Họa sĩ Phương Bình: Ẩn sâu trong mỗi bức tranh là sự chia sẻ

Trong căn nhà nhỏ trên phố Sinh Từ, chị lặng lẽ ngồi vẽ mặc cho thời gian trôi. Đối với họa sĩ Phương Bình, vẽ là được sống, được là mình với tận cùng đam mê.

 

Vẽ như lên đồng

Khi một mình chị ngồi vẽ suốt đêm, chị nghĩ gì lúc ấy?

Tôi vẫn giữ thói quen không giống ai, đó là làm việc suốt đêm, vẽ như lên đồng mà không cần biết thời gian, vẽ khi nào mệt quá thì thôi. Vì thế, tôi thường ở một mình, làm mà không muốn có ai xung quanh. Thói quen này đã mấy chục năm rồi. Tôi nói chuyện với nhân vật của mình trong tranh, tôi gặp tôi ở đó. Người ta bảo ở một mình cô đơn lắm. Nhưng thú vị. Có bao giờ bạn đối thoại với chính mình? Nói chuyện với mình thú vị lắm, vì mình đọc được mọi ý nghĩ sâu thẳm của mình, để hiểu và yêu mình hơn. Cũng như khi vẽ, tôi được sống là mình, nâng niu cảm xúc của mình. Như thế, tôi luôn yêu công việc, vẽ như là một nhu cầu tự thân cần được giãi bày.   

  Người ta nói nghệ sĩ thường đa truân. Chị thì sao?

Mỗi người một cảnh ngộ, ai cũng có nỗi khổ riêng. Tôi khổ vì dan díu với nghệ thuật, đắm đuối với nó cả đời, nhưng đó là đam mê, là khát vọng hiến dâng, làm sao từ bỏ được. Đắm đuối với nó nên mình sẽ sao nhãng nhiều việc khác, sẽ ít người cảm thông cho công việc của mình. Ví như chuyện gia đình, tôi sẽ không chỉn chu như những phụ nữ đảm đang. Khổ vì chuyện tình duyên không may, tôi đã trải. Nhưng đó là số phận, không thể cứ buồn mãi. Do vậy được vẽ là hạnh phúc, vì tôi được giải thoát, được tận cùng với đam mê và dâng hiến. Tôi là tôi, khi được vẽ.

Mỗi bức tranh của hoạ sĩ Phương Bình là sự chia sẻ.Tính cách “người Nghệ” khá rõ trong con người chị, một họa sĩ nghiêm khắc với chính mình, khẳng khái, cá tính nhưng cũng rất mềm mại, hiền hòa. Chị thừa hưởng gen nghệ thuật và tính cách từ ai trong gia đình?

 Khi còn sống, ba tôi - nhạc sĩ Tùng Vinh thường nói với tôi rằng: “Là con gái, nhất định con phải hạnh phúc theo cách của mình. Con muốn làm họa sĩ, con phải học thành tài. Không gì là không thể. Ba tin là con làm được. Khi con thực hiện được mơ ước là con hạnh phúc, sống cần có khát vọng, con ạ”. Đó là điều tôi khắc cốt ghi tâm, không bao giờ quên. Tôi đã thực hiện ước mơ ấy, không phải cho ba mà cho chính cuộc đời tôi. Tôi biết ơn ông vì ông hiểu khát vọng của con gái. Ba đã truyền cho tôi ngọn lửa nghệ thuật, tôi được tắm trong môi trường âm nhạc, văn chương từ thuở bé thơ. Ba dạy chúng tôi về lòng nhân hậu, tình thương và sự tử tế. Ba tôi hào sảng lắm, luôn tươi vui và yêu đời. Tính cách cương trực, thẳng thắn cũng là một nét đáng nhớ khi nhắc đến ông. Tôi có mối thâm giao với các cô, bác văn nghệ sĩ xứ Nghệ là bạn của ba mình như nhạc sĩ Hồ Hữu Thới, nhà thơ Vân Anh, nhà thơ Thạch Quỳ, nhạc sĩ Phan Thanh Chương… Họ luôn dành cho ba tôi sự yêu quý và trân trọng. Tôi may mắn được thừa hưởng những phẩm chất của ba, để làm nghệ thuật chân chính.

Luôn tươi mới trong cảm xúc

Chị được đánh giá là gương mặt họa sĩ cá tính, phá cách và tiêu biểu. Những tác phẩm của chị có mặt trong nhiều cuộc triển lãm trong và ngoài nước. Đây là thành quả của sự miệt mài, tận tụy và đam mê không ngừng nghỉ trên chặng đường làm nghệ thuật của chị. Chị nghĩ gì về thành tựu đó?

      Vì tôi là người xứ Nghệ nên đã nói là quyết làm cho bằng được. Tôi chưa bao giờ bỏ cuộc. Làm nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo, bứt phá, tìm tòi không ngừng. Mình tự thỏa mãn là tụt hậu. Vì thế, tôi luôn phải học. Vẽ đòi hỏi sự độc lập hoàn toàn, không theo lối mòn của ai. Mình phải tạo ra nét riêng độc đáo, không giống ai. Điều thú vị nhất trong sáng tạo nghệ thuật là tìm ra được cái riêng của mình, không trộn lẫn. Tôi vẽ đàn bà, nuy và tĩnh vật. Mỗi khi cầm cọ, tôi đều nghĩ là mình sẽ bắt đầu như thế nào trong cảm xúc, cảm thức về nhân sinh đã khiến tôi đau đáu, trở trăn và chỉ chờ đến lúc cảm xúc đủ đầy, tôi vẽ. Khát vọng được cống hiến, được thỏa mãn vì nghệ thuật đã khiến tôi cảm thấy mình mới mẻ, tươi mới trong cảm xúc. Tôi đã nói với cô bạn thân, đàn bà không được phép cho rằng mình khổ. Khổ hay không là do mình cả. Phải giải thoát chứ, bằng cách làm việc. Chỉ có lao động thì mới giải phóng được mình, hơn nữa mình làm nghệ thuật, càng phải tư duy nhiều hơn, sáng tạo không ngừng.

Cảm giác khi xem tranh của chị, những gương mặt đàn bà trong nhiều trạng thái khác nhau, nhưng có một điểm chung dễ nhận ra đó là những người đàn bà đẹp và nhiều ẩn ức. Vì sao chị đau đáu với đàn bà như vậy?

Để hiểu về đàn bà không dễ chút nào, bản thân mình nhiều khi còn không hiểu mình. Sự phức hợp ấy tạo ra ở đàn bà sự hấp dẫn, cuốn hút và mê dụ. Đàn bà luôn khơi gợi sự sống động, thổn thức và dẫn dụ. Tôi là đàn bà nhưng luôn yêu vẻ đẹp của đàn bà. Bởi vậy, ẩn sâu trong mỗi bức tranh là sự chia sẻ, thương cảm và trân quý. Khi nhìn vào mỗi bức tranh, có thể bạn sẽ mường tượng ra chính mình, hoặc là một bóng dáng vừa quen vừa lạ của bạn mình, chị mình, em mình. Đó là sự đồng cảm về thân phận. Đàn bà còn gánh trên vai số phận của chính mình, là mọi nỗi buồn vui, hạnh phúc và khổ đau, hân hoan và tận cùng khổ hạnh. Chỉ nghĩ đến thôi cũng đã thương quá rồi. Có lẽ vì tôi cũng thương tôi quá nên tôi thương yêu đàn bà như một lẽ tất yếu vậy. Đàn bà trong tranh tôi là sự phản chiếu mọi góc nhìn yêu mến ấy./.

Cảm ơn chị!

Vân Khánh thực hiện

 

Bình luận

    Chưa có bình luận