Cùng vui Tết Việt

Tết này, khán giả của Kênh Truyền hình Kỹ thuật số VTC (Đài Tiếng nói Việt Nam) được thưởng thức chương trình đặc biệt 'Cùng vui Tết Việt'.

 

Ở đó là những trải nghiệm phong phú, cảm xúc sâu lắng, những câu chuyện độc đáo mang đậm bản sắc Việt Nam.    

Trong “Cùng vui Tết Việt”, chương trình “Chiều cuối năm”, “Phúc Lộc Thọ” và “Giữa lòng quê mẹ” là ba trong số những món ăn tinh thần đặc sắc, đậm đà hương vị Tết cổ truyền.

Chiều cuối năm

Khi mỗi gia đình quây quần sum vầy bên nhau chuẩn bị đón Tết Canh Tý 2020, thì trong chương trình “Chiều cuối năm” của VTC cũng có một cuộc gặp gỡ tất niên đặc biệt. Chủ của bữa tiệc tất niên là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - một người có tiếng chịu khó dõi theo những câu chuyện về thời cuộc, về cuộc sống. Cô bảo: “Cuộc gặp gỡ với những người bạn mà trong đó, có người đã thân thiết từ lâu, có người tôi chưa từng gặp mặt, chỉ có điều tôi đã biết và theo dõi câu chuyện của họ với một sự hứng khởi rất lớn. Và tôi muốn cuộc gặp gỡ ngày hôm nay có thể trở thành một sợi dây kết nối, một nguồn cảm hứng cho năm mới, cho mùa xuân mới 2020”. Cuộc gặp gỡ ấy diễn ra tại một không gian, một địa chỉ văn hóa mang đặc trưng của mảnh đất Kinh kỳ: Ơ kìa Hà Nội.

Chương trình “Cùng vui Tết Việt” của Đài VTC năm nay hòa sóng trên các kênh bắt đầu từ 6h sáng ngày 30 Tết đến hết ngày 3 Tết. 3 chương trình được đầu tư sản xuất của Đài năm nay là: “Chiều cuối năm” được phát sóng 17h00 ngày 30 Tết; “Phúc Lộc Thọ” được phát sóng 20h45 ngày 1 Tết; “Giữa lòng quê mẹ” được phát sóng 10h00 sáng 1 Tết.

Nhà báo Giang Văn Hải, đạo diễn chương trình cho hay: “Chương trình không phải là những câu chuyện quá lớn lao mà tất cả xoay quanh câu chuyện bản sắc của Việt Nam. Những khách mời tới đây, đó có thể là nhà văn, nghệ sĩ, chuyên gia kinh tế, doanh nhân hay sinh viên... sẽ kể câu chuyện của chính họ. Và qua câu chuyện của một người để nói lên câu chuyện của nhiều người. Khán giả sẽ thấy rằng, mỗi khách mời hoạt động trong một lĩnh vực nhưng họ đều có điểm chung, đó là chung ước mơ, chung khát vọng, chung mong muốn giới thiệu, gìn giữ và phát huy những gì thuộc về bản sắc Việt”.

Mỗi nhân vật trong chương trình sẽ đại diện cho một bản sắc, dù là kinh tế, văn hóa hay tinh thần thì đều mang đậm chất Việt Nam. Trong số những vị khách mời ấy có doanh nhân Tạ Quyết Thắng - một nhân vật của năm khi đã mạnh mẽ lên tiếng về tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng những tâm thư gửi lãnh đạo đất nước. Hay chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - người luôn góp ý cho những chính sách, vấn đề lớn của đất nước nhưng vẫn chăm lo tổ ấm. Và 2 gương mặt trẻ tuổi là Giàng A Bê và Giàng Thị Minh đại diện cho cộng đồng người Mông ở vùng cao Tây Bắc. Họ thắp lên giấc mơ giới thiệu văn hóa Mông tới nhiều người hơn nữa để văn hóa Mông không bị mai một, biến dạng và biến mất. Hoặc những câu chuyện về người trẻ chọn hướng khởi nghiệp bằng nông nghiệp với khát khao mang hạt gạo sạch đến các thị trường trên thế giới.

Những câu chuyện được nhắc tới trong “Chiều cuối năm” là câu chuyện của thời cuộc nhưng dễ đi vào lòng người bởi cách tiếp cận rất đời thường, giản dị qua câu chuyện kể tự nhiên của mỗi người về những gì họ đã nỗ lực và làm được. “Chương trình sẽ là nơi kết nối những con người cùng chung khát vọng, một giấc mơ mang tên Việt Nam trong bối cảnh hội nhập. Tôi mong muốn chương trình sẽ khơi gợi, truyền một chút cảm hứng nào đấy để khán giả thấy rằng: Người ta làm được thì mình cũng làm được. Mỗi nỗ lực của cá nhân dù là nhỏ nhưng bền bỉ sẽ tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng”, nhà báo Giang Văn Hải thổ lộ.

Phúc - Lộc - Thọ

“Phúc - Lộc - Thọ” là một món quà xuân đầy hứng khởi mà Đài VTC dành tặng  khán giả. Phúc Lộc Thọ từ xưa đến nay đã trở thành biểu trưng cho ước vọng cuộc sống của mỗi người dân Việt Nam, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn trong năm mới.

Trò chuyện với nhà báo Lê Việt Khoa, thành viên trong ê - kíp sản xuất chương trình, anh bật mí: Một tin vui dành cho khán giả là có tới gần 10 nghệ sĩ hài nổi tiếng xuất hiện trong chương trình, như: nghệ sĩ Đức Hải, Trung ruồi, Thanh Thanh Hiền, Quang Thắng... Và đạo diễn nghệ thuật của chương trình là NSND Trần Lực.

“Chương trình sẽ tạo ra chất men riêng làm hài hòa tính thông tin và tính giải trí. Câu chuyện được đề cập trong chương trình mặc dù có thể mang tính chính luận, hay câu chuyện của những doanh nhân, vận động viên, nhà báo... trong năm vừa qua, những mong ước của họ trong năm tiếp theo nhưng qua lăng kính của nghệ sĩ hài, những câu chuyện đó sẽ được nhìn, được cảm nhận một cách hài hước, vui vẻ”, nhà báo Lê Việt Khoa cho hay.

Khán giả sẽ thấy ba nhân vật Phúc Lộc Thọ trong chương trình rất đời. Các nghệ sĩ vào vai Phúc - Lộc - Thọ rất duyên dáng, họ có tính cách riêng, có sự mâu thuẫn trong câu chuyện của họ nhưng cuối cùng được chính ba nhân vật đó giải quyết một cách vui vẻ, mang lại tiếng cười trong ngày Tết.

Theo lời nhà báo Lê Việt Khoa, lúc đầu “Phúc - Lộc - Thọ” chỉ mang tính chất như một chương trình giao lưu, tọa đàm của các doanh nhân trong ngày xuân. Để thêm vào tính hấp dẫn của chương trình, ê - kíp đã biến cuộc tọa đàm này thành buổi gặp mặt giữa nghệ sĩ với doanh nhân và các khách mời. Sân khấu được thiết kế thành hình tròn và ba nhân vật Phúc - Lộc - Thọ cùng người dẫn chương trình có thể xuất hiện bất cứ đâu trong trường quay, tạo nên tính tương tác đa chiều, linh hoạt. Sẽ không còn giới hạn, khoảng cách nào giữa sân khấu biểu diễn, khách mời và khán giả.

“Trong câu chuyện đời, chuyện nghề của các khách mời sẽ có phần hồi ức về quá khứ của họ. Người xem hiểu được, để có cái Tết vui vẻ hôm nay, các khách mời cũng đã trải qua những biến cố và phải nỗ lực thật nhiều. Thế nhưng màu sắc quá khứ ấy chỉ là điểm xuyết để nói tới tương lai, hạnh phúc, sự đầm ấm đoàn viên. Đó cũng là điều mà những người thực hiện chương trình muốn gửi tới khán giả”, nhà báo Lê Việt Khoa bày tỏ.

Giữa lòng quê mẹ

Lấy tên chương trình là “Giữa lòng quê mẹ”, Đài VTC muốn nhắc nhớ đến hơn 4,5 triệu kiều bào hiện đang sinh sống trên hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Khi thời khắc Tết đến xuân về, họ luôn nhớ về quê hương với những ý nghĩa thiêng liêng nhất. Với chương trình này, khán giả sẽ cùng lật mở chuyến hành trình đong đầy cảm xúc - trở về để được sống Giữa lòng quê mẹ. Sự trở về ấy còn là trở về trong tâm tưởng. Chương trình cũng là dịp để kiều bào gặp gỡ, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm và sự đóng góp của họ cho Tổ quốc bằng những hành động thiết thực nhất.

Buổi ghi hình chương trình Giữa lòng quê mẹ.

 Nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh, Trưởng phòng nội dung 2, kênh Văn hóa Việt VTC10, Tổng đạo diễn chương trình “Giữa lòng quê mẹ” chia sẻ: “Giữa lòng quê mẹ” được thực hiện theo mạch nguồn câu chuyện tình cảm, gần gũi và rất đời. Đó là cảm xúc của những người xa Tổ quốc, nỗi nhớ quê hương thôi thúc bước chân họ trở về; là sự quảng bá văn hóa Việt ra thế giới của kiều bào; là mong muốn gắn bó phần đời còn lại với quê hương của các ca sĩ hải ngoại: ca sĩ Giao Linh, Phi Nhung, Quang Thành...

Trong phần khẳng định giá trị Việt, khán giả sẽ được gặp gỡ những con người sinh sống ở các châu lục khác nhau với những ngành nghề, công việc khác nhau nhưng họ đều có những đóng góp một cách sáng tạo và độc đáo cho quê hương. Nhiều người trong số họ có sức ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới trong nhiều lĩnh vực. “Chương trình không kỳ vọng sẽ đề cập đủ tất cả lĩnh vực mà người Việt có những đóng góp, nhưng sẽ thể hiện nổi bật sự đóng góp của người trẻ khi họ mang tinh hoa ở nước ngoài về cho quê hương” - nhà báo Hồng Lĩnh cho biết.

Dường như nhà báo Hồng Lĩnh và những người thực hiện đã gửi gắm rất nhiều tâm sức vào “Giữa lòng quê mẹ”. Lúc nào, đi đâu, ở đâu, chị cũng chú ý góp nhặt những câu chuyện, ý tưởng và trong đầu luôn nghĩ tới sự trở về của kiều bào. Chỉ nội việc mời được các kiều bào từ nước ngoài trở về đã là vô cùng khó khăn.

“Liên hệ được với các kiều bào cũng đã là một khó khăn, nhưng cái khó nhất là mình phải hiểu được họ. Khi mình bắt được mạch cảm xúc của họ thì việc mời họ về tham gia chương trình cũng dễ dàng hơn; đồng thời việc chương trình truyền đi thông điệp như thế nào cũng là lý do để họ tham gia”, nhà báo Hồng Lĩnh tâm sự. Ngoài ra, chọn nhân vật giao lưu cũng là một sự đắn đo của ê-kíp bởi với hơn 4,5 triệu kiều bào thì sự đóng góp của họ cho đất nước là rất lớn và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có những người rất xuất sắc nhưng họ không về kịp dịp ghi hình, hoặc có người nói tiếng Việt không sõi.

Giữa bộn bề khó khăn, “Giữa lòng quê mẹ” vẫn được ra mắt khán giả. Nhà báo Đào Thị Hồng Lĩnh chia sẻ: “Kênh văn hóa Việt là kênh đối ngoại làm về kiều bào nên Tết đến xuân về phải làm được điều gì đó cho kiều bào”.

Quyết tâm ấy đã tạo nên những món ăn tinh thần bổ ích cho khán giả, đồng thời ghi dấu ấn cho VTC, Đài Tiếng nói Việt Nam./.

Ngọc Vũ

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận