầu” của Lữ Giang khơi nguồn cảm xúc để nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc viết “Tiếng đàn bầu”, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông, cũng là ca khúc gắn với tên tuổi ca sĩ Kiều Hưng, Trọng Tấn.

Rằng ai nổi tiếng xin cứ nổi/ Tôi vẽ tranh soạn nhạc làm thơ chơi”. Khiêm tốn nhận là “cuộc chơi” mà gia tài nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc để lại vô cùng đồ sộ, phong phú cả về văn - thơ - nhạc - họa. Ông là một tài năng lớn, một nhân cách đẹp đã sống và tận hiến cho cuộc đời./.

Anh Thư

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận