Ngày Phát thanh thế giới 13/2/2020: 'Phát thanh và sự đa dạng'

Năm 2020, Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) chọn chủ đề 'Phát thanh và sự đa dạng.

 

“Phát thanh kết nối mọi người. Trong thời đại bùng nổ truyền thông, đài phát thanh vẫn giữ vai trò đặc biệt từ nhiều thập kỷ qua, là nguồn cung cấp thông tin chủ chốt cho mọi cộng đồng. Phát thanh cũng là nguồn đổi mới mạnh mẽ, đi tiên phong trong tăng cường tương tác với thính giả và không ngừng cải tiến về nội dung. Đài phát thanh mang tới sự đa dạng tuyệt vời với nhiều thể loại, nhiều ngôn ngữ và đa dạng ở chính những người làm phát thanh. Phát thanh gửi thông điệp quan trọng đến toàn thế giới. Trong ngày Phát thanh thế giới, hãy cùng nhau công nhận và tôn vinh sức mạnh trường tồn của phát thanh để thúc đẩy đa dạng và xây dựng một thế giới hòa bình”.

Thông điệp của TTK LHQ Antonio Gutteres nhân Ngày Phát thanh thế giới 13/02/2020 ghi nhận và tôn vinh sức mạnh trường tồn của phát thanh.

Năm nay, UNESCO chọn chủ đề “Phát thanh và sự đa dạng“ nhằm kêu gọi thúc đẩy sự đa dạng trong 3 vấn đề chủ đạo: Đa dạng các chủ thể tham gia vào lĩnh vực phát thanh, gồm cả các đài phát thanh Nhà nước, tư nhân hay của cộng đồng; Khuyến khích sự góp mặt đông đảo và đa dạng trong đội ngũ sản xuất, gồm đại diện các thành phần khác nhau trong xã hội; Thúc đẩy sự đa dạng trên làn sóng về nội dung và các thể loại chương trình đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng thính giả.

Phát thanh - một câu chuyện thành công

 

          “Phát thanh là một câu chuyện thành công!” Đó là nhận định của bà Mirta Lourenço, trưởng bộ phận Truyền thông và xã hội, thuộc Vụ Thông tin và truyền thông của UNESCO.

Thành công ở việc áp dụng những thành tựu công nghệ mới nhất để cạnh tranh tốt với các phương tiện truyền thông khác, để đáp ứng mọi cách thức nghe đài của các đối tượng thính giả trẻ và hiện đại. Phát thanh từ lâu rồi không chỉ là hình ảnh chiếc radio cũ kỹ mà là phát sóng trên internet, trên các ứng dụng, trên mạng xã hội, youtube hay podcasts... Phát thanh đã phát huy những lợi thế của mạng internet để thực hiện những phương thức phát sóng trực tuyến, on-demand, podcast, livestream... tạo ra những “đài phát thanh không cần ăng-ten”, đáp ứng nhu cầu nghe theo yêu cầu, nghe bất cứ lúc nào, nghe bất cứ cái gì và có thể “nhìn” thấy phát thanh... Qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, công chúng chỉ một cái “click” có thể nghe được chương trình của các đài phát thanh... không giới hạn về địa lý, thời gian, văn hóa hay ngôn ngữ.

Thành công quan trọng và đặc biệt của phát thanh từ nhiều thập kỷ qua, đó là đến được với cộng đồng ở những nơi hẻo lánh khó tiếp cận nhất - nơi không có mạng và báo in cũng không thể tới được. Chiếc đài phát thanh nhỏ vẫn phát huy tác dụng lớn trong những cộng đồng nghèo tại các địa bàn heo hút và tưởng như đã bị gạt ra ngoài sự phát triển của xã hội. Một báo cáo khoa học công bố năm 2018 cho thấy, chính chiếc đài phát thanh đã cứu sống hàng nghìn trẻ nhỏ tại châu Phi qua các chương trình tuyên truyền cho chiến dịch phòng chống dịch sốt rét, tiêu chảy và viêm phổi. Hay chiếc đài nhỏ ở một quán cà phê ở Mosul, Iraq thực sự  là nguồn thông tin và giải trí hiếm hoi, kết nối những người dân bất hạnh trong vùng chiến sự với nhau và với thế giới bên ngoài.

                            

Đa dạng để tồn tại và phát triển

Chủ đề “Phát thanh và sự đa dạng” rất bao quát, vừa thể hiện thực tế thời đại số với sự đa dạng rộng lớn nhất về đối tượng thính giả, về mọi chủ đề của đời sống xã hội, về các loại hình - thể loại chương trình, những công nghệ mới nhất để phát thanh tích hợp... UNESCO cũng muốn thúc đẩy sự tham gia đa dạng nhất về giới, về thành phần, về sắc tộc và ngôn ngữ... trong đội ngũ làm phát thanh; sự tương tác đông đảo nhất của mọi thành phần khác nhau trong cộng đồng vào các chương trình phát thanh; sự tham gia tích cực nhất của cả khu vực công - tư nhân vào ngành phát thanh.

Đa dạng cũng là đòi hỏi tất yếu mà chính mỗi đài phát thanh phải đáp ứng để tồn tại và phát triển. Chiến lược đa phương tiện là không thể thiếu với mỗi đài phát thanh và phải cập nhật liên tục các bước phát triển của công nghệ. Nhưng trên hết vẫn là sự đa dạng và chất lượng về nội dung là cốt lõi tạo nên sức hút đối với thính giả. Không đa dạng chương trình, chủ đề, phương thức, loại hình để phục vụ mọi đối tượng thính giả thì phát thanh sẽ mất thính giả và thụt lùi.

Đáp ứng sự đa dạng cũng đồng nghĩa với việc chính mỗi phóng viên, biên tập viên cũng phải đa năng và nhanh nhạy hơn về mọi mặt. Đó không chỉ còn là người phóng viên cầm chiếc máy ghi âm mà phải làm chủ cả máy ảnh, máy quay phim, các phần mềm mới nhất hay các ứng dụng phát sóng cải tiến mỗi ngày./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận