Nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn: Âm nhạc thính phòng là 'cái mệnh' của tôi

Nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn đã những trải lòng về dòng nhạc đương đại mà anh và các thành viên trong nhóm đang theo đuổi.

 

Nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn được biết đến với vai trò là trưởng nhóm ngũ tấu Sông Hồng một thời ghi dấu ấn trong lòng khán giả với những giai điệu đẹp bên cạnh kĩ thuật cao. Để rồi niềm đam mê âm nhạc lại dẫn dắt anh cùng với các đồng nghiệp của mình đến với nhạc đương đại trong vai trò làm sống lại những tác phẩm vốn đang được xem là không ít thử thách cho cả người sáng tác, người chơi nhạc và khán giả.

Nghệ sĩ violon Phạm Trường Sơn.

 Chào nghệ sĩ Phạm Trường Sơn, không biết sau đợt nghỉ vì dịch bệnh, anh đã khởi động lại các hoạt động của mình chưa?

Ba, bốn tháng vừa qua là quãng thời gian chúng tôi chiêm nghiệm, suy nghĩ, đồng thời lên những kế hoạch thật kỹ lưỡng, hiệu quả để khi mọi thứ trở lại bình thường, chúng tôi có thể bung ra các hoạt động của mình.

Là người có rất nhiều dấu ấn trong âm nhạc thính phòng, chắc hẳn, anh cũng có nhiều cơ hội để thực hiện đam mê trong lĩnh vực này của mình?

Âm nhạc thính phòng tạm gọi là "cái mệnh" của tôi. Hồi năm 1993, khi còn đang là sinh viên, tôi đã giành giải Nhất cuộc thi Âm nhạc Quốc gia mùa thu. Đó có thể nói là bước ngoặt trong sự nghiệp của tôi. Sau đó, bằng niềm đam mê, tôi cũng thành lập những nhóm này, nhóm kia.

Cụ thể, tôi đã cùng những người bạn học thành lập nhóm Sông Hồng. Sau đó đến Hanoi New Music là nhóm đương đại. Sau khi thành lập, chúng tôi đi biểu diễn khắp nơi, cả trong nước cho đến các tỉnh cũng có, như Hải Phòng, Quảng Trị, Vinh,… tức là đưa âm nhạc thính phòng tới những vùng mà chắc người ta cũng chưa nghe bao giờ. Ngoài ra, chúng tôi còn đi biểu diễn ở Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Singapore.

Thành lập nhóm Ngũ tấu Sông Hồng là do lòng nhiệt tình, sự ham muốn thể hiện của một nhóm các nghệ sĩ. Còn với nhóm nhạc đương đại Hà Nội thì sao, thưa anh?

Mỗi một cuộc đời cũng như sự nghiệp đều được coi là một khúc quanh và khi đến khúc quanh, một là mình bắt buộc phải rẽ, hai là trong bản thân mình tự nhiên xuất hiện nhu cầu thấy rằng nên làm việc này, nên làm việc kia. Thời điểm đó, anh Tân là người đầu tiên gọi tôi ra để anh em nói chuyện với nhau.

Anh Tân nói: “Bây giờ nhạc đương đại là dòng nhạc rất hay, theo tôi, mình nên thành lập nhóm nhạc phục vụ nhu cầu của khán giả cũng như là nhu cầu về món ăn tinh thần trong xã hội”. Trong tôi lúc đó nảy ngay ra ý tưởng. Sau khi được biết anh Tân là một người thực sự tài năng, tâm huyết thì tôi thấy đây đúng là con người mà mình có thể làm việc một cách lâu dài. Tôi và anh Tân đã cùng nhau xây dựng nhóm Hà Nội New music, đó là khúc quanh trong sự nghiệp của tôi.

Anh có thể so sánh cơ hội đem lại cho một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển và cơ hội cho một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc thể nghiệm hiện nay như thế nào?

Tôi không nghĩ rằng tôi đang tìm kiếm cơ hội mà tôi đang nhập vào một cuộc chơi với cuộc đời tôi, đó là tôi thích làm gì thì sẽ làm nấy, cơ hội có thể đến sau nhưng chúng tôi luôn làm hết mình. Quả thật, sau 5 năm hoạt động, tôi có thể đúc rút cho bản thân rằng chính nhạc đương đại đem lại rất nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ.

Có lần anh chia sẻ: “Các nghệ sĩ chơi nhạc đương đại, họ là những người làm sống lại các tác phẩm nằm trên giá sách của các nhạc sĩ sáng tác nhạc đương đại”. Đó là một trong những đóng góp của nhóm nhạc đương đại Hà Nội trong thời gian vừa qua. Anh có thể chia sẻ sâu hơn về những tác phẩm mang chủ đề mang tình yêu từ nhà ra thế giới?

Chúng tôi đã biểu diễn những tác phẩm của Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết, Kim Ngọc, Vũ Nhật Tân, Đặng Hồng Anh, Minh Nhật, Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân,…Chúng tôi chọn ra những gương mặt tiêu biểu, đó chính là những người mà chúng tôi cho rằng họ sống với âm nhạc, là những người mang tinh thần Việt một cách sâu sắc.

Những tác phẩm như: "Tuyến lửa" do Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sáng tác khi cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 xảy ra. Tuy sống ở nước ngoài nhưng ông đã sáng tác những tác phẩm mang đến một tầm nhìn rộng của con người từ phía ngoài hình ảnh của sự đấu tranh, giữa cái thiện và cái ác, giữa sự mất mát, giữa nhu cầu đòi hỏi để giành lại quyền tự do của bản thân dân tộc Việt. Nó đem lại cảm xúc tuyệt vời.

Hay như tác phẩm “Thu phong” tức là gió mùa thu của nhạc sĩ Tôn Thất Tiết. Bác Tiết là người sinh ra ở Huế nên bác ấy thấm đượm những câu hò và những sự trầm mặc cũng như tinh thần của một cố đô của Việt Nam mà phảng phất những hương gió vào mùa thu - mùa mà ai cũng buồn. Trong đó có sự leng keng của kim loại đập vào nhau, có tiếng lá xào xạc, có một chút sóng nước của sông Hương, hoàng hôn qua cầu Tràng Tiền.

Tác phẩm nữa tôi muốn chia sẻ thêm là “Ngũ hành” của Vũ Nhật Tân. Đây là một tham vọng lớn của nhạc sĩ Vũ Nhật Tân khi muốn viết một tác phẩm ngũ hành tức là tương sinh, tương khắc của 5 nguyên tố tạo nên thế giới: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Nhưng con người nằm trong thế giới đó lại đang làm phá huỷ môi trường. Khi thể hiện tác phẩm này, chúng tôi có sự trợ giúp của nhóm Đông Kinh cổ nhạc là tập hợp của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực nhạc dân tộc Việt Nam.

Âm nhạc đương đại là của ngày hôm nay, diễn ra trong ngày hôm nay, mang không khí của ngày hôm nay. Nếu như những lớp nhạc sĩ trước đã có những thành công nhất định thì với lớp nhạc sĩ mới theo đuổi dòng nhạc này sẽ như thế nào?

Chúng tôi có biểu diễn các tác phẩm của Minh Nhật - một người ngoài 20 tuổi thôi nhưng cực kỳ tài năng. Đó là một người tinh tế trong âm nhạc, tôi chưa thấy ai viết chi tiết như em ấy. Cho nên, nếu muốn tài năng của mình tỏa sáng thì mình phải có động tác gì đó, một hành động gì đó để những tác phẩm của bản thân được vang lên.

Từng tham gia làm giám khảo tại rất nhiều cuộc thi âm nhạc tại nước ngoài, anh nhận thấy sự phát triển của âm nhạc đương đại nói chung đang ở quy mô và mức độ như thế nào?

Tôi không thể nào biết hết được. Thế giới rộng lắm, mình chỉ biết những gì mình biết thôi. Ví dụ như những nước láng giềng của chúng ta như: Lào, Campuchia, các bạn còn chật vật mà có bản sắc riêng rất đậm đà chứ không phải không có. Thế nhưng nói đến nhạc đương đại thì vẫn còn đang khá sơ khai.

Còn các nước láng giềng phát triển hơn về kinh tế như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, người ta có vẻ hơi thiên hướng về Tây nhiều hơn. Tức là người ta được học ở phương Tây, muốn nhìn theo những mô hình của phương Tây. Hiện giờ tôi thấy ở Nhật Bản cũng có một nhóm, ở Hàn Quốc cũng thế. Nhưng tôi thấy sự không lợi thế của người ta như Việt Nam. Người ta rất phát triển bởi người ta có kinh tế, điều kiện, được nhiều sự giúp đỡ từ các tổ chức nhưng người ta không có những người như Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết,...

Qua sự chia sẻ của anh mới thấy rằng sự phát triển của nhạc đương đại ở Việt Nam cũng như các nước xung quanh trong khu vực cũng đang có một sự không cân bằng. Việt Nam có thể nói cũng là một điểm sáng trong sự phát triển ấy. Mặc dù vậy, anh chỉ tự nhận nhóm nhạc của mình khá là mơ mộng và trình diễn cho những người dám thử nghiệm. Hiện nay sự thử nghiệm đó đã có kết quả chưa, thưa anh?

Chưa bao giờ chúng tôi biểu diễn nhạc cổ điển ở phòng hoà nhạc lớn của nhạc viện nhưng chúng tôi rất mừng vì nhận được rất nhiều phản hồi của khán giả rằng rất thích những chương trình ấy và bao giờ cũng hỏi những lần tiếp theo là bao giờ. Đấy chính là cơ hội.

Khi nhắc đến anh, người ta dành cho anh rất nhiều lời khen với vai trò như người chỉ đạo, như là người phất cờ cho cả một nhóm nhạc. Còn các học trò của anh thì đánh giá anh là một người rất tỉ mỉ, thân thiện. Vậy Phạm Hồng Sơn trong chơi nhạc đương đại thì như thế nào?

Khi tôi chơi nhạc đương đại, bước đầu tiên là sự bối rối, bước thứ hai là thử thách bản thân mình, bước thứ ba là thoả mãn sau khi đã vượt qua sự khó khăn của những tác phẩm, sự khó khăn của kỹ thuật, bước thứ tư là được trải nghiệm trên sân khấu và được khán giả đón nhận. Bối rối là khi cầm một tác phẩm không biết đánh làm sao, rất khó. Không có trên Youtube, không có một ví dụ gì cả.

Khi gặp khó khăn, tôi bắt đầu lần mò trong đám cây, đám bụi rậm, lúc thì gai đâm chích, lúc thì ngã vấp. Bước thứ ba tức là bước vượt qua bản thân mình, là sau khi tôi đã hoàn thành tác phẩm ấy, ít nhất tôi đã đánh trôi chảy từ đầu đến cuối được rồi. Khi hoàn thành được rồi là giai đoạn bắt đầu mình phải soi ra tấm gương phản hồi của khán giả.

Đã bao giờ anh và nhóm nhạc của mình phải đầu hàng chưa?

Câu hỏi rất hay! Bởi vì có những thời điểm bản thân chúng tôi đến ngưỡng không biết có diễn được không. Khi bắt đầu định biểu diễn tác phẩm “Cơn sốt”, đọc tổng phổ xong, tôi nghĩ là mình chơi được nhưng bản thân thấy đáng ra mình phải nghiên cứu tác phẩm kỹ hơn nữa và đồng thời mình cần phải nhờ sự tư vấn của những người biết nhiều hơn mình.

Có những thời điểm chúng tôi bảo có lẽ phải huỷ, thế nhưng cuối cùng thống nhất cũng phải cố gắng. Mà thậm chí trong quá trình tập, giữa chúng tôi có xảy ra xung đột. Những lúc đó chúng tôi lại phải cân bằng để làm sao đạt được kết quả tốt. May mắn cho đến bây giờ chúng tôi chưa phải bỏ tác phẩm nào cả nhưng đó cũng là kinh nghiệm.

Xin cảm ơn anh!./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận