Những phóng viên không 'Nhà'

Không tòa soạn, họ viết theo nhu cầu của bản thân, của những tòa soạn "quen biết". Trong xã hội chúng ta đã vẫn và đang tồn tại nghề phóng viên tự do.

 

Không tòa soạn, họ viết theo nhu cầu của bản thân và viết theo yêu cầu của những tòa soạn "quen biết". Trong xã hội chúng ta đã vẫn và đang tồn tại những người có nghề như thế - nghề phóng viên tự do.

Những kẻ “vô gia cư”

H - kẻ được lũ bạn đồng nghiệp cùng trang lứa gọi là “gã du mục” chỉ vì mỗi cái “tội” từ khi ra trường hắn chạy hết từ tòa soạn này sang tòa soạn khác, chẳng chỗ nào hắn ở lâu được quá vài tháng.

Gần đây nhất, H cộng tác thường xuyên với một tờ báo điện tử đang rất ăn khách trên thị trường, thuộc loại “dễ sống”, “dễ viết” và “dễ kiếm tiền” (vì nhuận bút cực cao).

Đếm trên đầu ngón tay đến tờ báo này này, H đã trải qua không dưới chục tòa soạn, nhưng đều chỉ là dưới danh nghĩa cộng tác viên - phóng viên tự do…

Không phải H không đủ năng lực để “thường trú” lâu dài tại một tòa soạn nào đó, cũng không phải các tòa không đủ sức giữ chân H lại, mà chỉ bởi một lẽ, H không thích sự bó buộc. H bảo, làm phóng viên tự do rất... sướng, vì: "Thích đi đâu thì đi, thấy đề tài nào hay thì viết, thấy báo nào hợp “gu” thì gửi bài".

H. tâm sự, khi ra trường hắn cũng muốn có được một chỗ làm ổn định, cho một công việc mình yêu thích nhưng không hiểu sao, cái “số” hắn nó vất vả, cứ chạy hết chỗ này đến chỗ khác, riết thành quen.

Đầu tiên hắn thử việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, được vài tháng có cậu bạn đang làm tại một cơ quan báo chí ngôn luận của 1 Viện nọ rủ rê, nể bạn thế là hắn từ bỏ ngay công việc mà khối kẻ "thèm" ấy để sang làm cho báo bạn.

H. viết khá tốt, các bài điều tra, phóng sự được lãnh đạo tòa soạn khen và tin tưởng giao hẳn cho một chuyên mục. Nhưng rồi hắn cũng chỉ nhận làm chân cộng tác viên vì H. thích viết nhiều đề tài, muốn tìm hiểu mọi mặt cuộc sống.

Mỗi tờ báo H. cộng tác đều có một đặc thù riêng, ở mỗi tờ báo H. lại có dịp thể hiện khả năng của mình ở những vấn đề mới mẻ... Và rồi, H. trở thành phóng viên tự do từ ấy!

H. nói với tôi: Làm phóng viên tự do lợi thế ở chỗ, hay gặp được những đề tài bất ngờ, thú vị hơn những phóng viên bình thường. Bởi hắn có điều kiện đi đây đi đó nhiều, biết được những vấn đề ít người biết đến nên những bài viết của H. luôn là “hàng độc” và được các báo ưa dùng. Nếu nói tòa soạn là gia đình của mỗi phóng viên, thì H. chính là kẻ “vô gia cư” số một mà tôi biết!...

Rất nhiều người chọn cho mình công việc làm báo tự do (freelance) bởi không muốn sự bó buộc.

Không cơ quan chủ quản, không thẻ nhà báo, không công tác phí, ăn ở phải tự túc, đó là khó khăn rất lớn cho những phóng viên như H... Với H, anh phải tự nỗ lực phấn đấu, trau dồi kiến thức và viết hết mình. H bảo, có những lúc cũng chán nản vì bị gia đình, bạn bè nói rằng suốt ngày “lông bông” chẳng chịu kiếm chỗ nào tử tế mà làm. Chỉ có lòng yêu nghề đến cháy bỏng mới giữ được H. ở lại với cây bút và cũng chính vì thế mà giờ đây ít nhiều H. cũng trở thành một cây bút có “thương hiệu”.

Không "may mắn" như H, những phóng viên mới ra trường thân cô thế cô, cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay nhưng không quen biết ai, mà ở cái thời buổi “nhất thân, nhì quen, thứ ba là...” thì cơ hội cho họ là rất nhỏ. Thêm nữa hầu hết những tòa soạn khi tuyển người đều cần những phóng viên có kinh nghiệm.

Vậy là những phóng viên "chân ướt chân ráo" kia lại phải vật lộn với số phận của mình thêm vài năm sau khi ra trường mới có được một "tấm bằng" chứng nhận của xã hội là "có kinh nghiệm" hòng xin vào một tòa soạn nào đó...

 

Tự do... bất đắc dĩ

Mỗi năm, riêng hai trường đại học khu vực phía bắc là Phân viện Báo chí và Tuyên truyền và Khoa Báo chí - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho “ra lò” hàng trăm sinh viên báo chí. Trừ một số người có “quen biết”, có đầu ra ngay từ khi bước chân vào trường đại học, phần lớn sinh viên báo chí ra trường đều phải tự vật lộn, tự khẳng định mình hòng có cơ hội xin được một chân trong tòa soạn nào đó.

L.V.D - sinh viên khoa Báo, trường ĐHKHXH&NV là một ví dụ, sắp tốt nghiệp đại học, cậu quyết định không về quê mà ở lại bám trụ đất Hà thành. Cộng tác với nhiều báo từ khi còn ngồi trên giảng đường, đến giờ cậu cũng có hàng trăm bài được đăng nhưng cũng chưa có tờ báo nào tỏ ý nhận D vào làm phóng viên chính thức.

Vậy là, đến giờ D vẫn phải là một phóng viên tự do... bất đắc dĩ. D ở với cậu bạn, cả ba chung tiền thuê căn phòng rộng chừng 5-6m2, gom tiền nhuận bút để trang trải những chi phí cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày... D tâm sự: Bố mẹ em khuyên về quê nhưng em muốn ở lại đây để thử sức mình. Không dám xin tiền bố mẹ nữa nên phải viết thật lực mới đủ trả tiền nhà, tiền ăn. Nhìn bữa ăn đạm bạc của họ, tôi ái ngại, nhưng qua ánh mắt của họ thấy ánh lên một niềm tin - niềm tin vào tương lai và khát vọng làm việc để khẳng định mình. TôI thầm mong sao họ có thể thành công!

Học cùng lớp với D, L.T lại may mắn hơn bạn. Năm cuối đại học, T xin vào thực tập tại một tờ báo với rất nhiều ấn phẩm nổi tiếng, sau ba tháng thực tập, con số bài viết cậu đóng góp cho báo thật đáng nể - hơn hai chục bài viết được đánh giá là có chất lượng. Ngay lập tức tòa soạn ký hợp đồng với T. Đến giờ, tuy chưa được nhận bằng tốt nghiệp nhưng T đã là phóng viên chính thức của tờ báo tiếng này. Nhưng trước đó T cũng đã phải chật vật làm cộng tác viên cho vài tờ báo với đồng nhuận bút "bèo bọt", nhưng như T nói chủ yếu là để tích luỹ kinh nghiệm cho sau này.

Thoạt nghe nghề phóng viên có vẻ hào nhoáng, nhưng cũng vất vả, khổ cực như bao nghề khác trong xã hội.

Người may mắn như T rất hiếm, hàng chục các bạn cùng lớp của T vẫn đang phải vật lộn với nghiệp mình đã chọn. Tất cả họ đều yêu nghề và với sức trẻ của mình họ sẵn sàng dấn thân. Tuy nhiên, không thể có đủ chỗ cho tất cả mọi người với một miếng bánh... Trước và sau họ, những phóng viên “không nhà” đang ngày một nhiều lên và nhiều người trong số họ vẫn đang phải vật lộn với số phận để kiếm cho mình một chỗ đứng trong xã hội.

Phóng viên tự do cao cấp

Không phải phóng viên chính thức của một tờ báo nào nhưng vẫn có thẻ nhà báo, mà là thẻ nhà báo “xịn” hẳn hoi theo đúng nghĩa đen. Tiến sĩ M., một trong những người mà tôi biết là trường hợp như vậy. Là giảng viên của một trường đại học danh tiếng, đã từ lâu bà là cộng tác viên cho rất nhiều tờ báo trong nam, ngoài bắc. Từ những tờ báo cho giới học sinh-sinh viên, đến những tờ báo giải trí đơn thuần và những tờ báo chuyên ngành rất có uy tín. Bà cho biết, tuy chỉ là cộng tác viên cho những tờ báo này nhưng lúc nào bà cũng được coi là một phóng viên “cao cấp” của họ. Tiến sĩ M. nói vui: Tuy không phải là một phóng viên chuyên nghiệp, nhưng để viết một bài báo đối với bà dễ hơn... ăn cơm.

Bất kỳ một tờ báo nào, nhất là những tờ báo chuyên ngành đều rất cần phải có một đội ngũ cộng tác viên “cao cấp” như thế. Bởi vì, hơn ai hết, họ nắm rõ những lĩnh vực chuyên sâu mà một phóng viên bình thường chưa thể viết nổi.

***

Những phóng viên tự do, cho dù có người chọn công việc như thế, có người do chưa có cơ hội xin vào một tòa soạn nào, nhưng cũng thật khó khi thiếu họ. Không đòi hỏi, sống và làm việc hết mình, để thoả mãn thú vui nghề nghiệp, để nuôi sống bản thân và gia đình (chỉ một phần!), họ đang ngày ngày góp phần làm nên sự thành công của nhiều tờ báo. Với H. bạn tôi, anh luôn nghĩ rằng, phóng viên tự do cũng là một nghề và anh luôn trân trọng cái "nghiệp" của mình. Chắc chắn, những "đồng nghiệp" của anh cũng nghĩ như vậy./.

Theo vovgiaothong.vn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận